Sau một năm, đến nay, chỉ có 4 trong số 31 startup tại mùa 5 được rót vốn thực.
Tổng kết Shark Tank Việt mùa 5: Cam kết đầu tư 305 tỷ, thực rót chỉ hơn 46 tỷ đồng, Shark Liên vào nhóm “trắng tay” cùng Shark Linh, Shark Phú
Shark Tank Việt Nam mùa 6 vừa chính thức được công bố ra mắt và sẽ chiếu tập đầu tiên vào ngày 25/9. Trong hội đồng đầu tư năm nay, ngoài những gương mặt quen thuộc như Shark Bình, Shark Hưng, Shark Hùng Anh, Shark Louis, còn có sự tham gia của một “cá mập” hoàn toàn mới – Lê Hàn Tuệ Lâm và Minh Beta.
Trong khi mùa mới đang được khởi động, hãy cùng nhìn lại các khoản đầu tư của bể “cá mập” tại mùa 5 sau một năm phát sóng.
Theo thống kê của chúng tôi, với 14 tập Shark Tank Việt Nam mùa 5, đã có 31 startup được rót vốn với số vốn cam kết ở mức 305 tỷ đồng. Trong đó, có 5 thương vụ triệu USD là hệ thống Anh ngữ Á Châu, nhãn hàng Nerman, hãng thời trang Melya, EM&AI và doanh nghiệp cung cấp gỗ tự nhiên bảo hành 10 năm e-Timber.
Shark Hùng Anh dù lần đầu tiên có mặt trong dàn “cá mập” nhưng đã dẫn đầu về tổng số tiền cam kết đầu tư trên truyền hình ở mức 87,4 tỷ đồng. Theo sau lần lượt là Shak Liên, Shark Bình, Shark Hưng, Shark Phú.
Sau một năm, đến nay, chỉ có 4 trong số 31 startup tại mùa 5 được rót vốn thực.
Cụ thể, Shark Hùng Anh chính thức đầu tư vào chuỗi Anh ngữ Á Châu. Khoản vốn lên tới 1 triệu USD (khoảng 24 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại) đổi lấy 12% cổ phần.
Trong khi đó, Shark Hưng sau mùa 4 không thực rót đồng vốn nào, đã chính thức đầu tư cho Jungle Boss tại mùa 5. Theo đó, Shark Phạm Thanh Hưng sẽ đầu tư 12 tỷ đồng tương ứng với 25% cổ phần Công ty TNHH Jungle Boss, giải ngân theo tiến độ nhu cầu vốn thực tế. Ngoài ra, Shark Phạm Thanh Hưng còn giữ vai trò làm mentor (cố vấn) cho Jungle Boss trong 3 năm.
Shark Bình có cho mình một thương vụ thực rót vốn hậu Shark Tank mùa 5. Tập đoàn NextTech đã công bố khoản đầu tư 10 tỷ đồng nhằm hỗ trợ sản xuất hàng loạt và thương mại hóa các sáng chế của kỹ sư Nguyễn Vĩnh Sơn. Sản phẩm đầu tiên được hỗ trợ là Vòng bi cổ xe máy Upsidedown có tác dụng làm giảm tác động rung lắc khi lái xe khiến nắp tráng bi của xe bị mòn, giúp tăng độ bền vòng bi cổ xe lên gấp 3-5 lần (cụ thể từ 5 đến 10 năm).
Shark Erik dù không phải “cá mập” có số vốn cam kết lớn trên sóng truyền hình nhưng cũng đã chính thức đầu tư cho một startup – Seesaw. Đây là startup phát triển trò chơi tâm lý cho người trẻ do nữ sinh viên Đại học Fulbright Việt Nam sáng lập. Tuy nhiên, số vốn thực rót không được công bố.
Trong khi đó, Shark Liên dù rất tích cực giải ngân vé vàng, đi thẩm định các startup hậu Shark Tank mùa 5 nhưng đến nay vẫn chưa chính thức có thương vụ thực tế nào.
Shark Linh cũng là nữ “cá mập” chưa có deal thực rót, tương tự như mùa 4.
Shark Phú – với vai trò là “cá mập” khách mời, đã cam kết đầu tư vào 2 startup là Velasboost và Nerman (chung với Shark Bình), với tổng vốn cam kết 17,7 tỷ đồng. Dẫu vậy, ông chủ Sunhouse chưa thể biến các thương vụ trên truyền hình thành thực tế.
Ngoài ra, Shark Louis – người có số vốn cam kết đầu tư ít nhất (1,7 tỷ đồng) cũng gặp tình trạng tương tự.
Như vậy, sau hơn 1 năm kể từ ngày phát sóng, chỉ có trên 46 tỷ đồng được đầu tư thực tế so với số vốn 305 tỷ đồng cam kết trên sóng.