3 năm mua nhà và gánh trên vai khoản nợ hơn 12,4 triệu/tháng, chưa kịp trả nợ vợ chồng trẻ đã phải vội bán hòa vốn vì người thân lâm bệnh nặng.
Đó là tình trạng thê thảm của vợ chồng anh Lê Đình Chương và chị Nguyễn Thị Thoa ở Long Biên, Hà Nội. Anh Chương là nhân viên 1 công ty thương mại điện tử, thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng. Chị Thoa làm nhân viên kinh doanh một công ty truyền thông, thu nhập khoảng 11 triệu/tháng. Tổng thu nhập của hai vợ chồng là 26 triệu đồng/tháng.
Vợ chồng trẻ này cưới nhau đã 4 năm nay và có 1 con nhỏ. Anh Chương và chị Thoa đang sống chung cùng bố mẹ chồng trong căn nhà hai tầng ở Long Biên, Hà Nội. Mỗi tháng, vợ chồng trẻ tiết kiệm được khoảng 13 triệu đồng. Số tiền còn lại, anh chị chi tiêu cho gia đình.
4 năm tích lũy, vợ chồng anh có trong tay 600 triệu đồng. Ngày cưới, được bố mẹ cho ít của hồi môn, anh chị bán đi được 100 triệu nữa.
“Với 700 triệu trong tay và có thu nhập ổn định nên người thân, bạn bè ai cũng động viên vợ chồng tôi mua đất hoặc mua nhà. Nhận thấy đây là gợi ý hay vì sau chục năm ngoảnh đi ngoảnh, lại có nhà và trả hết nợ ngân hàng rồi nên vợ chồng tôi cũng háo hức đi tìm mua nhà”, anh Chương kể.
Sau hơn 1 tháng, anh tìm mua được căn nhà 35m2 với 4 tầng có giá 1,7 tỷ đồng trong ngõ sâu 1,5m2. “Vợ chồng tôi lúc ấy vui lắm. Chúng tôi vay ngân hàng 1 tỷ và trả góp trong vòng 20 năm. Sau khi mua nhà xong, chúng tôi chuyển đến nhà mới ở, rất rộng rãi. Nhà mới chỉ cách nhà cũ khoảng 5km nên chúng tôi thường xuyên về thăm bố mẹ già”.
Để vay ngân hàng 1 tỷ đồng, anh Chương dùng chính căn nhà mua được để thế chấp ngân hàng. Vay theo hình thức này, vợ chồng anh mới được vay hạn mức tối đa lên tới 75% giá trị sổ đỏ. Họ cũng tính toán cẩn thận, lên kế hoạch trả nợ rõ ràng.
“Tôi dự định, số tiền 13 triệu chúng tôi tiết kiệm được mỗi tháng sẽ để trả nợ tiền mua nhà nên cũng không áp lực gì. Còn vợ chồng và ông bà chi tiêu trong khoản 13 triệu kia như bình thường, không ảnh hưởng gì đến cuộc sống hiện tại”, anh Chương tâm sự.
Theo anh, khi vay 1 tỷ mua nhà trong thời hạn 20 năm, ngân hàng áp dụng phương thức tính lãi suất trên dư nợ giảm dần, với lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên là 8,29%/năm (tương đương 0,69%/tháng); lãi suất sau thời gian ưu đãi dự kiến là 10,5%/năm (tương đương 0,875%/tháng). Theo đó, tổng số tiền lãi và gốc vợ chồng trẻ này phải thanh toán hàng tháng cụ thể khoảng 12,4 triệu đồng.
“Mỗi tháng, tiền gốc vợ chồng tôi phải trả khoảng 8,3 triệu đồng, tiền lãi khoảng 4,1 triệu đồng. Tổng lãi + gốc phải trả là gần 12,4 triệu đồng”, anh Chương nhẩm tính.
Tuy nhiên người tính không bằng trời tính. Vừa trả nợ ngân hàng được 3 năm thì vợ chồng trẻ này vội vàng phải rao bán nhà do bố anh Chương bị ung thư xương.
“Bố mẹ tôi cả đời làm nông nghiệp nên không tích lũy được. Để điều trị bệnh cho ông, chúng tôi cần ít nhất 500 triệu đồng. Là con, vợ chồng tôi không thể thờ ơ được. Nhưng tiền hàng ngày chỉ đủ chi tiêu cho hai gia đình. Vì thế, chúng tôi quyết định bán gấp căn nhà vừa mua 3 năm trước để có tiền điều trị cho ông”, anh Chương kể trong nuối tiếc.
Do cần bán gấp nhà trong hai tuần, nhà mua lại ở sâu trong ngõ nhỏ nên khách nào cũng dìm giá. Cuối cùng, anh Chương quyết định bán với giá 1,7 tỷ đồng như giá ban đầu để thu tiền nhanh cho được việc của gia đình.
“Biết rõ giá này rẻ hơn thị trường khoảng 150 triệu, nhưng vì cần tiền gấp nên chỉ cần được việc là tôi phải bán liền. Mua nhà phải trả góp mờ mắt trong 3 năm để cuối cùng còn mệt mỏi thêm. 3 năm vợ chồng tôi đi làm chỉ để nuôi ngân hàng. Cứ nghĩ an cư lạc nghiệp, nhưng an cư chưa chắc đã lạc nghiệp được”.
Bởi, anh Chương lý giải, công ty anh thay đổi liên tục, nay đây mai ra tỉnh khác cũng không chừng hoặc công ty phá sản, thậm chí phải đối mặt với biến cố lớn trong cuộc sống mà anh chưa lường trước khi mua nhà. “Giờ thì vợ chồng tôi sợ mua nhà rồi, cứ nghĩ cố nhưng cố quá thành quá cố”, anh nói.