NSND Trần Hạnh được mệnh danh là “người ông quốc dân” bởi những vai diễn người bố, người ông khắc khổ của nam nghệ sĩ đã quá quen thuộc với khán giả truyền hình. Nhưng ít ai biết rằng cuộc đời của nam nghệ sĩ cũng tựa như những thước phim ông từng đóng.
NSND Trần Hạnh được đông đảo khán giả yêu mến qua những vai diễn trong phim truyền hình. Đến giờ, không thể nhớ hết Trần Hạnh đã tham gia bao nhiêu bộ phim, chỉ nhớ rằng ông đóng mác với những vai diễn khắc khổ, người nông dân hiền hậu, hay người ông hiền từ. Nhiều người vẫn quen gọi ông là “lão nông” Trần Hạnh. Còn theo cách nói như bây giờ, đặt cho ông cái tên “người ông quốc dân” cũng chẳng sai.
Từ cậu bé đóng giày đến danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân
NSND Trần Hạnh sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. NSND Trần Hạnh mồ côi bố từ năm 8 tuổi. Ông đã phải sống tự lập rất sớm. Để giúp mẹ và gia đình mưu sinh, ông làm nghề đóng giày thuê ở phố Tràng Tiền.
Ông là một trong nhưng học viên thuộc khóa đầu tiên đào tạo diễn viên chính quy của trường Sân khấu. Do hoàn cảnh gia đình, sau đó ông đành phải rẽ ngang về Đoàn kịch Hà Nội bởi lý do duy nhất là phụ cấp ở đó cao hơn 10 đồng.
Dù theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp muộn hơn nhiều người, nhưng Trần Hạnh vẫn tạo được nhiều dấu ấn trên sân khấu kịch. Ông đã từng 3 lần đoạt Huy chương vàng trong các vở kịch Nguyễn Trãi, Tiền tuyến gọi, Hamlet, giải Nam diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 11 với phim Nước mắt đàn bà và nhiều giải thưởng khác.
NSND Trần Hạnh trong phim “Cha cõng con”
Trần Hạnh là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1982 – 1984. Đến năm 1989, ông về hưu theo quy định. Không tiếp tục đứng trên sân khấu kịch, ông tham gia đóng phim, đó cũng là thời điểm phim truyền hình bắt đầu bước chuyển mới.
Năm 2019, NSND Trần Hạnh được đặc cách xét phong tặng Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Dù danh hiệu này đến hơi muộn, nhưng nhiều khán giả đã tỏ ra vui mừng và vô cùng xúc động.
Trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, NSND Trần Hạnh đã tham rất nhiều bộ phim. Những vai diễn của ông dần trở thành những miền ký ức tươi đẹp của nhiều thế hệ khán giả.
Chắc chắn khán giả yêu phim truyền hình Việt Nam sẽ không quên một Bí thư Đảng ủy trong phim “Làng Nổi”; một ông bố trong phim “Chuyện cổ tích tuổi 17”; bố Lài trong phim “Tướng về hưu”; ông Khiển trong phim “Người cầu may”; ông Lâm trong phim “Chiếc bình tiền kiếp”; bố Mai trong phim “Hãy tha thứ cho em”; bố Lực trong phim “Cỏ lau”; ông Cần trong phim “Cuốn sổ ghi đời”; cụ đồ trong phim “Thời xa vắng”; và vai ông bố trong phim “Người đàn bà thứ 2″…
NSND Trần Hạnh trong phim “Bão Qua Làng”.
Những vai diễn của ông đã đi vào lòng công chúng với vẻ khổ hạnh, đáng thương, những vai nông dân hiền lành, chất phác mặc dù ông là người Hà Nội gốc.
NSND Trần Hạnh: Đời khổ như..phim!
Mỗi người sinh ra đã được ông trời mặc định cho một kiếp sống. Và ông, người nghệ sĩ giản dị giữa lòng Hà Nội với những câu chuyện về hiện tại, quá khứ, tương lai luôn để lại cho người đối diện những suy nghĩ…
Mồ côi cha từ nhỏ, cuộc sống thiếu thốn tình cảm. 8 tuổi, NSND Trần Hạnh đã phải gồng mình lên gánh vác gia đình giúp mẹ. Tuổi thơ của “lão nông khắc khổ” Trần Hạnh ngoài đóng giày ra chỉ có chút niềm vui nhỏ là diễn kịch.
