Nhận bản án từ tòa phúc thẩm, bác tôi cầm về quê. Ông chạy khắp xóm làng, gặp ai cũng mừng tủi: “Chúng tôi không cướp nhà con”.
Nhà cửa, đất đai chia cắt thâm tình dường như không còn là chuyện lạ. Nhưng mỗi đợt dư luận dậy lên một câu chuyện như vậy, ai cũng đau lòng. Máu mủ, ruột rà những tưởng là điều thiêng liêng, “nẻo về” cho mỗi người, lại bị vật chất chắn đường, chẳng đau lòng sao được.
Tôi nghĩ, thật khó để khuyên nhau rằng, trong mọi quyết định hay giao dịch liên quan đến nhà cửa, tiền bạc, dẫu có ruột rà cũng nên thận trọng, nhưng những chuyện tranh chấp cứ xuất hiện khắp nơi, ít nhiều là bài học để mỗi người tự nghiệm…
Bác tôi có hai người con. Năm 3 tuổi, anh cả bị cơn sốt bại liệt khiến tâm trí lẫn thân thể không được bình thường. Bao nhiêu hy vọng bác dành hết cho người con trai còn lại tên Phú.
Anh Phú sáng dạ, học giỏi. Học xong đại học, anh ở lại Sài Gòn học lên cao học; sau đó mới về quê, được một khu công nghiệp trên tỉnh nhận làm quản lý.
Ở huyện, nhà gần chợ nên xưa kia bác tôi dạy học, bác gái buôn bán. Họ tích cóp được một khoản đủ mua thêm một căn nhà cũ. Ông bà dự tính, khi anh Phú lập gia đình sẽ cho anh ra riêng, tránh chuyện người con dâu thấy phiền lòng khi sống cùng ông anh chồng bệnh tật.
Anh Phú đi làm hai năm thì cưới vợ, là một đồng nghiệp. Vợ chồng anh ra riêng trong căn nhà cũ cha mẹ mua cho.
Đoạn đường từ nhà lên chỗ làm ở tỉnh hơn 30 cây số, mỗi ngày mất xấp xỉ hai tiếng đồng hồ đi về nên chỉ sau một năm, anh Phú bàn việc bán cả hai căn nhà, một của vợ chồng anh và một của cha mẹ để gom tiền lên tỉnh mua một căn nhà khang trang.
Khi ấy, anh Phú nói: “Sau này cha mẹ già yếu, cũng là vợ chồng con chăm sóc, phụng dưỡng; rồi lo cả cho anh hai. Chi bằng bây giờ chúng ta đoàn tụ sớm, con tranh thủ thêm chút thời gian kiếm tiền, thay cho lãng phí đi về mỗi ngày. Khoản kiếm thêm đó coi như bù vào chuyện buôn bán của mẹ, ba cũng có lương hưu. Hơn nữa, sau này cũng chưa biết liệu có mua được nhà cửa trên tỉnh do giá cả mỗi ngày mỗi tăng”.
Càng ngẫm, càng thấy lời anh Phú đúng. Bác tôi đành bán hai căn nhà dưới quê gom lại, mua được một căn nhà trên tỉnh, gần chỗ làm của vợ chồng anh Phú. Tin tưởng con, bác để vợ chồng anh Phú đứng tên sở hữu căn nhà. Nhà có ba tầng. Hai bác và anh cả chăm nhau ở tầng trệt, hai tầng còn lại thuộc về vợ chồng con cái anh Phú.
Tầm 5 năm sau, chúng tôi tá hỏa khi bác về quê chơi, mếu máo rằng vợ chồng con trai đã khởi kiện ra tòa, yêu cầu vợ chồng chú và anh cả phải dọn ra ngoài sống. Mâu thuẫn cũng từ chuyện con dâu không hợp với nhà chồng, cô quá ngán cảnh ra vô thấy anh chồng.
Anh Phú ban đầu chỉ nhẹ nhàng bênh vực vợ, sau thì cũng trở nên hằn học với ông bà, thường la mắng cha mẹ “già mà không biết sống”. Anh nghe vợ, tìm cách đưa cha mẹ ra ngoài. Ông bà không tiền dự phòng, lại phải nuôi cậu con trai tàn tật, biết đi đâu?
