Theo các chuyên gia, những ngôi nhà nằm quá cao tầng và nằm sâu trong những khu xen kẹt không nên tiếp tục kinh doanh.
Sáng 19/9, báo điện tử Dân Trí tổ chức tọa đàm: “Phòng cháy chữa cháy ở chung cư và sự sống còn”.
Tại tọa đàm, nói về khái niệm, sự hình thành “chung cư mini”, KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng: Hiện nay, những người chưa có điều kiện mua nhà tại các thành phố lớn như người trẻ mới đi làm, công nhân, học sinh, sinh viên đều đang ở trọ. Việc ở trọ hiện nay thường theo dạng một dãy phòng trọ hoặc người thuê nhà thuê lại phòng trống trong của chủ nhà. Vì thế, điều kiện sống rất tồi tàn, nhu cầu cơ bản như căn hộ khép kín cũng không đảm bảo, mọi sinh hoạt đều dùng chung. Nhà ẩm thấp, điện nước không đảm bảo an toàn.
Chung cư mini tại một ngõ nhỏ phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân
Với những điều kiện thấp như vậy, không ít người mong muốn tới 1 căn hộ của riêng bản thân. Nắm bắt được nhu cầu đó của xã hội, nhiều người đã xây dựng nhà ở giá thấp trên nền đất chỉ có diện tích 100-200m2. Những người này xin cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ rồi xin xây thêm nhiều tầng để bán. Đó tạm gọi là chung cư mini.
Các căn hộ nhỏ có diện tích 30-50m2 được hình thành và được bán với giá 500-600 triệu. Cao cấp hơn thì có giá khoảng 1 tỷ đồng. Lợi dụng nhu cầu cấp thiết của xã hội, những nhà ở riêng lẻ trên đã biến tướng thành chung cư mini.
Theo ông Chính, trong văn bản pháp luật của Việt Nam chưa có khái niệm chung cư mini. Nếu có khái niệm chung cư mini thì phải có định nghĩa, khái niệm và cách quản lý phù hợp. Bởi nhà ở nào cũng phải đảm bảo cuộc sống, an ninh, an toàn cho con người.
Tại Hà Nội, chung cư mini thường nằm trong khu xen kẹt. Rất ít chung cư mini xe cứu hỏa có thể vào tận nơi. Do đó, nếu các chung cư mini xảy ra cháy nổ sẽ rất khó cứu nạn.
Tuy nhiên, gần các khu công nghiệp tại TPHCM, người dân phân phối các ngõ phố rộng sẽ xây 5 tầng. Họ chỉ ở 1 tầng và cho thuê 4 tầng. Cũng là chung cư mini nhưng họ có chia lô, chia thửa nên đi lại dễ dàng và dễ xử lý khi có sự cố.
Chung cư mini tại phố Thái Hà, quận Đống Đa vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm PCCC hiện đã được bán và cho thuê toàn bộ
KTS Chính thông tin: Ngay ở Mỹ, Hồng Kông, Nhật Bản người ta đã tập trung dân cư vào khu vực trung tâm, người ta chỉ cần chỗ ở qua đêm, một giấc ngủ tốt để làm việc. Họ coi cuộc sống của mình ở bên ngoài, nhà chỉ để ở. Vì thế họ thiết kế căn nhà 15-30m2 rất nhiều. Tại đó, rất nhiều căn hộ chung cư có diện tích nhỏ để đáp ứng nhu cầu của khách vãng lai, sinh viên, người thu nhập rất thấp. Nhưng các căn hộ nhỏ này vẫn đáp ứng yêu cầu an toàn về PCCC.
Đối với người Việt thì nhà không chỉ để ở mà còn để sinh hoạt gia đình, tái tạo cuộc sống và là nếp văn hóa của người Việt. Do đó, người Việt rất cần một căn hộ đầy đủ tiện nghi.
Khoảng 10 năm nay, nhà chung cư mini nở rộ. Vấn đề là cần thiết kế và quản lý nó ra sao vì chung cư mini chưa có tiêu chuẩn quy phạm về PCCC. Mấy ngày gần đây, cơ quan chức năng đang vào cuộc kiểm tra để xem chung cư mini nào có thể hoạt động, cái nào phải xóa bỏ.
Đồng thời phải tổ chức lại, cải tạo thiết kế ưu tiên cho PCCC và đưa thiết bị PCCC hiện đại vào ngôi nhà.
“Những ngôi nhà nằm quá cao tầng và nằm sâu trong những khu xen kẹt không nên tiếp tục kinh doanh. Còn làm như thế nào thì sẽ có phương án khác vì ảnh hưởng tới cuộc sống người dân. Đánh giá việc này, Bộ Xây dựng và Bộ Công an nên có thông tư về việc sử dụng chung cư mini như thế nào”, KTS Chính nêu quan điểm.
TS. Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết thêm, hiện nay người dân có nhu cầu về nhà ở, và đây là nhu cầu chính đáng. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cho tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, cho phép các tổ chức cá nhân cho thuê nhà. Câu chuyện ở đây là việc chúng ta quản lý các chung cư mini như thế nào để đưa vào nề nếp, đảm bảo an toàn PCCC, đảm bảo quyền của các cá nhân, tổ chức, nhà nước, hướng tới bảo vệ người dân.
Về góc độ pháp lý, LS Đặng Văn Cường cho biết, hiện nay chung cư chia thành nhiều nhóm, phân khúc như cao cấp, bình dân, nhà ở xã hội… và chung cư mini. Chung cư mini chia thành 2 nhóm, người dân tự xây cho thuê. Nhóm thứ 2 là đầu tư quy mô hơn để bán. Tuy nhiên về góc độ pháp lý, pháp luật phải hoàn thiện về pháp lý để quản lý.
Hiện nay pháp luật quy định, với các công trình vi phạm trật tự xây dựng mà hết thời gian xử phạt nhưng bây giờ mới phát hiện thì vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trong đó có việc buộc tháo gỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.
Vì vậy, với hàng nghìn tòa chung cư mini như vậy, chúng ta cần xem xét, nếu thiếu thì bổ sung, nếu vi phạm thì xử lý. Còn xử lý như nào thì căn cứ vào tính chất vi phạm, quy mô… Nếu cải tạo được, bổ sung được thì vẫn duy trì hoạt động công trình đó và nó sẽ trở nên an toàn hơn, đảm bảo an toàn cho chính người dân.
“Còn với các công trình có nguy cơ cháy nổ cao, tôi đồng tình rằng sẽ không cho phép họ kinh doanh, bán căn hộ nữa mà chỉ cho phép sử dụng mục đích là nhà ở riêng lẻ, đúng với pháp lý của nhà nước công nhận cho công trình đó”, LS Cường chia sẻ.
Trần Hoàng / Tiền Phong Online