Đây là lần đình công quy mô lớn đầu tiên tại Volkswagen kể từ năm 2018.
Ngày 2/12, hơn 120.000 công nhân tại các nhà máy của Volkswagen trên khắp nước Đức sẽ tiến hành một cuộc đình công cảnh báo (warning strike) nhằm phản đối kế hoạch cắt giảm chi phí mạnh tay mà hãng xe Đức vừa công bố. Đây là lần đình công quy mô lớn đầu tiên tại Volkswagen kể từ năm 2018, đánh dấu sự leo thang căng thẳng trong tranh chấp lao động giữa hãng xe lớn nhất châu Âu và người lao động.
Volkswagen đang đối mặt với áp lực từ chi phí năng lượng, lao động cao và cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe giá rẻ Trung Quốc. Để ứng phó, hãng lên kế hoạch cắt giảm 10% lương, sa thải hàng chục nghìn nhân viên và đóng cửa ít nhất ba nhà máy tại Đức. Hãng cũng dự kiến giảm quy mô các nhà máy còn lại, với lý do cần bảo vệ thị phần trong bối cảnh nhu cầu xe hơi tại châu Âu và Trung Quốc suy giảm.
Ảnh minh họa
Công đoàn IG Metall cho biết lệnh cấm đình công đã hết hiệu lực vào ngày 30/11, mở đường cho các cuộc đình công diễn ra từ ngày 1/12. Mặc dù ban đầu, cuộc đình công chỉ kéo dài vài giờ đến một ngày, nhưng tình hình có thể leo thang nếu Volkswagen không rút lại kế hoạch cắt giảm chi phí.
Trước đó, các cuộc đàm phán về lương và kế hoạch đóng cửa nhà máy không đạt được đột phá. Công đoàn đề xuất các biện pháp giúp hãng tiết kiệm 1,5 tỷ euro (1,6 tỷ USD), bao gồm việc từ bỏ thưởng năm 2025 và 2026, nhưng Volkswagen đã bác bỏ đề xuất này.
“Nếu cần thiết, đây sẽ là cuộc chiến thương lượng tập thể khắc nghiệt nhất mà Volkswagen từng đối mặt”, Thorsten Groeger, đại diện công đoàn IG Metall, tuyên bố. Ông cũng chỉ trích lãnh đạo Volkswagen đã “châm lửa” vào thỏa thuận lao động và tiếp tục “đổ thêm xăng” khi từ chối các giải pháp của công đoàn.
Volkswagen khẳng định tôn trọng quyền đình công của người lao động và cam kết tiếp tục đối thoại để tìm giải pháp bền vững. “Chúng tôi đã chuẩn bị để đảm bảo cung cấp tối thiểu cho khách hàng và giảm thiểu tác động từ các cuộc đình công”, người phát ngôn của Volkswagen cho biết.
Cuộc đàm phán tiếp theo giữa công đoàn và lãnh đạo Volkswagen dự kiến diễn ra vào ngày 9/12. Công đoàn khẳng định sẽ phản đối bất kỳ kế hoạch nào không đảm bảo tương lai lâu dài cho các nhà máy của hãng tại Đức.
Tình hình này không chỉ đặt Volkswagen vào thế khó mà còn làm gia tăng áp lực lên Chính phủ Đức trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang gặp khó khăn. Sau khi ghi nhận GDP giảm 0,3% vào năm ngoái – lần đầu tiên tăng trưởng âm kể từ sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Đức tiếp tục được dự báo suy giảm 0,1% trong năm nay, theo Ủy ban châu Âu (EC).