Khi nhận được cuộc điện thoại “kêu cứu” từ vị khách lạ, anh Tài lập tức di chuyển 10km đến hỗ trợ. Sau hơn 1 giờ loay hoay khắc phục lỗi hết nước làm mát, anh thông báo chi phí hết 300 nghìn nhưng bất ngờ vị khách kêu đắt và chỉ trả 200 nghìn.
Thợ sửa xe tức tưởi khi bị nói “lùa gà”
Mới đây, một tài khoản có tên Bách Hoá Ô tô đã đăng tải lên hội nhóm mạng xã hội kể về tình huống “dở khóc dở cười” liên quan đến một ca đi cứu hộ ô tô trên đường. Câu chuyện đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng thợ sửa xe và những người sử dụng ô tô.
Tài khoản này viết: “Sáng ra cay cú quá các bác ạ. Khách lạ gọi điện đến bảo xe anh bị chết máy dọc đường, khói lên trên capo, nhờ em đến xem. Chạy xe đến thì thấy cạn nước, em chờ nguội đổ nước vào thì nổ máy lên vẫn bị sôi. Em tháo van hằng nhiện ra bỏ luôn rồi lắp lại OK cho khách bảo về thay van hằng nhiệt sau…”,
“Khi bảo tính tiền, em lấy 270 nghìn cộng thêm 2 chai nước 30 nghìn, tổng là 300 nghìn… Chạy ô tô đến làm cả tiếng, cả đi cả về tầm 10km mà bác chủ xe bảo em không làm gì, em ‘lùa gà’, lấy anh tận 300 nghìn. Chán”, tài khoản này chia sẻ thêm.
Bài đăng của tài khoản Bách Hoá Ô tô trên một hội nhóm chuyên về kỹ thuật ô tô. Ảnh chụp màn hình
Ngay khi đăng tải lên mạng xã hội, nhiều người đã để lại ý kiến khác nhau về chia sẻ trên. Đa số cho rằng, với công sức bỏ ra như vậy, người thợ sửa xe trong câu chuyện hoàn toàn xứng đáng được nhận nhiều hơn 300 nghìn cộng với lời cảm ơn từ phía chủ xe.
Tài khoản Đinh Nguyễn viết: “Xe nằm đường bốc khói, gọi thợ đến kiểm tra và làm cho xe chạy được mà mất có 300 nghìn cũng bị chê đắt. Đúng là nghề rẻ mạt quá, còn ông khách kia cũng chẳng tôn trọng công sức của anh em thợ”.
“Sao bác không lắp lại van hằng nhiệt lỗi lại cho người ta, rồi xin lại chỗ nước làm mát đã đổ, bảo chủ xe tự đi mà xử lý”, tài khoản Thanh Chương hài hước.
“Tôi lại nhớ đến câu chuyện người thợ sửa tàu hết 10.000 đô la, trong đó công gõ cái gõ búa chỉ mất 1 đô la, còn việc tìm ra vị trí cần gõ mất 9.999 đô la”, tài khoản Chí Huy bình luận.
Tuy vậy, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, người thợ trên đã non kinh nghiệm khi không báo giá trước khi làm, bởi công sửa chữa hoàn toàn là thoả thuận cá nhân, và khách hàng cũng có quyền chê đắt.
“Bác nên trao đổi trước với chủ xe. Tiền di chuyển đến để sửa và công kiểm tra tính riêng, vật tư hoặc phát sinh lỗi thêm tính riêng. Thoải mái ngay từ đầu thì khi lấy tiền đỡ bị mang tiếng”, tài khoản Hữu Chí góp ý.
Nghề sửa xe ô tô cũng gặp lắm tình huống “bi hài”. Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp
“Một tiền gà, ba tiền thóc”
Để tìm hiểu thêm về câu chuyện thú vị này, PV VietNamNet đã liên hệ với anh Dương Kim Tài (30 tuổi ở Hà Tĩnh) – chủ tài khoản Bách Hoá Ô tô nói trên. Anh Tài cho biết, mình có một gara ô tô nhỏ ở xã Cẩm Lộc, huyện Cẩm Xuyên.
Khoảng gần trưa ngày 15/11, anh có nhận được cuộc gọi từ vị khách lạ. Người này nói xe hiệu Spark đời 2013 đang “nằm” ở Quốc lộ 1A, cách gara của anh khoảng 5km. Theo mô tả ban đầu, anh nhận định xe của khách bị sôi két nước dẫn đến hết nước làm mát.
Biết khách đang rất cần, anh Tài tạm đóng cửa gara và lấy xe ô tô lên đường. Sau khoảng 1 giờ đồng hồ “vật lộn” với chiếc xe cũ, anh nhận định van hằng nhiệt đã bị hỏng, nước làm mát không thể vào bên trong bộ tản nhiệt khiến nước liên tục sôi và bốc khói.
“Chủ xe nói ở thành phố Hà Tĩnh, cách đó tầm hơn 30km. Để khắc phục tạm thời và đảm bảo xe về được đến nơi an toàn, tôi đã tháo van hằng nhiệt ra và dặn kỹ chủ xe cần đến gara thay bộ phận này càng sớm càng tốt, đồng thời châm thêm 3 lít nước làm mát cho xe”, anh Tài kể.
Theo thợ sửa xe này, hôm đó anh phải lái ô tô đi cho đỡ nắng và cũng tiện chở theo đồ sửa xe. Sau khi khắc phục xong, anh báo chi phí hết 300 nghìn bao gồm cả tiền công và 2 chai nước làm mát thì bất ngờ vị khách liên tục phản ứng.
“Người này chê đắt, thậm chí còn nói tôi là ‘lùa gà à’ và chỉ đồng ý trả tôi 200 nghìn. Lúc đó tôi quá ngán ngẩm, cầm lấy 200 nghìn rồi đi về”, anh Tài nói.
Chia sẻ thêm về nghề nghiệp của mình, anh Nguyễn Kim Tài cho rằng, sửa xe nói chung và đi cứu hộ xe nói riêng đúng là “một tiền gà, ba tiền thóc”, nhiều khi công sức bỏ ra nhiều nhưng khách hàng nghĩ là ‘đơn giản, có mất gì đâu’, rồi cho rằng thợ cố tình chặt chém.
“Tôi chỉ lấy tiền theo đúng công sức mình bỏ ra trên tinh thần hỗ trợ. Nhưng gặp phải khách “rắn” thì đúng là vừa mất công vừa thêm bực vào người. Cũng có lần bị khách chê đắt, tôi giận quá không lấy tiền và bỏ về, coi như làm hộ”, anh Tài chia sẻ.
Bạn có góc nhìn thế nào về câu chuyện trên? Hãy để lại ý kiến dưới phần bình luận. Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình về Ban Ô tô xe máy – Báo VietNamNet theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!