Nhiều chủ nhà cho thuê hoặc ban quản lý chung cư đang có những biện pháp hạn chế người dân cắm sạc xe máy, xe đạp điện sau vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ (Thanh Xuân, Hà Nội). Thậm chí, nhiều nơi còn cấm hẳn sạc xe điện.
Ghi nhận của PV VietNamNet tại một số chung cư mini, nhà cao tầng cho thuê tại Hà Nội cho thấy, đa số chủ nhà hoặc ban quản lý trong những ngày này đều có những biện pháp nâng cao phòng chống cháy nổ, trong đó hạn chế cho cư dân cắm sạc pin xe điện ở khu vực để xe.
Chị Nguyễn Thị Hiên, chủ một toà nhà cho thuê với quy mô 17 phòng khép kín ở đường Yên Xá (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, từ hôm xảy ra sự kiện cháy chung cư mini ở Khương Hạ, chị rất lo sợ về nguy cơ cháy nổ xuất phát từ tầng để xe, do đó tạm thời không cho người thuê nhà cắm sạc pin xe máy, xe đạp điện tại đây.“Tầng 1 của nhà tôi là chỗ để của khoảng 30 chiếc xe máy, xe đạp, trong đó có khoảng 4-5 chiếc xe điện. Bình thường xe điện được cắm sạc qua đêm tại đây, nhưng từ hôm qua tôi đã thông báo đến mọi người là không cho cắm sạc trong nhà để đề phòng cháy nổ. Dù rủi ro rất thấp thôi nhưng cứ cấm vậy cho chắc”, chị Hiên chia sẻ.
Nhiều toà nhà như của chị Hiên đang cho thuê “nói không” với xe máy, xe đạp điện. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Còn anh Đinh Trung Kiên, chủ một doanh nghiệp chuyên cho thuê căn hộ mini tại địa bàn quận Cầu Giấy và Thanh Xuân cho hay, các toà nhà mà anh đang quản lý từ lâu đã không cho sạc điện ở tầng để xe với nhiều lý do. Thứ nhất rất khó tính toán tiền điện sạc và thứ 2 quan trọng hơn là liên quan đến an toàn cháy nổ.
“Thực tế, các trường hợp cháy xe do sạc điện được phát hiện, rồi xe này cháy lan sang xe khác rất nguy hiểm, thế nên khi khách đến thuê nhà tôi đều kiên quyết từ chối nhận những xe máy, xe đạp điện. Dưới tầng để xe cũng chỉ bố trí 1-2 ổ cắm điện để dùng khi cần chứ không bố trí chỗ sạc điện cho xe”, anh Kiên chia sẻ.
Chị Minh Hằng, sống tại tầng 5 ở một tòa chung cư mini tại quận Thanh Xuân cho biết, bản thân rất ủng hộ việc chủ nhà không nhận những xe máy, xe đạp điện và sạc dưới tầng 1.“Khi đến thuê nhà, thấy toà này có chỗ để xe rộng rãi, và không cho để xe điện là tôi chốt luôn. Anh chị chủ cũng thường xuyên nhắn tin nhắn nhở trong nhóm về an toàn khi sử dụng điện, hướng dẫn cách thoát hiểm và sử dụng bình cứu hoả khi cần thiết nên tôi khá yên tâm”, chị Hằng chia sẻ.Không chỉ các chung cư mini hay toà nhà cho thuê trọ áp dụng cấm sạc pin ở tầng để xe mà nhiều bản quản lý, ban quản trị các khu chung cư, thậm chí cả chung cư cao cấp cũng đang có những biện pháp hạn chế cho loại xe này cắm sạc dưới tầng hầm.Ông Bùi Đức Thông – Trưởng Ban quản trị một chung cư ở quận Nam Từ Liêm chia sẻ chia sẻ với VietNamNet: “Ban quản trị không cấm cư dân sạc pin xe máy, xe đạp điện dưới tầng hầm để xe bởi điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, đi lại.Tuy nhiên chúng tôi đang vận động cư dân sử dụng các loại xe máy điện có thể tháo rời pin thì mang lên nhà để sạc, còn những xe buộc phải sạc tại hầm thì được gom vào một khu vực ngay gần chốt bảo vệ, đồng thời kiên quyết không cho cắm sạc xe qua đêm”.
