6 người sắp ra tòa trong vụ đấu giá cao bất thường 30 tỷ đồng một m2 đất

Phạm Ngọc Tuấn bị cáo buộc cùng 5 đồng phạm lên kịch bản trả giá cao bất thường tới 30 tỷ đồng/m2 nhằm “phá” và lũng đoạn phiên đấu giá đất.

Phiên tòa sẽ được TAND Hà Nội xét xử lưu động ngày 6/3 tại Hội trường UBND xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, nơi có các thửa đất bị lũng đoạn giá.

Sáu bị can gồm: Phạm Ngọc Tuấn, 35 tuổi; Ngô Văn Dương, 31 tuổi; Nguyễn Thị Quỳnh Liên, 41 tuổi; Nguyễn Thế Trung, Nguyễn Thế Quân, 31 tuổi, tất cả trú ở huyện Đông Anh, Nguyễn Đức Thành, 33 tuổi, trú tỉnh Bắc Ninh.

Họ bị truy tố về tội Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản.


5 bị can khi bị tạm giữ. Ảnh: Công an Hà Nội

Cáo trạng xác định, tháng 4/2024, UBND huyện Sóc Sơn có quyết định đấu giá 58 thửa đất, diện tích 90-224 m2 tại xã Quang Tiến. Giá khởi điểm gần 2,5 triệu đồng/m2; đặt cọc 44-111 triệu đồng, tức 20% giá trị thửa đất theo giá khởi điểm.

Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn ký hợp đồng dịch vụ với Công ty đấu giá hợp danh Thanh Xuân để xây dựng quy chế đấu giá.

Theo đó, hình thức đấu giá là bỏ phiếu trực tiếp qua 6 vòng bắt buộc từng thửa đất theo phương thức trả giá lên, mỗi bước giá 3 triệu đồng/m2. Từ vòng 2 trở đi, mức giá khởi điểm của vòng đấu giá là mức giá trả cao nhất tại vòng trước liền kề. Người trả giá cao nhất tại vòng 6 là người trúng đấu giá. Tại vòng này, nếu khách ghi vào phiếu “Không tiếp tục trả giá” thì thửa đất đó không được bán.

Công ty đấu giá niêm yết công khai, bán hồ sơ, thu tiền đặt trước của khách hàng đăng ký tham gia đấu giá.

Tháng 11/2024, biết cuộc đấu giá sắp diễn ra, 6 bị can cùng góp tiền, đứng tên đăng ký hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất và lập nhóm zalo nhắn tin trao đổi.

Nhà chức trách cáo buộc, bị can Tuấn mua 58 bộ hồ sơ, mỗi bộ hồ sơ tương ứng với một thửa đất rồi hướng dẫn cả nhóm hoàn thiện. Trong đó, bị can Thành đăng ký 15 hồ sơ, Trung 5, Dương 15, Tuấn 10, Liên 8, và Quân đăng ký 5 hồ sơ.

Do quy định khách đăng ký đấu giá phải đặt cọc 20% giá tối thiểu từng thửa đất, 6 người góp chung tiền đưa cho Tuấn. Cụ thể, Thành góp 581 triệu đồng, Liên 361 triệu đồng, Trung 40 triệu đồng, Dương 825 triệu đồng và Tuấn góp 1,8 tỷ đồng.

Tổng cộng 3,6 tỷ đồng được Tuấn chuyển đến tài khoản Công ty đấu giá Thanh Xuân để đặt cọc tham gia đấu giá 58 thửa đất.


Ba thửa đất ký hiệu A12, A13 và C6 được Tuấn trả đến 30 tỷ đồng một m2, trong khi giá khởi điểm chỉ 2,5 triệu đồng mỗi m2. Ảnh: Phạm Dự

Kịch bản lũng đoạn đấu giá

VKS xác định, do có kinh nghiệm trong thẩm định, đấu giá đất, bị can Tuấn tìm hiểu thông tin 58 thửa đất, xác định giá trị từng thửa, nghiên cứu quy chế đấu giá và các quy định pháp luật về đấu giá. Bị can tự soạn bảng thống kê thông tin chi tiết 58 thửa đất, tên 6 người đăng ký từng thửa, giá tối đa cần trả của từng thửa. Theo cách tính của Tuấn, giá có thể mua được các thửa đất thấp nhất 23 triệu đồng/m2, cao nhất 32,4 triệu đồng.

