Vụ giếng khoan phun cột nước cao chục mét ở Gia Lai: Thả hơn 40 trụ bê tông

Liên quan đến giếng khoan phun ra cột nước, khí cao hàng chục mét suốt hơn 2 tháng qua ở Gia Lai, gia đình ông Đàm Xuân Hòa đã thả hơn 40 trụ bê tông xuống lòng giếng, đổ bê tông, lắp van trên bề mặt.
Ông Đàm Xuân Hòa, ở xã Ia Kly, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, trước khi đổ bê tông, lắp van, gia đình đã thả hơn 40 trụ bê tông xuống lòng giếng. Hơn 1 tuần từ khi gia đình đổ bê tông, lắp van, giếng khoan không còn phun khí và nước lên.

Theo ông Hòa, thấy nước phun lên cột cao nên nhiều người đi ngang thường tò mò dừng lại xem. Để ngăn chặn sự hiếu kỳ này, gia đình đã đổ một bệ bê tông dày 30cm và lắp thêm đường ống có van để sử dụng khí phun lên khi cần.


Để đảm bảo an toàn, gia đình ông Hòa đã thả hơn 40 trụ bê tông xuống lòng giếng và đổ thêm bê tông, lắp van thoái khí trên mặt giếng (Ảnh: Phạm Hoàng).

Tuy nhiên, sau khi đã đổ bê tông và lắp van, do áp lực nên khí, nước vẫn rò rỉ qua các khe hở của bê tông.

Chính vì vậy, ông Hòa đã liên hệ với đoàn chuyên gia của Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung (thuộc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường) xin lấp lại giếng.

Sau đó, ông Hòa tiến hành thả hơn 40 trụ bê tông với chiều dài gần 50m xuống giếng khoan. Khi thấy khí, nước giảm, ông Hòa mới đặt lại bệ bê tông, van trên miệng giếng.


Sau hơn 1 tuần, lượng khí nước dường như đã không còn phun lên (Ảnh: Phạm Hoàng).

“Mọi người thấy cũng lo lắng vì sợ áp lực mạnh sẽ nổ hoặc đẩy bệ bê tông ra. Tuy nhiên, gia đình đã thả hàng chục trụ bê tông xuống lòng giếng khoan để lấp lại. Hơn 1 tuần nay, lượng khí, nước phun lên đã yếu, giảm rõ rệt”, ông Hòa chia sẻ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Rơ Mah Hêng, Chủ tịch UBND xã Ia Kly, huyện Chư Prông, nói: “Gia đình làm như vậy, xã cũng xuống kiểm tra về độ an toàn. Bằng cảm quan mắt thường, chúng tôi thấy khí, nước hầu như không còn phun lên nữa.

Gia đình đã thả hàng chục trụ bê tông xuống rồi mới xây thành và lắp van thoát khí bên trên. Liên quan đến việc này, ngành chuyên môn về tài nguyên môi trường cũng không có ý kiến hay phản hồi gì về cho chính quyền xã và gia đình”.


Đoàn kiểm tra lấy mẫu nước tại giếng khoan tự phun đưa đi xét nghiệm trước đó (Ảnh: Hồ Nam).

Như Dân trí thông tin, sau đợt rung chấn động đất tại tỉnh Kon Tum, vào ngày 28/7, giếng khoan của gia đình ông Đàm Xuân Hòa ở Gia Lai xuất hiện những tiếng động lạ.

Ngày 30/7, gia đình khoan lại giếng xuống độ sâu 180m để tìm nguồn nước, bất ngờ có hiện tượng dòng nước và khí phun mạnh lên khỏi mặt đất, tạo thành cột cao hàng chục mét.

Hiện tượng này kéo dài suốt hơn 2 tháng qua. Mới đây, gia đình ông Hòa đã đắp bệ bê tông, lắp một đường ống có kết nối van để sử dụng dòng khí, nước phun lên khi cần.