Trong cuộc gặp gỡ mới đây, NSND Việt Anh trải lòng về cuộc sống ở tuổi 65, thẳng thắn đưa ra góc nhìn về giới nghệ sĩ, đặc biệt là về học trò Trấn Thành.
NSND Việt Anh: “Giờ tôi phải học ngược lại Trấn Thành”
Hẹn gặp NSND Việt Anh (SN 1958), ông xuất hiện tại quán cà phê với chiếc áo họa tiết, mũ nồi, cặp kính đen quen thuộc. Ở tuổi 65, NSND Việt Anh dùng từ “may mắn” khi nói về mình trong nghề, còn ngoài cuộc sống, ông ngậm ngùi với 2 chữ “chấp nhận”.
Bao năm qua, cuộc sống ông vẫn thế, một mình trong căn nhà được học trò thuê giúp, không đi diễn thì tìm thú vui bên bạn bè, đọc sách, chơi tennis…
“Nghệ sĩ cần trình độ hơn thái độ”
Gần đây, người ta hay bàn về cách cư xử của nghệ sĩ. Theo ông, nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa “thái độ” và “trình độ” thì nghệ sĩ cần có cái nào hơn?
– Theo tôi, cả hai đều cần thiết với nghệ sĩ. Người ta thường nói “thái độ hơn trình độ” nhưng tôi không nghĩ vậy. Với tôi, nghệ sĩ cần trình độ hơn thái độ. Vì thái độ có thể sửa và điều chỉnh, còn trình độ khó thay đổi lắm vì đó là sự nhận biết. Khán giả chủ yếu xem nghệ sĩ diễn, họ đâu xem thái độ.
Thế nhưng, thực tế thời gian qua showbiz Việt có không ít trường hợp bị quay lưng, tẩy chay vì có thái độ cư xử hoặc phát ngôn thiếu chuẩn mực dù đó có là nghệ sĩ tên tuổi và có những đóng góp lớn cho nghệ thuật đi chăng nữa. Vậy trong trường hợp này, có phải “thái độ” được đặt cao hơn “trình độ”?
– Theo tôi, một phát ngôn của ai đó phải xét xem nó ở ngữ cảnh nào, chứ không thể lấy phát ngôn đó gắn vào một không gian khác rồi mặc nhiên kết tội người ta. Tôi thấy có nhiều phát ngôn của nghệ sĩ bị cắt ghép rồi đưa vào các ngữ cảnh tiêu cực, khiến sự việc bị hiểu sai hướng.
Tôi tin, nghệ sĩ có thành tựu sẽ hiểu mình cần nói gì, trong ngữ cảnh nào. Nhiều người cho mình quyền phán xét và tự gắn phát ngôn của người ta vào ngữ cảnh khác để chỉ trích, lên án. Theo tôi, phải tỉnh táo với chuyện này, đừng mang tính chủ quan để nói về một con người.
Chúng ta không có quyền phê phán hay áp đặt người khác. Hãy để những việc này cho cơ quan có thẩm quyền và những người có trách nhiệm xử lý.
Một ca sĩ từng nói “muốn ngồi ở vị trí không ai ngồi được thì phải chịu được cảm giác không ai chịu được”. Hẳn nghệ sĩ cũng cần trang bị cho mình một “bộ giáp cứng” để đối mặt với những tình huống tiêu cực trong nghề?
– Đương nhiên. Nhưng tôi mong mọi người hãy nhìn nghệ sĩ qua tác phẩm mà họ mang đến cho công chúng. Bạn có thể phán xét và phê bình trong phạm vi nghề nghiệp của họ, chứ đừng bới móc đời tư, làm tổn thương họ. Và khi đánh giá nghệ sĩ qua tác phẩm, bạn có thể khen chê trên tinh thần đóng góp xây dựng, chứ đừng nghe theo đám đông chê một cách vô tội vạ.
Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ sống chưa đúng chuẩn mực, cư xử chưa đẹp trong đời sống cá nhân thì việc bị lên án, tẩy chay là cần thiết?
