Đừng nghĩ rằng bạn lái xe bán tải hay SUV gầm cao thì có thể thoải mái lội nước. Khó có thể lường hết những gì có thể xảy khi lái xe qua một đoạn đường ngập nước, vậy nên hãy nằm lòng 7 điều này.
Mùa mưa bão tới là nỗi lo của không ít người, trong đó có những lái xe ô tô thường xuyên phải đi qua khu vực trũng nước, ngập lụt. Đối mặt với cảnh tuyến đường ngập lụt, các tài xế cần biết khi nào nên “vượt” và khi nào nên rút lui tìm đường khác. Do vậy, trước khi quyết định vượt qua chỗ ngập sâu, bạn nên tự hỏi mình một vài câu quan trọng như dưới đây để có thể đưa qua hành động quyết định chuẩn xác.
Con đường này có quen thuộc không?
Nguy hiểm của việc lao xe vào đường ngập không chỉ có độ nông sâu, mà còn có những nguy hiểm vô hình có thể đang chờ bạn ở bên dưới. Chúng bao gồm những rãnh mòn sâu, nắp cống mở và dải ta-luy bê tông, tất cả những thứ này có thể khiến bạn bị mắc kẹt. Nếu bạn không chắc về những “cái bẫy” nằm dưới nước, tốt nhất nên quay đầu xe và tìm một lối đi khác.
Ước lượng chính xác độ sâu khu vực ngập nước
Đừng bao giờ lao đầu vào chỗ ngập nước mà không biết độ sâu của nó. Vùng nước ngập có thể bắt đầu ở mức ngang đầu gối, nhưng có thể sâu đến thắt lưng hoặc hơn nữa khi bạn càng tiến về phía trước.
Hãy phán đoán dựa vào hình ảnh, sự vật quanh đó, ví dụ như người đi bộ đang lội qua làn nước, những chiếc xe bị mắc kẹt, hoặc mức độ ngập nước của cột điện, cây cối. Nếu cần thiết, hãy bước ra khỏi xe và cố gắng nhìn xa về phía trước xem liệu chiếc xe của bạn có thể xử lý độ sâu như thế hay không. Đơn giản hơn là hãy hỏi những người dân địa phương.
Đừng chủ quan vì bạn đi một chiếc xe gầm cao
Đừng tự cho rằng chiếc xe của bạn có thể dễ dàng vượt qua bởi chỗ ngập thấp hơn mức dự tính. Khả năng lội nước của một chiếc xe không chỉ phụ thuộc vào chiều cao của nó. Ví dụ, hai chiếc cùng đời với hai hệ thống động cơ và hút gió khác nhau có thể dẫn tới kết quả lội nước rất khác nhau. Một chiếc xe có thể sống sót qua chỗ ngập cao tới nắp capô, nhưng một chiếc khác có thể “chết đuối” ngay khi nước cao bằng đèn pha. Lắp một ống thông hơi cho xe là một cách để nâng cao khả năng lội nước của xế cưng.
Giới hạn chiều sâu lội nước của xe là bao nhiêu?
Các nhà sản xuất xe đều có công bố rõ ràng về chiều sâu lội nước cho sản phẩm của họ. Chiều sâu lội nước có tính toán đến đủ những phụ tùng trong xe như hệ thống điện tử, bình chứa dung dịch và thậm chí đệm làm kín cửa. Do đó, bạn nên lùi xe nếu không nắm rõ giới hạn chiều sâu lội nước của xe mình.
Xe nặng bao nhiêu?
Nên nhớ rằng, các phương diện nhỏ hơn, nhẹ hơn như hatchback và sedan có xu hướng bị trôi, tùy thuộc vào độ sâu của con đường ngập hoặc dòng nước đang chảy mạnh hay yếu.
Các mẫu xe nặng hơn như xe bán tải và SUV cỡ vừa có khả năng đối đầu với sóng nước trên một con đường ngập tốt hơn. Tuy nhiên, ngay cả những mẫu xe này cũng dễ bị cuốn đi một khi mực nước đủ cao và mạnh.
Phải làm gì khi bị kẹt ở khu vực ngập nước?
Rõ ràng, mục tiêu chính khi gặp đường ngập là làm sao có thể vượt sang đầu bên kia mà vẫn an toàn, xe vẫn hoạt động bình thường. Song, nếu trường hợp xe của bạn bị kẹt ở đoạn nước ngập thì điều cần làm cơ bản ở đây bao gồm tắt động cơ, ngắt kết nối ắc quy, tháo bỏ phụ tùng điện tử và cố gắng đẩy xe nếu có thể.
Tin được quan tâm
Ô tô chết máy giữa đường: Nguyên nhân và kinh nghiệm “xương máu” khi xử lý
Kiểm tra kỹ càng chiếc xe của mình sau khi lội nước
Bạn lái xe vượt qua con đường ngập một cách thành công thì xin chúc mừng! Thế nhưng bạn vẫn chưa hết việc đâu. Kiểm tra tình trạng chiếc xe vừa lội nước của mình là một việc làm quan trọng. Hãy xem có mảnh vụn mắc kẹt trong bộ tản nhiệt của xe không? Nước ngập có hòa lẫn vào các dung dịch không? Hệ thống điện tử vẫn hoạt động ổn chứ?
Nếu bạn cảm thấy hoài nghi về bất cứ việc gì ở trên thì nên nghĩ thật kỹ trước khi lao vào một đoạn đường ngập. Bất cứ chiếc xe nào cũng có thể bị “chết đuối”, cho dù là một chiếc off-road huyền thoại như Land Rover Defender hay một chiếc sedan cỡ B.