Thu nhập 15 triệu đồng giờ chỉ phù hợp sống ở quê, có nhà, đất của bố mẹ để lại, nhưng nhiều người vẫn cố bám trụ lại thành phố’.
“30 năm nhịn ăn tiêu để mua nhà Hà Nội, Sài Gòn” là bài toán khó được tác giả Anh Nguyễn Đình đặt ra trong bối cảnh giá nhà, đất tại các thành phố lớn liên tục tăng cao, vượt quá mức tăng thu nhập bình quân của người dân. Câu hỏi đặt ra là với mức thu nhập trung bình 15 triệu đồng (ở TP HCM) và 12 triệu đồng (ở Hà Nội), có nên cố bám trụ mua nhà ở thành phố?
Độc giả Đinh Vũ Quỳnh Dương nêu quan điểm: “Với tình hình giá đất đai đang tăng giá chóng mặt như hiện nay, thu nhập khoảng 15 triệu đồng một tháng, ngay cả việc muốn về tỉnh lẻ mua nhà cũng khó chứ đừng nói đến ở thành phố lớn. Giờ nhà đất ở quê tôi cũng không có mảnh nào dưới một tỷ đồng dù là trong làng. Còn nhà ngoài thị trấn phải cỡ hai tỷ đồng trở lên may ra mới có người bán.
Tôi đang sống ở Hà Nội thấy giá đất nội thành rất cao. Nếu về những khu xa như Thanh Trì, hoặc gần Hà Đông bạn mới tìm được căn chung cư 65-70 m2 có giá dưới hai tỷ đồng. Nói thật, tổng thu nhập chỉ15 triệu đồng một tháng thì tốt nhất không nên bám trụ ở thành phố. Với mức thu nhập đó, thời buổi này, chỉ phù hợp sống ở quê, sống trên đất của bố mẹ để lại thôi. Vì thu nhập ở mức đó mà sinh đủ hai con thì lo cho bọn trẻ ăn học đã mệt, tiết kiệm được vài triệu mỗi tháng là hết cỡ, vậy đến bao giờ mới đủ tiền mua nhà?”.
Đồng quan điểm, bạn đọc Ton Vu cho rằng: “Phải nói rằng, nhà cửa ở thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội hiện giờ chỉ dành cho những bạn ngoại tỉnh thực sự xuất sắc hoặc có bố mẹ giàu có, tài chính mạnh từ đầu. Bất động sản phố lớn giờ không phải dành cho tất cả.
Tôi thấy nhiều bạn với mức lương không quá tốt, chỉ loanh quanh 12-15 triệu đồng một tháng, ở chung phòng trọ 3-4 người, mà ăn tiêu tháng nào hết tháng đó. Thế nhưng, họ vẫn cố bám trụ lại Sài Gòn suốt nhiều năm. Ước mơ lớn nhất của họ là bố mẹ ở quê bán hết ruộng vườn để gom được 1-2 tỷ đồng, cho con cái để mua 10-15 m2 đất trong ngõ, ngách nào đó ở Sài Gòn.
Trong khi đó, rất nhiều nơi có các khu công nghiệp mới như Bến Cát, Tân Uyên… (Bình Dương), người lao động có thế dễ dàng kiếm việc với mức lương tương đương. Tại những khu vực này, với tài chính 1-2 tỷ đồng, bạn hoàn toàn có thể kiếm nhà đất diện tích rộng rãi, chi phí sống lại rẻ hơn nhiều so với trung tâm thành phố, cơ sở vật chất hạ tầng cũng đầy đủ, chẳng thiếu thứ gì. Nhiều khi tôi không hiểu các bạn bám trụ lại thành phố như vậy vì cái gì?“.
Nói về tư duy mua nhà thành phố bằng mọi giá của không ít người tỉnh lẻ, độc giả Sua Nghe nhận định: “Cuộc sống đầy đủ tiện nghi không bao giờ dành cho số đông trong xã hội. Muốn ở trong một ngôi nhà phố khang trang hay khu biệt thự có giá từ 5 tỷ đồng trở lên, bạn phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, bạn trúng vé số hoặc trúng sốt đất: ông bà xưa có mảnh đất mua cỡ vài chỉ vàng hoặc vài cây vàng, giờ đất sốt giá tăng vài chục, vài trăm lần.
Thứ hai, bạn được thừa kế tài sản từ ông bà, cha mẹ để lại.
Thứ ba, bạn tự thân vận động: cái này đòi hỏi mỗi người phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba, thậm chí gấp cả chục lần người khác (nỗ lực học, nỗ lực làm việc nhiều hơn và thông minh hơn để có lương cao hơn, học cách kinh doanh và xây dựng công ty, học cách chấp nhận rủi ro và đầu tư…). Hoặc giải pháp cuối cùng là chi tiêu cần kiệm, tích lũy và mua đất vùng xa…
Nếu không rơi vào một trong ba điều kiện trên, mà bạn chỉ ngồi chờ giá bất động sản giảm xuống tới mức phù hợp túi tiền của mình thì có lẽ cả đời vẫn chưa được. Có một câu nói tôi rất tâm đắc: ‘Bạn luôn có hai quyền lựa chọn: thay đổi thế giới hoặc thay đổi bản thân mình’. Vậy bạn chọn cái nào?”.