Gom các xe máy, xe đạp điện để cùng một vị trí có người trông coi 24/24 là một trong những giải pháp được nhiều chung cư áp dụng hiện nay. (Ảnh: Hoàng Hiệp)
Trên nhiều hội nhóm về xe cộ, nhiều người sử dụng xe điện cũng đã chia sẻ những câu chuyện “dở khóc dở cười” của mình xung quanh việc làm gắt của một số chung cư. Trong đó, trường hợp của anh Nguyễn Khánh – cư dân của một chung cư cao cấp trên địa quận 6, TP. HCM khiến nhiều người “sửng sốt”.Chia sẻ với VietNamNet, anh Khánh cho biết, cách đây 2 hôm, Ban quản lý toà nhà nơi anh sinh sống bất ngờ thông báo cư dân không được sạc xe máy điện ở tầng hầm. Cực chẳng đã, anh đã phải đưa hẳn xe lên thang máy và dựng ngay trước cửa nhà để sạc pin hàng ngày.“Ban quản lý không cho sạc pin dưới tầng hầm vì sợ cháy nổ, họ nói chung cư không có thiết kế để sạc pin xe máy dưới hầm. Đúng là bất tiện thật nhưng họ không bố trí nguồn điện nữa nên đành chịu”, anh Khánh nói.
Anh Nguyễn Khánh phải đưa xe máy điện của mình qua thang máy chung cư lên nhà ở tầng cao để sạc điện. (Ảnh NVCC)
Tương tự, chị Hoàng Bảo Trâm ở quận Đống Đa, Hà Nội đã phải thay đổi thói quen sạc pin chiếc xe máy điện của mình vì Ban quản lý chung cư nơi chị sinh sống đã không cho sạc pin xe từ 17h đến 7h sáng hôm sau. Thay vì cắm sạc qua đêm ở hầm chung cư như mọi ngày, chị phải mang thêm dây điện để tranh thủ lúc đến công ty lấy điện sạc nhờ từ phòng bảo vệ.“Công ty tôi ở mặt đường Kim Mã rất đông người qua lại, xe lại để ở vỉa hè nên kéo dây điện sạc pin khá bất tiện, nhưng cũng không còn cách nào khác, đành phải khắc phục thôi vì xe thì cứ 2 ngày phải sạc 1 lần, nếu không sẽ không đi đâu được”, chị Trâm chia sẻ.Các chuyên gia cho rằng, nguy cơ cháy nổ từ việc sạc xe máy, xe đạp điện là hiện hữu và những người quản lý chung cư, căn hộ cho thuê có cơ sở khi đưa ra các biện pháp hạn chế sạc pin tập trung tại khu vực để xe nhằm đảm bảo an toàn.
Tuy nhiên, nguy cơ cao hay thấp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như nguồn điện, thiết bị dây sạc, tình trạng pin của xe,… chứ không phải là cứ sạc pin xe điện là thiếu an toàn.Quan trọng nhất là trong quá trình sử dụng các loại xe đạp, xe máy điện, người dân tuyệt đối không tự ý điều chỉnh thông số kỹ thuật của xe, thay thế các thiết bị, linh kiện, bình điện, bộ sạc… không đúng chủng loại, không rõ nguồn gốc hoặc không đúng theo khuyến cáo của nhà sản xuất.Việc lắp thêm phụ kiện hay thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe có thể dẫn tới sự chênh lệch, gây cháy nổ ắc-quy, pin. Ngoài ra, khi cháy nổ các loại pin như lithium-ion cần được xử lý khác với so với cháy thông thường.Lời khuyên khi phát hiện xe bị cháy pin trong quá trình sạc là không cố dội nước vào thẳng bộ pin, vì nước và lithium có thể tạo ra khí hydro, khiến tình trạng cháy nổ dễ lan rộng. Lúc này, có thể sử dụng bình chữa cháy chuyên dụng, và nhanh chóng cách ly chiếc xe bị cháy ra xa các xe khác, đồng thời thông báo ngay tới cảnh sát PCCC để được hỗ trợ kịp thời.