Tranh cãi việc đang ngồi trong quán cà phê nhưng bị CSGT vào kiểm tra giấy tờ

Theo luật sư, việc CSGT kiểm tra xe không lưu thông là một phần trong công tác phòng ngừa, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến giao thông và an toàn xã hội, và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật.

Vừa qua, PLO đã có bài đăng với nội dung: “Đang ngồi trong quán cà phê, CSGT có được kiểm tra giấy tờ, bằng lái xe?”. Phía dưới bài đăng có rất nhiều ý kiến, bình luận liên quan đến vấn đề này.

CSGT kiểm tra là có nguyên do?
Một số ý kiến cho rằng CSGT kiểm tra giấy tờ nhóm xe phân khối lớn (PKL) là có lý do. Một số ý kiến khác cũng thắc mắc và muốn được hiểu thêm khi người dân không tham gia giao thông thì CSGT có được kiểm tra giấy tờ hay không?

Bạn đọc Nguyễn Chiến bình luận: “Nếu đã di chuyển trên đường mà trước đó trong khoảng thời gian ngắn, người này có dấu hiệu vi phạm luật giao thông đường bộ thì CSGT có quyền kiểm tra. Không lưu thông mà chỉ nhờ phương tiện khác di chuyển Motor đó đến mang tính chất để giao lưu sưu tầm thì chủ xe có quyền khiếu kiện”.

Một ý kiến: “Xe đậu, đỗ lòng lề đường sai quy định gây cản trở giao thông là cũng đang vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ”.


Một số người dân cho biết nhóm xe PKL thường xuyên tụ họp và gây ồn ào khi nẹt pô xe. Ảnh: MXH
Anh Nhựt bình luận: “Cái này là người dân báo với CSGT nhóm chạy xe PKL này gây ồn ào mất trật tự nên CSGT mới đến kiểm tra, chứ không phải tự nhiên đang ngồi uống cafe và CSGT vào kiểm tra đâu”.

Bạn đọc Võ Thanh bình luận: “Theo luật là chỉ kiểm tra xe đang lưu thông nhưng khi có tố giác phản ánh về vi phạm nào đó thì CSGT được quyền kiểm tra bất cứ khi nào. Trong trường hợp này chắc CSGT có lý do của họ”.

Ý kiến khác: “Đậu xe ngăn nắp, vào quán uống cà phê là không sai nhưng khi ra trước quán cà phê nổ máy, nẹt pô “khoe mẽ”, thể hiện gây ồn ào làm phiền bà con lối xóm trong khu dân cư yên tĩnh là rất sai. Cuối tuần nhóm đi xe PKL rất thích cà phê offline nhưng cũng là thời điểm cuối tuần người đi làm, người đi học được nghỉ ngơi, dậy trễ nên cần bớt ồn ào vì không phải ai cũng đam mê loại xe 2 bánh đắt tiền. Làm dân thích thì khó chứ làm dân ghét rất dễ, người ta thấy ồn ào khó chịu nên CSGT đến kiểm tra sau khi có người dân báo cáo”.

Anh Thịnh bình luận: “Theo tôi thì trừ khi người đó bị nghi ngờ là tội phạm thì mới có thể kiểm tra. Hầu như CSGT là chỉ kiểm tra người vi phạm giao thông đang điều khiển phương tiện giao thông, chứ đâu ai đi kiểm tra người ngồi đang uống cà phê, nước, hay giải lao”.

Luật sư nói gì?
Trao đổi với PLO, Luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn LS TP.HCM cho biết trước hết, CSGT thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trong tuần tra, kiểm soát được quy định tại Điều 7 Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an.

“Trong đó, nhiệm vụ của CSGT là phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến trật tự an toàn giao thông và các hành vi vi phạm khác theo quy định của pháp luật. CSGT còn phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ để bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn. CSGT cũng có trách nhiệm điều tra và giải quyết các tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an”- LS Mạch cho hay.

Cũng theo LS, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm nêu trên, CSGT thực hiện nhiệm vụ phát hiện những sở hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và giao thông đường bộ để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời.


Việc CSGT kiểm tra giấy tờ dù người dân đang không tham gia giao thông cũng là nhiệm vụ và quyền hạn của CSGT. Ảnh: PLO
“Như vậy, việc CSGT kiểm tra xe không lưu thông là một phần trong công tác phòng ngừa, xử lý các vi phạm hành chính liên quan đến giao thông và an toàn xã hội, và đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật”- LS Mạch nhấn mạnh.

Theo LS Võ Đan Mạch, tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 32/2023 của Bộ Công an quy định cán bộ CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

(1) Trực tiếp phát hiện hoặc th qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, thu thập được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trật tự xã hội đã được cấp có thẩm quyền ban hành.

(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự; đấu tranh phòng, chống tội phạm; phòng, chống thiên tai, cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; cứu nạn, cứu hộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

(4) Có tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố giác của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

“Như vậy, trong trường hợp người dân không vi phạm, không tham gia giao thông thì CSGT vẫn được phép kiểm tra giấy tờ xe”- LS Mạch nhấn mạnh.

Cũng theo vị LS này, theo khoản 1 Điều 15 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền khiếu nại và khởi kiện đối với quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. “Do đó, trong trường hợp chủ xe không đồng tình thì có thể làm đơn khiếu nại việc xe của mình không lưu thông nhưng bị CSGT kiểm tra”- LS phân tích thêm để người dân hiểu hơn.