‘Lớp 39/40 em đến nhà cô học thêm, con tôi như người d.ị bi.ệt’

Tôi ngỡ ngàng khi con nói cả lớp đều đến nhà cô học thêm, mình con không đi học, nên cô đang hỏi thăm’

‘Con tôi dị biệt khi không đi học thêm’

“Chiều qua sau giờ tan trường, bé Bơ phụng phịu nói với tôi, các bạn ai cũng đến nhà cô học thêm, riêng con thì không. Sao mình không đến nhà cô học vậy mẹ?”, câu hỏi của con khiến chị Nguyễn Thị Bích Thúy (38 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) sững người, chưa biết giải thích sao để cho con hiểu.

Chị Thúy và chồng đang làm vị trí chăm sóc khách hàng doanh nghiệp tại một ngân hàng lớn ở Hà Nội, tổng thu nhập của gia đình mỗi tháng khoảng 60 – 70 triệu đồng, dư sức để đầu tư cho cô con gái lớp 3 đi học thêm. Thế nhưng, ngay từ khi con vào lớp 1, cả hai vợ chồng đều thống nhất cho con học trường công, hạn chế học thêm để con nhiều thời gian vui chơi, khám phá, tuổi thơ trọn vẹn thay vì chỉ chăm chú vào đèn sách.

Đầu năm học, nhiều phụ huynh than vãn việc phải đăng ký cho con đi học thêm ở nhà giáo viên. (Ảnh minh họa: Hà Cường)

Chị vẫn nhớ buổi họp đầu năm học mới của bé Bơ khi mới vào lớp 1, cô giáo gợi ý các phụ huynh có thể gửi con đến nhà cô để học thêm chữ viết và phép tính vào các buổi tối trong tuần. Cô cũng không quên chia sẻ nhà cô gần trường nên phụ huynh nào đi làm về muộn, không kịp đón con sau giờ tan trường thì có thể gửi ở nhà cô để học thêm tối luôn.

Do là năm đầu cấp nên khoảng một nửa số phụ huynh ở lớp đăng ký cho con học thêm các buổi tối trong tuần ở nhà cô. Riêng chị Thúy vẫn kiên quyết với mục tiêu, không đặt nặng kết quả học tập, áp lực bài vở cho con.

Mọi chuyện vẫn diễn ra êm đẹp với con hết lớp 1, lớp 2, đến buổi họp phụ huynh cuối tuần trước, cô lại tiếp tục gợi ý phụ huynh đăng ký học thêm cho con, giá 150.000 đồng/buổi. Ngoài lớp Toán, Tiếng Việt, năm nay cô cũng tổ chức thêm tiếng Anh để phụ huynh thuận tiện trong việc dạy dỗ con, không phải di chuyển ngược xuôi khắp nơi.

“Như thường lệ, tôi vẫn từ chối không cho con đi học thêm tối ở nhà cô. Sau khi biết thông tin cả lớp 39/40 em đăng ký đi học thêm, riêng bé Bơ thì không thì tôi có phần hoảng hốt. Tôi tự hỏi liệu con mình có phải dị biệt hay không?”, nữ phụ huynh tâm sự và lo lắng con sẽ bị cô lập hoặc giáo viên thường xuyên “soi” do không đi học thêm.

Không học thêm nhà cô, khó đạt 10 điểm

Anh Trần Văn Hải (36 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam) có con đang học lớp 9 cho biết, khai giảng xong là các nhóm phụ huynh lớp con trai anh xôn xao đăng ký học thêm ôn luyện cho việc thi chuyển cấp.
“Ngay ngày đầu tiên sau khai giảng, khi học xong trên lớp là con tôi đi học thêm buổi đầu tiên ở nhà cô giáo chủ nhiệm với thời gian 150 phút, giá 300.000 đồng/buổi. Buổi học thêm môn Ngữ văn này cô dạy 1 tuần 1 buổi. Ngoài ra, trong một tuần con tôi sẽ đi học thêm 1 buổi Toán, 2 buổi tiếng Anh và 2 buổi cho môn chuyên để năm tới con sẽ đăng ký thi vào một số trường chuyên”, anh Hải kể.

