Không cam lòng khi bố mẹ chia đều đất cho 4 anh em, người anh cả tìm mọi cách để xây nhà trên mảnh đất em trai đứng tên sổ đỏ.
Lòng tham không đáy
Vợ chồng ông Long (Hà Nam) sinh được 4 người con trai. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ông bà luôn cố gắng làm việc, chăm chỉ kiếm tiền để lo cho các con học hành bằng bạn bằng bè. Nhờ chí tiến thủ, các con của ông Long khá tự lập, giỏi giang. Người học hành đàng hoàng, công việc tốt, người làm ăn buôn bán, kinh tế đều dư dả.
Trước khi mất, vợ chồng ông Long di chúc lại phần đất rộng hơn 3.000m2 cho các con. Một mảnh ông để làm nhà thờ, tiện sum họp gia đình mỗi dịp giỗ chạp, lễ, Tết. Bốn mảnh còn lại, ông chia đều cho 4 người con trai, có sổ đỏ rõ ràng.
Mọi chuyện tưởng chừng như vậy là thỏa đáng. Thế nhưng biến cố xảy đến khi trong gia đình có những người cố chấp, không chịu phân bằng. Nhất là người con trai cả tên Dũng.
Bốn mảnh đất có diện tích bằng nhau nhưng ông Dũng lúc nào cũng cho rằng bố mẹ thiên vị. Bản thân ông là con trưởng lẽ ra phải được phần hơn và phải được hưởng cả mảnh đất xây nhà thờ. Vì vậy, nhiều năm bố mẹ mất, ông Dũng vẫn không cam lòng. Có lúc ông mượn rượu chửi bới khắp làng xóm.
Sau đó, ông Dũng quyết định bán phần đất của mình, lấy tiền để làm ăn và mua đất xây nhà ở nơi khác. Ông Trung (tên người con trai út) và 2 anh còn lại có sự nghiệp khá thành công, đều sống ở thành phố, có nhà riêng. Phần đất bố mẹ cho, 3 người em vẫn để đó, phòng tuổi già ốm đau hoặc muốn về quê xây nhà nghỉ hưu.
Vì miếng đất mất tình thân
Về phần ông Dũng, sau khi bán mảnh đất bố mẹ cho, ông suốt ngày nhòm ngó đến mảnh đất trống của em út. Thấy em giàu sang, có nhà lớn ở thành phố, ông Dũng liên tục gọi điện nói em cho mình xây nhà ở nhờ trên mảnh đất đó. Ông Dũng lấy lý do muốn ở gần nhà thờ bố mẹ để tiện thực hiện trách nhiệm của người làm con trưởng.
Ban đầu, ông Trung không đồng ý vì cho rằng xây nhà lên tốn kém, sau đập đi lại phí. Nhưng anh cả ngày nào cũng gọi điện khóc than, gây sức ép. Ông Dũng còn nói tuổi già cô đơn, không hợp ở với các con nên muốn em cho mượn đất xây nhà ở riêng.
Nghe anh nói ngọt, lại nghĩ anh sức khỏe đã yếu nên ông Trung đồng ý cho anh xây nhà với điều kiện sau này em muốn lấy đất thì anh phải trả.
Thực hiện được mục đích xây nhà của mình, ông Dũng không còn băn khoăn. Ông cũng dọn vào đó sống cho gần nhà thờ, tiện qua lại dọn dẹp cúng bái. Việc này cũng khiến 3 người em trai cảm thấy được an ủi.
Thế nhưng vì rượu chè nhiều, ông Dũng lâm bệnh rồi sớm qua đời.
Bố mất một thời gian, các con liền cho thuê căn nhà mà ông Dũng xây trên đất của ông Trung. Lúc này ông Trung mới về quê, yêu cầu các cháu trả lại nhà.
Điều khiến ông Trung bất ngờ là cháu trai và cháu dâu khăng khăng đó là nhà của bố mẹ mình để lại, mặc chuyện sổ đỏ đất đứng tên chú.
Ông Trung nhiều lần họp gia đình, yêu cầu dỡ nhà, lấy lại đất của mình. Sự cố chấp và lòng tham của con người khiến tình cảm gia đình rạn nứt, chú cháu cũng không còn coi nhau là người thân. Chính quyền địa phương nhiều lần hòa giải tranh chấp, cho rằng đất tên ai thì người đó được sở hữu nhưng bất thành.
Trước sức ép của chú, người cháu yêu cầu chú phải bồi thường 1 tỷ đồng mới chịu phá nhà. Tất nhiên, ông Trung không chấp nhận bởi đó là điều quá vô lý. Mảnh đất đó vốn đứng tên ông, việc ông cho anh cả xây nhà cũng chỉ vì thương và nể tình anh em. Nhưng một người cố gắng vun đắp tình thân cũng không có tác dụng khi kẻ khác lại muốn hủy hoại nó vì tiền.
Ông Trung tìm đến luật sư để hỏi về thủ tục kiện tụng đất đai. Luật sư Vũ Văn Nho (Hà Nội) tiếp nhận hồ sơ và cho rằng, nếu đệ đơn kiện, ông Trung nắm chắc phần thắng trong tay. Bởi sổ đỏ miếng đất đứng tên ông Trung và ông cũng không có bất cứ giấy tờ văn bản nào chấp nhận việc anh trai cả xây nhà trên đất của mình. Tất cả chỉ là giao kèo bằng miệng.
Nhưng ông Trung không vội làm vậy vì muốn cho người cháu thêm cơ hội và muốn níu giữ tình cảm ruột thịt. Chỉ là, lòng tham đã khiến các cháu trở nên ích kỉ, bất chấp tất cả.
Bất lực, ông Trung cũng đành đệ đơn ra toà.
Sau nhiều tháng, ông Trung cũng lấy lại được mảnh đất của mình. Có đất nhưng tình cảm, tình thân là thứ mà ông đã mất đi, vĩnh viễn không thể lấy lại. Mỗi dịp giỗ, Tết, căn nhà thờ mà bố mẹ ông Trung để lại vẫn luôn thiếu tiếng cười sum họp đủ đầy của con cháu.