Khi họp nhau tại quán cà phê, bị can Tuấn hướng dẫn cả nhóm cách thức tham gia đấu giá như sau: Từ vòng một đến vòng ba, nhóm của Tuấn vẫn trả mức giá bình thường. Đến vòng thứ tư, nếu người khác (không phải người trong nhóm của Tuấn) trả giá cao nhất nhưng dưới mức giá Tuấn đã ghi trong bảng tính thì nhóm của Tuấn mới tham gia đấu giá tiếp nhưng không được vượt quá giá do Tuấn đã ấn định cho từng thửa đất.

Nếu ở vòng thứ 4 có người khác trả giá vượt mức giá tối đa do Tuấn ấn định trước, nhóm của Tuấn sẽ trả giá cao bất thường tại vòng 5. Đến vòng 6, tất cả đều ghi “Không tiếp tục trả giá”, mục đích phá cuộc đấu giá.

Cáo trạng nêu, theo tính toán của nhóm này, với cách thức đấu giá như vậy sẽ làm cho phiên đấu giá không thành mà vẫn không vi phạm quy chế và không bị mất tiền đặt cọc. Điều này buộc việc đấu giá sẽ phải dừng lại để tổ chức đấu giá lại lần sau.

Ngày 29/11/2024, cả nhóm đi chung ôtô đến Nhà thi đấu huyện Sóc Sơn để tham gia đấu giá. Trên xe, Tuấn đưa mỗi người một bảng giá tham khảo với từng thửa đất do mình soạn.

Nhóm bị can tiếp tục bàn bạc, thống nhất cách thức trả giá, thời điểm nâng giá cao bất thường như nội dung đã thống nhất từ trước. Mục đích của việc phá cuộc đấu giá là giảm bớt người tham gia đấu giá lại lần sau. Khi đó, nhóm của Tuấn sẽ có cơ hội đấu giá để mua được những thửa đất như giá mong muốn.


Vị trí khu đất được trả đấu giá 30 tỷ đồng một m2 ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội, tháng 11/2024. Đồ họa: Gia Linh

VKS xác định, bắt đầu vào cuộc đấu giá, từ vòng một đến vòng ba của từng thửa đất, nhóm của Tuấn đấu giá theo trình tự, trả giá dưới mức Tuấn ấn định từ trước.

Ở vòng ba, thấy những người tham gia đấu giá khác trả giá vượt mức tối đa mà Tuấn đã ấn định nên trong thời gian kiểm duyệt phiếu ở vòng 4, nhóm này hẹn nhau ra khu vực nhà vệ sinh (do điện thoại di động bị cấm mang vào nơi đấu giá) trao đổi, bàn bạc cách thức trả giá ở vòng 5.

Họ thống nhất ở vòng 5 tất cả sẽ không tham gia đấu giá 22 thửa đất mà chỉ tham gia đấu giá 36 thửa với cách thức sẽ đưa ra giá rất cao, 100-200 triệu đồng/m2, còn Tuấn sẽ đưa ra giá 30 tỷ đồng/m2. Đến vòng thứ 6, cả nhóm sẽ không tiếp tục trả giá, mục đích để phá cuộc đấu giá. Tất cả đều đồng ý.

Sau khi đấu giá viên công bố kết quả đấu giá ở vòng 5, do nhóm của Tuấn bỏ giá cao bất thường nên nhiều khách hàng chửi bới, gây mất an ninh trật tự tại khu vực đấu giá vì cho rằng các đối tượng đã có hành vi phá cuộc đấu giá. Do 6 bị can không trả giá tại vòng 6, phiên đấu giá không thành công. Kết quả, 36 trong số 58 thửa đất đấu giá bất thành do hành vi của 6 bị can.

Hôm sau, huyện Sóc Sơn có văn bản gửi Công an Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ, xử lý các hành vi thông đồng nâng giá cao bất thường này.