Vợ chồng anh Phú liền rêu rao hai bác tôi ở lì do muốn đuổi vợ chồng họ đi, lấy toàn bộ căn nhà, dồn tài sản dành cho việc chăm lo đứa con tàn tật, phòng trường hợp ông bà ra đi…
Song song đó, vợ chồng anh Phú thay hệ thống điện nước, tách ra xài riêng. Để gây khó cho sinh hoạt của cha mẹ, vợ chồng anh thường xuyên cúp cầu dao điện, ngắt nước của ông bà.
Học trò cũ đến thăm bác, vợ chồng anh lén chụp ảnh, rồi la toáng lên rằng sẽ đăng lên mạng, báo công an nhà có người đột nhập. Chúng tôi từ huyện lên thăm, được anh chị cho là cùng hai bác bày mưu cướp nhà.
Tòa sơ thẩm mở theo yêu cầu “đòi nhà cho ở nhờ” tuyên hai bác phải dọn ra ngoài trong thời hạn 3 tháng. Sau đó, ông bà được hướng dẫn có thể đòi lại tiền năm xưa đã góp cùng các con mua nhà. Do đó, bác làm đơn phản tố, kiện ngược các con, yêu cầu trả số tiền năm xưa đã góp cùng con mua nhà, kể cả tiền từ căn nhà cũ năm xưa cho vợ chồng anh Phú ra riêng (nhưng khi ấy đã không sang tên căn nhà này). Tính ra, hai căn nhà đó trị giá đến ba phần tư giá căn nhà khang trang của hiện tại.
Con đường thu thập chứng cứ của hai ông bà già gần đất xa trời đầy gian nan. Phải tìm lại những người năm xưa hai bác bán nhà để năn nỉ họ ra làm chứng, xin trích lục giấy tờ mua bán, xin làng xóm làm chứng câu chuyện của mình. Thi thoảng, điện thoại bác gái còn có những tin nhắn tức tối, đe dọa… với lời lẽ hỗn xược, từ con dâu và chính đứa con trai bà rứt ruột đẻ ra.
Trong phiên phúc thẩm, vợ chồng anh Phú đắc ý bởi những chứng cứ hai bác nêu ra chỉ có tính tham khảo. Anh khăng khăng rằng quan trọng nhất trong căn nhà hiện tại là do vợ chồng anh đứng tên, cha mẹ không hề có chứng cứ cho thấy đã đưa tiền cho con.
Vị thẩm phán hiểu chuyện, hỏi lại vợ chồng anh: “Nếu cha mẹ đưa tiền cho các con mà phải cần chứng cứ, thì nên chăng công sinh thành, dưỡng dục, những lần anh ốm đau nhập viện, dành cho anh món ngon, mua sắm quần áo cơm nước, nuôi dạy anh học hành đỗ đạt, lo cho anh một khoản tiền xin việc để anh thành đạt đến giờ này, cũng nên ghi trong sổ sách. Mà những khoản này, cần gì sổ sách, chúng tôi tính với nhau cũng ra được con số”.
Tòa cho biết, đã đối chiếu các chứng cứ gián tiếp, sự trùng khớp giữa xem xét nguồn tiền với các thời điểm quan trọng trong các giao dịch mua bán nhà, tuyên vợ chồng anh Phú phải trả lại cho cha mẹ nửa trị giá căn nhà. Đây cũng là ý nguyện của hai bác, để các con cũng có nền tảng gầy dựng lại cuộc sống.
Phiên xử thấu tình đạt lý. Ngày tòa gửi bản án, bác tôi mừng rỡ về quê, khoe khắp nơi rằng mình đâu có cướp nhà con. Ai nấy nghe mà chảy nước mắt. Nhưng cũng từ ấy, coi như bác đã mất đi một người con và gần một đời để yêu thương, vun vén, hy vọng…
Không lâu sau ngày có bản án, vợ chồng anh Phú trả lại nửa tiền cho cha mẹ. Không đủ mua một căn nhà khác trên tỉnh, hai bác quay về phố huyện mua một căn nhà, nhỏ và xấu hơn căn nhà của họ năm xưa. Dù vậy, cuộc sống đã bình yên hơn. Không còn những bữa cơm tối muộn ăn mò mẫm trong tối, không còn nghe những lời chửi đổng của các con, không còn những sáng ngủ dậy thấy tin nhắn doạ dẫm…
Khi tôi viết bài này, hai bác tôi về lại chợ huyện được hai năm. Ba tuần trước, người anh cả qua đời. Suốt đám tang anh ấy, không ai thấy vợ chồng anh Phú về thắp nhang…