Hầu như ai cũng nghĩ mình là người đạo đức cho đến khi cuộc sống đặt họ trước tình huống cần lựa chọn hành động theo cách này hay cách kia.
Nội dung thi cấp bằng lái xe nên có cả phần lý thuyết và thực hành đạo đức, có như thế mới bớt đi những tài xế cố tình vi phạm luật, dẫn đến bao cái chết thương tâm.
Hầu như ai cũng nghĩ mình là người đạo đức cho đến khi cuộc sống đặt họ trước tình huống cần lựa chọn hành động theo cách này hay cách kia.
Sẽ rất đơn giản khi chúng ta phỏng vấn một ai đó về lựa chọn mang tính đạo đức, vì chẳng mấy người không “thuộc bài”. Phải là điều họ làm trong tình huống thật mới thực sự thể hiện nhân phẩm, và hành động thực tế đó ảnh hưởng đến đến người xung quanh, đến xã hội. Ảnh hưởng xấu ở mức đỉnh điểm chính là gây thảm họa.
Đó là lý do việc thi cấp giấy phép lái xe cần có cả điểm thực hành về đạo đức chứ không chỉ về kỹ năng điều khiển phương tiện.
Đạo đức phải là môn thi bắt buộc trước khi cấp bằng lái xe. (Ảnh: Drivertrainingservices)
Câu “lý thuyết chỉ là màu xám” đúng với mọi lĩnh vực. Người thuộc “như cháo” lý thuyết lái xe nếu không thực hành hàng trăm, hàng nghìn lần thì cũng bằng không. Đạo đức tài xế cũng vậy. Trải qua những giờ lên lớp với giảng viên, ai cũng có thể nói vanh vách cái gì là nên, cái gì không nên, nhưng rồi khi ôm vô lăng trên đường, nhiều người trong số đó có thể gây thương vong cho đồng loại vì kiểu lái xe vô đạo đức.
Lâu nay, trong chương trình đào tạo và thi cấp bằng lái xe, người ta nghiễm nhiên coi phần thực hành chỉ bao gồm các kỹ năng điều khiển xe. “Đạo đức thì thi thực hành kiểu gì chứ?”, nhiều người nói thế. Nhưng sao lại không? Dù việc thiết kế bài thi thực hành cho môn đạo đức không dễ, nhưng nếu coi là điều bắt buộc thì sẽ làm được, với trí tuệ của cả trăm triệu người, của chuyên gia nhiều lĩnh vực.
Người viết bài này xin nêu vài đề xuất. Ban tổ chức thi có thể lập hội đồng trực tiếp nêu các tình huống như trong đời sống thật để thí sinh đưa ra cách xử lý của mình. Hoặc thiết thực hơn nữa là tạo ra các game thực tế ảo, trong đó thí sinh cần lái xe về đích trong thời gian nhất định, vượt qua không chỉ những thử thách, cản trở mà còn cả những tình huống cám dỗ họ phạm luật giống như trong thực tế.
Tất nhiên, thi chỉ là thi, dù là thực hành cũng không hoàn toàn giống thật. Nhưng cả phân thực hành điều khiến xe mà mọi người vẫn thi cũng có phải là hoàn cảnh thật hoàn toàn đâu! Thí sinh thao tác, trình diễn khả năng lái trên trường thi chứ không phải là đường phố hay cao tốc, nơi có trăm, hàng nghìn xe không ngừng lưu thông và tạo ra vô số tình huống khác nhau. Các bài thi thực hành đạo đức cũng vậy, chỉ có thể cố gắng mô phỏng thực tế tốt nhất có thể.
Nhưng cho dù chỉ là tình huống giả định, là thực tế ảo, phản ứng, quyết định của thí sinh lúc đó vẫn là trải nghiệm chân thật hơn rất nhiều so với trả lời câu hỏi lý thuyết thuần túy. Trải nghiệm đó có thể in sâu hơn vào tâm trí, góp phần tạo thành vệt trong ý thức tài xế, để định hướng cho hành động của họ sau này, khi gặp các tình huống tương tự.
Bạn đừng nghĩ rằng cái gì thuộc về kỹ thuật mới có thể tập luyện. Thực ra, đạo đức cũng là thứ cần rèn, cần tập, cần mài giũa, cần dùng kỷ luật để đưa bản thân vào khuôn khổ chứ không phải chỉ tụng cho thuộc lòng. Muốn vậy, cần tạo ra các tình huống để thực hành.
Nếu coi nhẹ phần đạo đức trong chương trình đào tạo lái xe, chỉ sát hạch bằng những câu hỏi lý thuyết cho qua chuyện, chúng ta sẽ cho ra lò những tài xế coi nhẹ sự an toàn của người khác, vì thế mà trở thành mối đe dọa cho cộng đồng.
Như trên đã nói, trong tình huống bình thường ai cũng coi mình là người đạo đức. Tài xế rất dễ hành động vô đạo đức khi nhiều vi phạm bị họ coi là nhỏ, là bình thường, nghĩ rằng tài “tổ lái” sẽ giúp họ vượt qua trót lọt mà không gây nguy hiểm cho người khác.
Lúc đó họ chỉ nghĩ mình đang lựa chọn có chấp nhận nguy cơ bị phạt nếu công an phát hiện hay không. Đến khi gây tai nạn chết người, những tài xế ấy mới vỡ lẽ, hóa ra đó là lựa chọn giữa sự sống và cái chết của đồng loại, hóa ra vi phạm mà họ tưởng là nhỏ ấy chính là bước qua lằn ranh đạo đức, đi về phía cái ác.
Nếu từng trải qua việc thực hành đạo đức trong quá trình học và thi lấy bằng lái xe, họ đã có cơ hội vỡ lẽ về điều đó trước khi trở thành tài xế.
Bắt buộc thi lý thuyết và thực hành đạo đức trước khi cấp bằng lái xe – điều đó không chỉ cứu nhiều người khỏi thương vong do tai nạn giao thông, mà còn cứu nhiều tài xế khỏi viễn cảnh trở thành kẻ gieo rắc cái chết trên đường.