– Đã là nghệ sĩ thì cần ý thức về lời nói và hành động của mình. Bên cạnh các tác phẩm nghệ thuật, nghệ sĩ còn có trách nhiệm hoàn thiện bản thân. Vì nghệ sĩ là người tạo ra cái đẹp, cùng mọi người hướng tới cái đẹp. Nghệ sĩ luôn phải trau dồi tri thức và lòng yêu thương. Nếu thiếu 2 thứ đó thì không làm nghệ sĩ được.
Ông nhấn mạnh việc “nghệ sĩ phải có tri thức”, nhưng thực tế không phải nghệ sĩ nào cũng từng là “học sinh xuất sắc”. Vậy tri thức ở đây được thể hiện thế nào?
– Tri thức là để bản thân và mọi người hướng tới cái đẹp. Học giỏi mà chưa tỏa sáng thì do cơ hội chưa tới. Còn nếu có nhiều cơ hội mà tri thức kém thì thứ bạn mang đến cho người xem chính là nhận thức kém.
Rất nhiều người làm nghệ thuật, nhất là các diễn viên, vì nhận thức kém nên không làm cho người xem xuýt xoa được. Nhận thức kém được thể hiện qua cách họ diễn, cách nhìn nhận vấn đề và cách thoại.
Và điều tạo nên sự hoàn hảo của người nghệ sĩ chính là tri thức, kỹ năng biểu diễn, kỹ năng nhận biết và luôn luôn mới mẻ. Nghệ sĩ phải tìm cho mình cách đi riêng không nên diễn giống người khác thì tác phẩm mới thú vị.
Tôi dạy học trò nhưng không thích họ là “bản sao” của mình. Họ phải có cách diễn riêng, thậm chí là diễn hay hơn tôi.
Từ góc nhìn của một người thầy, ông thích đào tạo một học trò “ngoan” hay một học trò “giỏi”?
– Tôi thích học trò giỏi hơn là học trò ngoan. Nếu muốn ngoan thì đời sẽ dạy cho họ ngoan, còn để giỏi, họ phải tự phấn đấu, học hỏi và vươn lên.
“Chưa có ai thay thế được Trấn Thành”
Nhắc đến những học trò giỏi của NSND Việt Anh, phải kể đến Trấn Thành. Ông nhìn thấy được gì trong hành trình của anh ấy để có thể dứt khoát tuyên bố “100 năm mới có một nghệ sĩ như Trấn Thành”?
– Tôi thích câu hỏi này, bởi khi nghe tôi nói như thế thì nhiều người cho rằng tôi nói quá. Tuy nhiên, tôi nhận định theo góc nhìn của tôi và có cơ sở để khẳng định như thế.
Tôi đánh giá nghệ sĩ không phải qua một vai diễn để đời hoặc nhiều vai xuất sắc, mà đánh giá qua góc độ xã hội. Điển hình là Trấn Thành tạo ra 2 tác phẩm Bố già và Nhà bà Nữ, mà khi xem xong phim, người xem phải giật mình nhìn lại bản thân và trân trọng hơn các mối quan hệ xã hội.
Một sản phẩm nghệ thuật mà đánh động xã hội, 100 năm nay chưa có nghệ sĩ làm được như thế. Bạn thử kể tôi nghe, hiện tại có nghệ sĩ nào làm được điều đó chưa?
Theo ông, đến bây giờ vị trí “số 1” đó đã có ai có khả năng thay thế chưa?
– Trấn Thành ngày càng giỏi, diễn xuất ngày càng chân thật hơn. Cách nhìn của cậu ấy với nghệ thuật cũng được nâng cấp hơn. Đến giờ, trong lòng tôi, vị trí “số 1” đó vẫn chưa có ai thay thế được.
Không phải tôi tự khen học trò mình, nhưng mà nghệ sĩ là phải như thế, chứ không phải suốt ngày chăm bẵm cho danh tiếng, tốn thời gian vào những thứ vô bổ.
