Khi phát hiện hỏa hoạn, hay xảy ra tình huống khẩn cấp cần cứu nạn, bạn cần gọi ngay cho lực lượng Phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn qua số 114. Trong trường hợp cháy nổ, dù là cháy lớn hay cháy nhỏ đều phải gọi ngay cho 114. Công tác chữa cháy, cứu hộ cứu nạn sẽ hoàn toàn miễn phí. Điều này được quy định rõ trong luật.
Khoản 1 Điều 48 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định như sau: “Kinh phí bảo đảm cho các hoạt động phòng cháy và chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang và các đơn vị khác thụ hưởng ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”.
Khi công tác cứu hộ cứu nạn, phòng cháy chữa cháy xong xuôi, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ cùng bảo vệ hiện trường, điều tra nguyên nhân vụ cháy là do sơ xuất hay cố ý.
Nguyên nhân vụ cháy theo mức độ nào, mức phạt sẽ tương xứng, có thể chỉ phạt hành chính. Nếu vi phạm cố ý, để lại hậu quả nặng nề thì người gây ra hoàn toàn có thể bị xử lý hình sự.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy không thể có mặt ngay lập tức mà còn mất thời gian di chuyển và thời điểm báo cháy của người dân. Riêng với việc báo cháy chậm, khiến lửa lan rộng, đám cháy khó kiểm soát cũng là việc làm có thể bị xử phạt.
Khoản 2 Điều 42 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng cháy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng chống bạo lực gia đình. Cụ thể, phạt tiền từ 4.000.000 – 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi:
a) Không báo cháy, sự cố tai nạn hoặc ngăn cản, gây cản trở việc thông tin báo cháy sự cố tai nạn;
b) Báo cháy giả; báo tin sự cố, tai nạn giả.