Đây là năm đầu tiên anh đăng ký cho con đi học, một phần do năm cuối cấp quan trọng, phần khác do những câu chuyện diễn ra ở năm học trước, khiến anh băn khoăn.

Năm trước, sau khi kết thúc bài kiểm tra học kỳ 2, Sơn buồn bã chia sẻ với bố không hoàn thành tốt, bỏ dở 3 câu hỏi cuối do dạng bài này ít gặp. Con càng buồn hơn khi biết dạng bài này “cô đã chữa tối qua ở lớp dạy thêm”, chỉ bạn nào đi học thêm mới giải được.

Đúng như dự đoán, đến khi trả bài kiểm tra, hai bạn thân của Sơn từng đi học thêm ở nhà cô đều đạt 10 điểm, còn con chỉ được 7 điểm.

Áp lực học thêm đang dồn lên vai trẻ. (Ảnh minh họa: Đ.K)

“Ở lớp, con tôi luôn được giáo viên nhận xét chăm chỉ, thông minh, hăng hái phát biểu bài. Lực học trung bình các môn luôn đồng đều khoảng 8.0 đến 8.5. Thế nhưng, chỉ vì không đi học thêm ở nhà cô mà con không đạt điểm 10 như các bạn. Thậm chí, sau khi biết điểm con đã rất tự ti và buồn bã, trách bố mẹ không cho đến nhà cô học thêm”, phụ huynh nói. Những việc con đang trải qua, giống hệt với anh thời còn cắp sách đến trường cách đây hai chục năm từng gặp phải nên rất hiểu tâm lý con trẻ.

Với anh, để con đi học thêm nhiều là điều gì đó rất kinh khủng, vì trẻ đang tuổi ăn ngủ và chơi, làm như vậy là cướp mất tuổi thơ của chúng.

Theo cô Lê Khánh Phương, giáo viên trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội), không chỉ giáo viên khối 1 mà hầu hết các khối lớp khác ở bậc tiểu học đều tổ chức dạy thêm. Nội dung giảng dạy chủ yếu kèm cặp, ôn tập lại kiến thức trên lớp cho học sinh – phần học đáng ra được dạy trong giờ chính khóa.

Trong các tiết dạy thêm, giáo viên cũng ra thêm bài tập để các em làm tại lớp của mình như viết chính tả, làm bài tập toán, tập đọc… “Tuy nhiên, nếu giáo viên có trách nhiệm, dạy hết nội dung chương trình ở trên lớp thì học sinh không cần phải học thêm chỉ tội các em thêm áp lực, căng thẳng sau khi đã học cả ngày ở trường, nhồi nhét thêm 1 – 2 tiếng chẳng giúp các em học khá hơn. Phần học thêm chẳng qua giúp các em rèn luyện thêm các kỹ năng, trừ những em học yếu mới cần phụ đạo”, cô Khánh nói.

Cũng là giáo viên, cô Khánh thấu hiểu những vất vả, khó khăn nghề giáo đang phải đối diện, khi vật giá leo thang, lương không đủ sống nên các thầy cô buộc lòng phải “tăng gia sản xuất” dạy thêm ngoài giờ để kiếm sống. Tuy nhiên việc ưu ái học sinh đi học thêm hơn những em khác trong lớp là điều không đúng, đáng lên án. Việc này đang làm xấu đi hình ảnh nhà giáo, tạo tâm lý xấu không đi học thêm nhà cô, trò sẽ không giỏi, không được điểm cao, nữ giáo viên thẳng thắn đánh giá.

Tháng 3/2023, trả lời cử tri về vấn đề dạy thêm học thêm ngày càng nở rộ, bất chấp lệnh cấm, Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, hiện một số quy định khác của Thông tư số 17 vẫn có hiệu lực thi hành, như: nguyên tắc dạy thêm, học thêm, các trường hợp không được dạy thêm, học thêm, trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm của địa phương, cơ sở giáo dục.

Thông tư 17 cũng nêu rõ, giáo viên không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm… Thông tư này còn quy định: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày…”.