Ấn tượng của NSND Việt Anh về cậu học trò ngày ấy là gì?
– Tôi không đứng lớp dạy Trấn Thành mà chỉ dạy cậu ấy ở “trường đời”. Trấn Thành thông minh, nhớ vanh vách những lời tôi dạy. Đôi khi cậu ấy nhắc lại những câu chuyện mấy chục năm trước mà tôi còn không nhớ.
Từ hồi mới vào nghề, Trấn Thành đã biết quan sát, nghiên cứu và không ngại học người này người kia để tìm cái riêng cho mình. Người trong nghề đa số phải nể Trấn Thành vì sự thông minh, chịu khó đó.
Giờ đây, Trấn Thành có còn xin lời khuyên hay ý kiến gì từ ông?
– Không, giờ trò hơn thầy nhiều rồi (cười). Tôi hay nói với cậu ấy rằng: “Giờ thầy học em đó Trấn Thành”. Tôi nghĩ cậu ấy đủ bản lĩnh để hiểu mình cần nói gì, làm gì và giải quyết ra sao. Tôi không cần dạy nữa, giờ Trấn Thành dạy người ta…
Tuy nhiên, nhiều lần Trấn Thành trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận vì có những phát ngôn gây tranh cãi hoặc việc khóc nhiều trên màn ảnh. Theo ông, học trò của mình có cần tiết chế điều gì để ít gặp sóng gió hơn?
– Ngoài tài năng, cách đối nhân xử thế của Trấn Thành cũng rất đẹp. Tại sao Trấn Thành khóc hoài? Vì cậu ấy sống tình nghĩa và giàu cảm xúc. Nhiều người lấy điều này để chế giễu nhưng tôi khuyên học trò rằng “em cứ khóc”. Khóc là cảm xúc đẹp của một người, tại sao không được khóc? Khóc giúp ta trở nên sâu sắc hơn. Cười có thể giả, chứ khóc không thể giả.
Ông hay gặp gỡ học trò nhưng ít tụ họp cùng đồng nghiệp, phải chăng ông tìm được sự đồng cảm từ học trò hơn là với những đồng nghiệp cùng thời?
– Học trò thích nghe tôi nói chuyện. Những buổi gặp gỡ, tôi hay nói nhiều về nghề và những góc nhìn của bản thân với nghề.
Đồng nghiệp thì ai cũng có công việc riêng, gặp nhau cũng không biết phải nói gì. Nói về nghề thì mỗi người có quan điểm và góc nhìn khác nhau, lỡ không cùng quan điểm lại mắc công.
Cuộc sống một mình ở tuổi 65
Tôi không thích dùng từ “cô đơn” để hỏi ông vì người ta cũng nhắc nhiều rồi. Hiện tại, ông hài lòng với cuộc sống một mình ở tuổi 65 này chứ?
– Người ta không thể hài lòng khi sống một mình, nhưng tôi chấp nhận vì nó là một phần cuộc sống của tôi. Tôi may mắn được Tổ cho cái nghề và sống với đam mê nghệ thuật mấy chục năm qua, nên phải chấp nhận bị lấy đi một gia đình trọn vẹn.
Tôi không thể đòi hỏi mọi điều tốt đẹp đều dành hết cho mình. Tôi luôn tự nhủ bản thân rằng “đừng than thở nhiều và nên chấp nhận”.
“Một gia đình trọn vẹn” – ông có điều gì tiếc nuối?
– Đương nhiên, nếu được quay lại thì tôi sẽ làm khác nhưng làm sao có thể quay lại được. Chuyện gì qua rồi cứ để nó qua, nếu cuộc sống có chữ “nếu” thì đã không có những chuyện đau lòng xảy ra…
Thỉnh thoảng NSND Việt Anh vẫn chia sẻ hình ảnh con gái lên mạng xã hội, bao lâu rồi ông và con chưa gặp nhau?
