Cây cầu nối đôi bờ sông Tiền, kết nối hai tỉnh Tiền Giang – Vĩnh Long do kĩ sư Việt Nam đảm nhận việc thiết kế, thi công, giám sát 100% đã được thông xe.
5 điểm hơn của cầu Mỹ Thuận 2
Ngày 24/12, tại Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2.
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đặc biệt chỉ ra những cái hơn của cầu Mỹ Thuận 2 so với cầu Mỹ Thuận 1.
Đầu tiên phải nói đến quy mô của 2 cây cầu, cầu Mỹ Thuận 2 dài hơn, cao hơn, rộng hơn. Cầu Mỹ Thuận 2 có chiều dài 1,9km, đường dẫn 4,7km (tổng chiều dài trên 6,6km), rộng 28,3m, cao 125m, kết cấu dầm thi công ở vị trí cao hơn mặt sông khoảng 38m với khẩu độ nhịp chính 350m, là một trong các cầu dây văng lớn nhất hiện nay ở Việt Nam. Còn cầu Mỹ Thuận 1 có chiều dài 1,5km, rộng 23,7m, cao 120m.
Ảnh: Sơn Thu
Thứ 2, cầu Mỹ Thuận 1 sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, tổng vốn đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng (gần 100 triệu USD). Trong khi đó, cầu Mỹ Thuận 2 sử dụng vốn nhiều hơn nhưng toàn bộ là vốn trong nước (hơn 5.000 tỷ đồng).
Thứ 3, cầu Mỹ Thuận 1 thiết kế, thi công, giảm sát cơ bản phải thuê nước ngoài và thi công hết 36 tháng, còn Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thi công hoàn toàn trong 39 tháng mặc cho điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tự hào là cây cầu “nội lực Việt Nam”.
Đây là lần đầu Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ xây dựng một cây cầu lớn, phức tạp như vậy. Những nhà thầu xây dựng có nhiều kinh nghiệm nhất thi công các công trình lớn khắp cả nước đã hội tụ về đây, tạo nên công trình đầy tự hào.
Thứ 4, suất đầu tư của Mỹ Thuận 1 là khoảng 5.000 USD/m2 còn cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 2.400 USD/m2, tức là tiết kiệm khoảng 50%.
Thứ 5, cầu Mỹ Thuận 2 tạo việc làm, sinh kế cho người dân được nhiều hơn.
Ảnh: Sơn Thu
Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, tất cả các chủ thể có liên quan, các cấp, các ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh, các chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu, các cán bộ, công nhân trên công trường, với sự hỗ trợ, đồng tình, ủng hộ của người dân đã nỗ lực triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với tinh thần “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch, làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, để các dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ.
Có mặt tại lễ khánh thành cầu Mỹ Thuận 2, ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết việc đưa vào sử dụng cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa rất quan trọng, giảm áp lực kẹt xe, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1 và cầu Mỹ Thuận, giúp kết nối đồng bộ các tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa của người dân và các địa phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính từng có 5 lần về thị sát quá trình xây dựng, thi công cầu Mỹ Thuận 2, động viên, tặng quà kĩ sư, cán bộ, công nhân của các nhà thầu đang làm việc trên công trường.
Vào tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính khi tham dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã nhấn mạnh: “Chính khát vọng dân tộc mà chúng ta thực hiện được giải phóng mặt bằng đến tổ chức thi công thiết kế, đôn đốc khắc phục khó khăn do đại dịch, khắc phục khó khăn cho nguyên vật liệu về giá cả… Trung Nam đã từng thi công cầu Bạch Đằng nên đã có kinh nghiệm, làm cho cây cầu này thanh thoát hơn và biểu dương Trung Nam phát huy được tinh thần tự lực tự cường, chúng ta đã có một công trình rất ý nghĩa”.
Các phương tiện đi lại thế nào?
UBND tỉnh Tiền Giang đã phê duyệt điều chỉnh phương án tổ chức giao thông tuyến cao tốc thuộc dự án BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Việc này để phù hợp với tổ chức giao thông khi cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành đưa vào khai thác ngày 24/12.
Theo đó, sẽ điều chỉnh giao thông tại khu vực nút giao An Thái Trung, huyện Cái Bè, điểm cuối của cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, tiếp cao cầu Mỹ Thuận 2.
Các phương tiện trên cao tốc hướng từ TP.HCM, Trung Lương đi thành phố Cao Lãnh và quốc lộ 1, sẽ rẽ phải vào nhánh N2.1 ra quốc lộ 30. Tài xế rẽ trái để đi Cao Lãnh, rẽ phải để ra quốc lộ 1.
Ảnh: Sơn Thu
Các phương tiện đi Cần Thơ sẽ tiếp tục chạy thẳng lên cầu Mỹ Thuận 2, qua cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, đi thêm 23km nữa sẽ đến cầu Cần Thơ.
Ngược lại, các phương tiện từ hướng Cần Thơ khi đến nút giao này, nếu chạy thẳng sẽ lên TP.HCM, còn muốn về Cao Lãnh, ra quốc lộ 1 đi Tiền Giang thì rẽ phải vào nhánh N1.2 thông qua nút giao bằng giữa nhánh N1 và quốc lộ 30 để đi các hướng.
Các phương tiện trên quốc lộ 30 từ thành phố Cao Lãnh, quốc lộ 1 đi thành phố Cần Thơ thông qua nút giao bằng giữa nhánh N2 và quốc lộ 30, sau đó vào nhánh N2 và nhánh N2.2 để vào đường cao tốc đi thành phố Cần Thơ.
Bên cạnh đó, Cục Đường bộ Việt Nam cũng đã phê duyệt Phương án tổ chức giao thông cầu Mỹ Thuận 2, cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Qua đó các phương tiện giao thông được phép lưu thông trên tuyến cao tốc theo các quy định cơ bản như sau:
Đường cao tốc chỉ phục vụ cho xe ô tô, các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường ô tô cao tốc: Người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/h không được đi vào đường cao tốc (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).
Trong đó các phương tiện được lưu thông trên tuyến với vận tốc tối đa 90 km/h (riêng cầu Mỹ Thuận 2 để bảo đảm an toàn đối với công trình cầu lớn, tốc độ khai thác tối đa trên cầu là 80 km/h); tốc độ tối thiểu của các phương tiện lưu thông trên tuyến là 60 km/h; ngoài ra để nâng cao an toàn giao thông trên tuyến, các phương tiện lưu thông bảo đảm khoảng cách ghi trên biển chỉ dẫn là 100 m.