Sự phân biệt giàu nghèo luôn tồn tại trong xã hội và càng trở nên rõ nét ở thời kỳ lạm phát. Nếu người nghèo ở châu Âu không đủ tiền mua bánh mì thì giới nhà giàu lại ”tiết kiệm” bằng cách mua siêu xe.
Dân nghèo khốn đốn vì thực phẩm rẻ nhất cũng tăng giá
Nhiều nước trên thế giới đang ghi nhận sự gia tăng đáng kể mức giá thực phẩm, nhà ở và nhiên liệu, tình trạng mà các chuyên gia gọi là khủng hoảng chi phí sinh hoạt, lạm phát hay bão giá.
Tại Nhật Bản, số liệu của chính phủ vừa công bố cho thấy mức lương thực tế đã giảm 1,2% trong tháng 4, trong khi giá tiêu dùng tăng 3%, theo Reuters.
Ở Đức, người dân cũng đang trong thời điểm lạm phát cao nhất trong hơn 30 năm qua. Túi tiền eo hẹp trong khi giá các mặt hàng đều tăng khiến người dân xoay xở vô cùng khó khăn.
Người nghèo ở Đức chỉ dám mua sữa chua vừa hết hạn vì giá cả tăng cao
Bà Gabriele Washah, một công dân Đức đã nghỉ hưu ở thành phố Berlin, vẫn xếp hàng chờ đợi để mua được những túi cà rốt với giá 50 xu, các hộp sữa chua vừa hết hạn và những bó hoa héo.
Bà Gabriele Washah nói với PV VTV: “Bánh mì có giá hơn 2 Euro, không thể mua được. Bơ trước đây 99 xu giờ cũng lên hơn 2 Euro. Đôi khi tôi đi từ cửa hàng về nhà mà nước mắt lưng tròng vì có nhiều thứ mà tôi không thể mua thêm được nữa”.
Tại thủ đô Wellington (New Zealand), giá thuê nhà tăng đến 12% trong một năm qua và giá xăng, thực phẩm tăng lên đã buộc nhiều người phải cân nhắc dọn sang Úc để sinh sống dù chính phủ đã tăng cường các biện pháp ngắn hạn như trợ giá xăng hay giá vé giao thông công cộng.
Chẳng hạn, gia đình 6 người của ông Chris gần đây đã phải dọn sang TP.Brisbane (Úc) để bắt đầu cuộc sống mới dù có nhà riêng và thu nhập ổn tại New Zealand. “Một số người Úc nói rằng chi phí sinh hoạt tại đây đang tăng nhưng chỉ bằng mức 5 năm trước tại New Zealand”, ông Chris nói.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 30/5 cho biết các nhãn hiệu mỳ pasta và bánh mỳ rẻ nhất của nước này đều đã tăng giá trong năm ngoái, khiến cuộc sống của những người dân nghèo càng trở nên khó khăn, TTXVN đưa tin.
Các nhà hoạt động chống đói nghèo đã chỉ ra xu hướng tăng giá mạnh ở những thực phẩm rẻ nhất. Nhiều cuộc khảo sát cũng cho thấy ngày càng nhiều người dân Anh quyết định bỏ bữa do lạm phát giá tiêu dùng ở mức cao nhất trong 40 năm.
Lạm phát có thể làm tăng nguy cơ bất ổn xã hội
Cụ thể, giá gói mỳ pasta 500gram rẻ nhất trong siêu thị Anh vào tháng trước là 0,53 bảng (0,67 USD), tăng 50% so với mức 0,36 bảng (0,46 USD) cách đây một năm. Trong khi đó, giá một ổ bánh mỳ 800 gram đã tăng 16% lên 0,54 bảng (0,68 USD). Thực phẩm có mức tăng mạnh nhất là bò băm với giá của 500 gram tăng từ 0,32 bảng (0,4 USD) lên 2,34 bảng (2,96 USD).
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cảnh báo rằng việc tăng giá thực phẩm và nhiên liệu có thể làm gia tăng đáng kể nguy cơ bất ổn xã hội tại những nước nghèo.
Nhà giàu cắt giảm vui chơi để đầu tư siêu xe
Dịch Covid-19 khiến giới nhà giàu không thể vung tiền cho những kỳ nghỉ đắt tiền hay những trải nghiệm khác, do đó họ chuyển sang mua sắm các thương hiệu xa xỉ, bao gồm cả ôtô. Điều đó giúp cho Bugatti, Bentley, Rolls-Royce đạt được mức doanh thu và lợi nhuận khủng. Chẳng hạn, Aston Martin đã bán được gần 2.000 xe ở Mỹ, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với DBX. Danh sách chờ mua xe Ferrari đã kéo dài tới 3 năm sau.
Phát biểu trên Automotive News, Alan Haig của công ty tư vấn Haig Partners cho biết, doanh số bán hàng kết hợp của McLaren, Maserati, Lamborghini, Bentley, Rolls-Royce, Aston Martin và Ferrari tại Mỹ đã tăng 5% từ năm 2018.
Giới siêu giàu đã chán BMW và luôn thích những chiếc xe cao cấp hơn
Ông nói: “Thị trường ngày nay ít biến động hơn và sinh lợi nhiều hơn do sự gia tăng của các hộ gia đình giàu có. Các nhà sản xuất chạy đua sản phẩm mới với giá ngày càng cao”.
Một lý do khác khiến siêu xe trở thành điểm ngắm của giới nhà giàu là do thái độ tiêu dùng thay đổi. Trước đây, người giàu hay đi BMW, Mercedes-Benz, nhưng giờ thì họ khát khao nhiều hơn thế. Chủ một đại lý xe sang, Mike Ward, cho biết: “Lexus có thể là chiếc xe hằng ngày, nhưng họ cần sự mới mẻ, sang trọng hơn”.
Ngoài ra, ở thời kỳ bão giá, thế hệ Millennials (từ 40 tuổi trở xuống) cũng tỏ ra lạc quan hơn với các khoản đầu tư của họ so với nhóm triệu phú lớn tuổi (sinh năm 1948-1965). Thậm chí, 40% những người sinh năm 1981-1996 có kế hoạch mua thêm cổ phiếu khi lạm phát tăng nhanh, theo khảo sát của CNBC.