– Con gái đang sống cùng mẹ ở Sydney (Úc), đến nay cũng hơn 10 năm. Con tôi năm nay 24 tuổi, đã học xong đại học và đang học thêm văn bằng 2. Cũng đã gần 4 năm, cha con chưa gặp nhau…
Con gái thông minh, ham học, sống tình cảm và luôn nghĩ cho người khác. Từ nhỏ, con đã học cách sống tự lập, không đua đòi và không bao giờ đòi hỏi bố mẹ phải mua cho cái này, cái kia.
Con gái từng tham gia một số vở diễn cùng tôi, biết diễn xuất nhưng không thích nghề diễn. Hồi đó, con bé nói với tôi rằng “cha đừng cho con đi diễn nữa, cho con làm đạo diễn đi” (cười).
Thời gian gặp nhau khá hạn chế, những năm qua sống xa nhau, ông và con gái gắn kết thế nào?
– Vì con bận học và đi làm nên mỗi tuần, hai cha con dành thời gian gọi cho nhau một chút. Chúng tôi vẫn chưa có kế hoạch sẽ gặp lại, để con tập trung lo việc học ở Úc trước.
Mỗi lần gọi về, con gái luôn nhắc nhở “cha chú ý sức khỏe, đừng làm nhiều quá, cứ đi chơi và du lịch, đừng lo lắng gì cả”. Nghe thương lắm!
Mối quan hệ giữa NSND Việt Anh và vợ cũ thế nào sau nhiều năm?
– Chúng tôi vẫn giữ liên lạc nhưng mục đích chính là nói về con. Cuộc sống của hai mẹ con ở nước ngoài vẫn ổn. Con gái cũng mới có quốc tịch Úc. Trong khoảng thời gian con học từ lớp 4 đến lớp 12, tôi lo toàn bộ học phí. Vào dịp sinh nhật hay Tết, tôi cho con gái tiền xài chơi.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, người ta thường có mục đích sống khác nhau, ví dụ người trẻ thì muốn kiếm tiền để lo cho cha mẹ, người trung niên thì kiếm tiền lo cho vợ chồng, con cái. Ở tuổi 65, ông vẫn cật lực kiếm tiền vì điều gì?
– Có tiền để cho người ta, giúp đỡ bạn bè và những ai khó khăn…
Nhưng ít khi thấy ông chia sẻ về việc này?
– Chia sẻ mấy chuyện đó làm gì (cười). Tôi thích cho gì thì cho thôi, không thích phô trương, màu mè.
Một ngày của NSND Việt Anh thế nào?
– Sáng tôi uống cà phê với bạn bè, hôm nào có lịch thì đi diễn, nếu không thì chơi tennis, đọc sách, lướt tin tức và vẫn “cơm ngày 3 bữa” như bao người, hôm nào siêng thì nấu, lười thì “cơm hàng cháo chợ”. Cuộc sống bao năm qua vẫn thế, không có gì thay đổi.
Ở tuổi 65, NSND Việt Anh ý thức giữ gìn sức khỏe thế nào?
– Tôi sống liều mạng lắm (cười). Không thích đi khám bệnh hay phải kiêng cữ gì nhiều.
Ông có từng nghĩ sẽ tìm một người bên cạnh để bầu bạn, chăm sóc tuổi già?
– Khó lắm, nhất là ở tuổi này. Ai lại đến với một ông già không có nhà cửa, tiền bạc. Thành ra, tôi cũng không dám đến với ai.
Hiện tại, ông còn trăn trở điều gì?
– Tôi muốn làm nhiều thứ chứ nhưng chưa thể. Tôi cũng muốn có nhiều tiền để giúp đỡ được nhiều người, muốn được dư dả một chút để con gái có cuộc sống tốt hơn. Nhưng thôi, cuộc đời tới đâu hay tới đó, tôi cũng không muốn nghĩ ngợi xa xôi rồi khiến bản thân phải buồn.
Cảm ơn NSND Việt Anh vì buổi trò chuyện!