Hồi đó, tham gia diễn kịch nghiệp dư, Trần Hạnh chỉ nghĩ rằng nó là sự vui vẻ tạm thời, nó như sự giải khuây trong chốc lát sau những giờ làm việc vất vả để được hòa mình vào một đời sống khác, một cảnh huống khác, một tâm trạng khác của cuộc đời vốn đa diện này. Nào ngờ, cái duyên nghiệp sân khấu đã ngấm vào ông. Hay cũng có thể nói, số phận đã chọn ông để vào vai những ông già nhà quê với gương mặt đầy nếp nhăn tuổi tác, sống như thể để nhận hết những khốn khổ của cuộc đời.
NSND Trần Hạnh trong phim “Người đàn bà thứ 2”.
NSND Trần Hạnh giãy bày: “Những năm tháng ấy thật sự đã rất xa rồi, nhưng mỗi lần nghĩ đến, tôi vẫn cho rằng, đó là những ngày thần tiên trong đời tôi. Tôi đã học được tình yêu thiêng liêng với nghề nghiệp từ những giọt nước mắt của NSND, đạo diễn Nguyễn Đình Nghi khi cụ nhìn thấy phông màn nhà hát nhăn nheo; học được sự đam mê công việc từ câu thơ một người bạn nghề: “Những ngày sân khấu không làm việc/ Nhà hát buồn như một nghĩa trang…”.
NSND Trần Hạnh và cố NSUT Trần Vân trong vở kịch “Hẹn ngày trở về”.
“Giá như chuyện đời suôn sẻ thì anh thợ đóng giày là tôi đây đã được an nhàn tuổi già với cái nghề có lẽ cũng có tiền dù phải lao động chân tay, chứ không còn phải theo các đoàn làm phim long đong nay đây mai đó. Biết làm sao khi trong tôi cái máu ham vui, ham văn nghệ đã ngấm tự bao giờ.” – NSND tâm sự.
Cuộc đời không phải lúc nào cũng có một cái kết đẹp như trong phim hay như truyện cổ tích. Ông với bản tính hiền lành, làm phim chỉ đủ tiền chi tiêu trong gia đình, nói gì đến dư giả để xây nhà, dựng cửa… Con người hiền hậu chẳng to tiếng với ai bao giờ, gặp chuyện gì cũng chỉ cười trừ cho qua ấy, vào những năm tháng tuổi già lại không được an nhàn.
Cả chục năm trôi qua, ông phải tự tay cơm nước, chợ búa, giặt giũ, chăm sóc cho người vợ bị liệt nửa người sau một lần bị tai biến mạch máu não. Người con trai út sau một lần bị tai nạn ảnh hưởng đến thần kinh, cũng không được minh mẫn. Anh đã hơn 45 tuổi nhưng ngày ngày ông vẫn phải chăm sóc, bảo ban, lo cho con không khác gì một đứa trẻ… Những lúc đi đóng phim, ông phải nhờ người con gái ở gần nhà chăm sóc.
Ông nói giọng như tủi hờn: “Anh em ‘kiến giả nhất phận’ nhưng rồi chị ngã em nâng, đành phải làm phiền các con thôi chứ biết làm sao.” May mà các con ông đều yêu thương nhau nên ông cũng an lòng.
Dù cuộc sống có nhiều khó khăn, vất vả song NSND Trần Hạnh luôn thấy đủ với những gì mình có: “Tôi thấy mình trông lên thì chẳng bằng ai, nhìn xuống thì hơn bao nhiêu người”. Ông bảo: “Đừng nhìn tôi khổ mà nói không được cái gì. Tôi lãi nhiều chứ. Làm diễn viên, tôi được hiểu nhiều, biết nhiều, được nhiều tình cảm quý mến. Mà tình cảm con người với tôi mới là điều làm tôi mừng”.
Hiện tại, NSND Trần Hạnh đã ở độ tuổi 91, một mắt ông đã không còn nhìn rõ nữa, những bước chân đã run hơn, vậy nhưng ông vẫn mong sẽ có được một vai diễn mới.
Có lẽ, ngọn lửa nghề chưa bao giờ tắt ở người nghệ sĩ của nhân dân này. “Người ông quốc dân” là cái tên trìu mến khán giả hay gọi NSND Trần Hạnh. Suốt những năm tháng cuộc đời, nghệ sĩ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, cho khán giả. Những người yêu phim Việt, yêu kịch nói đều đã xem ông như “người ông” thân thiết. Hy vọng NSND Trần Hạnh sẽ luôn mạnh khỏe, để câu chuyện cuộc đời ông sẽ luôn nhắc nhở thế hệ trẻ về một tấm gương giản dị, luôn sống hết mình vì đam mê.