Hà Nội là một siêu đô thị với mật độ dân số gần 10 triệu dân, phương tiện giao thông công cộng chỉ đáp ứng 19% nhu cầu đi lại của người dân nên việc kiểm soát xe máy, thu phí ô tô vào nội đô còn bất cập.
Ô tô vào nội đô sẽ phải mua vé từ 50.000-100.000 đồng
Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” sẽ được UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố xem xét, quyết định trong phiên họp cuối năm vào tháng 12/2024. Đề án bao gồm nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera; Ứng dụng hệ thống đèn giao thông thông minh; Ứng dụng giao thông thông minh qua các ứng dụng di động; Triển khai hệ thống thu phí tự động; Hệ thống quản lý và điều hành giao thông đô thị tập trung; Phát triển các giải pháp cho phương tiện công cộng; Đào tạo và nâng cao ý thức người dân…
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội tắc nghẽn do mật độ phương tiện cá nhân quá đông.
Với nội dung triển khai hệ thống thu phí tự động, đề án có các công việc chính là lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến đường chính và tại các trạm thu phí, giúp giảm thiểu ùn tắc và tăng cường tính minh bạch trong thu phí giao thông; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống các trạm thu phí tự động để tích hợp với hệ thống vé tháng, vé năm cho phương tiện công cộng.
Ở nội dung xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera, đề án xác định hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được lắp tại các ngã tư, các tuyến đường lớn và các điểm “nóng” giao thông. Hệ thống camera không chỉ ghi nhận tình hình giao thông mà còn hỗ trợ phát hiện, xử lý vi phạm như: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường…
TS Đinh Thị Thanh Bình, Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải) cho biết, sau khi xây dựng xong đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô với nội dung trọng tâm là xây dựng 87 trạm thu phí xe ô tô cá nhân (tính từ Vành đai 3 trở vào), đề án cập nhật, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó mở rộng phạm vi được lựa chọn làm ranh giới khu vực thu phí giữa nội thành và ngoại thành cho phù hợp với Luật Thủ đô mới; tăng thêm các trạm/vị trí thu phí ô tô so với các lần đã báo cáo vào năm 2020, 2022.
Thay vì chỉ dựng 87 trạm thu phí ở khu vực phạm vi ranh giới giữa ngoại thành và nội thành (được xác định từ đường Vành đai 3 trở vào), trong lần báo cáo vừa qua, đơn vị tư vấn đã khảo sát và bổ sung tăng lên hơn 100 trạm.
Ranh giới để xác định giữa khu vực nội thành và ngoại thành là tuyến đường Vành đai 3. Mức phí được tư vấn đề xuất cho một lượt xe ô tô loại tiêu chuẩn (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) đi vào nội đô để thành phố xem xét, phê duyệt là từ 50.000 – 100.000 đồng/lượt.
Theo đề án đã trình thành phố Hà Nội lần thứ 3, qua khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô. Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm khu vực nội đô giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp. Hiện đề án đang được lấy ý kiến người dân để tiếp tục chỉnh sửa.
TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho biết, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toán giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị, trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô.
Để thực hiện đề án thu phí ô tô vào nội đô, Nghị quyết số 04 thông qua đề án của HĐND thành phố Hà Nội năm 2017, yêu cầu, đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng vận tải công cộng Hà Nội phải đạt được 20% nhu cầu đi lại của người dân; đến năm 2025 (thời điểm thu phí ô tô vào nội đô), vận tải công cộng phải đạt được 30 – 35% nhu cầu; sau năm 2030 là 50% nhu cầu. Nhưng đến nay theo báo cáo mới nhất của đại diện UBND thành phố, mặc dù có cố gắng nhưng vận tải công cộng hiện nay mới đáp ứng được 19%.
Cách nào hiện thực hóa giao thông thông minh?
KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam chỉ ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết khi tiến hành thu phí phương tiện vào thành phố.
Cần phải rà soát lại các tuyến xe buýt, gia tăng phương tiện công cộng, lấy người dân làm chủ thể. Các điểm dừng và thu phí phải được kết nối với hệ thống giao thông công cộng tốt như các tuyến xe buýt công cộng, buýt BRT, đặc biệt là những điểm đỗ xe đã thích hợp chưa, rồi hãy tính chuyện thu phí.
“Hà Nội là một siêu đô thị với mật độ dân số gần 10 triệu dân như hiện nay, lẽ ra phương tiện giao thông công cộng phải đáp ứng được ít nhất 50% nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, hiện tại, tỉ lệ đáp ứng của các phương tiện công cộng trên địa bàn Hà Nội mới chỉ đạt 19% là không ổn. Chỉ tiêu phương tiện công cộng còn chưa đạt được mà đã đặt ra việc thu phí, hạn chế xe cá nhân là quá vội vàng, phải được xem xét và có lộ trình thích hợp. Không thể đưa ra quyết định tổng thể trong một lúc”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nói rõ.
GS.TS Lê Hùng Lân, Trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng phát triển hệ thống giao thông thông minh để giải quyết vấn đề giao thông đô thị là rất cấp thiết, song việc đầu tư gặp thách thức khi hạ tầng giao thông Hà Nội đang trong giai đoạn xây dựng, chưa hoàn thiện.
Tỷ lệ đất dành cho giao thông còn ít (chưa được một nửa so với yêu cầu). Vận tải hành khách công cộng chưa phát triển, chủ yếu dựa vào phương tiện xe buýt và mới đáp ứng chưa được 20%. Phương thức giao thông xanh (đi bộ, xe đạp, xe động cơ điện…) chưa phổ biến.
Công tác quản lý, điều hành giao thông chưa tập trung, nhiều đơn vị, tổ chức tham gia nhưng thiếu kết nối, chia sẻ. Dữ liệu giao thông chưa được chú trọng thu thập, tập trung xử lý, chia sẻ, dẫn đến hiệu quả khai thác không cao, lãng phí. Các ứng dụng giao thông thông minh ít, rời rạc, thiếu liên kết. Hạ tầng giao thông thông minh cũng chưa được hình thành, khung tiêu chuẩn kỹ thuật phục vụ đầu tư thiết bị giao thông thông minh chưa đầy đủ…
Chính vì vậy, cần thu hút nhiều nguồn lực ngoài chính phủ cùng tham gia vào hệ thống giao thông thông minh như: hệ thống quản lý xe buýt; hệ thống vé liên thông; hệ thống quản lý và thu phí bãi đỗ; hệ thống thu phí đường bộ; hệ thống bảng điện tử điều khiển giao thông; hệ thống đo đếm và phân tích lưu lượng xe lưu thông; hệ thống thu phí không dừng, hệ thống cân tự động; ứng dụng cung cấp thông tin giao thông cho người tham gia giao thông…