Sinh viên FPT bị lừa 8 tỷ đồng vì tin kênh Facebook, TikTok của Mr Pips

Theo Công an quận Cầu Giấy, cơ quan điều tra gặp khó khăn do nhiều bị hại nghĩ đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không trình báo.

Báo Dân trí ngày 11/12 đưa thông tin với tiêu đề: “Sinh viên FPT bị lừa 8 tỷ đồng vì tin kênh Facebook, TikTok của Mr Pips” cùng nội dung như sau:

Liên quan vụ Phó Đức Nam (30 tuổi, tức Mr Pips) bị bắt, ngày 11/12, Công an quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, cho biết cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại với tổng số tiền bị chiếm đoạt là hơn 28 tỷ đồng.

“Còn rất nhiều bị hại khác chưa trình báo, cơ quan điều tra chưa xác định được thông tin, số tiền bị hại bị chiếm đoạt”, Công an quận Cầu Giấy cho biết.

Trong quá trình xác minh bị hại, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn do nhiều bị hại nghĩ các kênh của Mr Pips là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc họ bị mất tiền là do may rủi nên không trình báo.

Đặc biệt, nhiều trường hợp khi được cơ quan công an liên hệ thì không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo.

Một trong những bị hại đã trình báo là B.N.L. (22 tuổi, ở Quảng Ninh, sinh viên đại học FPT).

Theo trình báo, qua tìm hiểu trên Facebook và TikTok, L. biết tới Phó Đức Nam là chuyên gia về đầu tư chứng khoán, thường xuyên đăng những video, hình ảnh về siêu xe, đồng hồ và nhà ở đắt tiền. L. nảy sinh mong muốn bản thân mình cũng được như Nam.

Khoảng đầu tháng 6, L. nhắn tin cho Phó Đức Nam qua Facebook để kết bạn và làm quen nhằm mục đích tìm hiểu về các sàn Nam đang đầu tư.

Phó Đức Nam giới thiệu L. đầu tư cổ phiếu thông qua sàn tên là JPexchange.com và hướng dẫn nam sinh viên mua các mã cổ phiếu như NVIDA, NOVELIS, XAUUSD, XAGUSD, WTI…

L. đã thực hiện tổng cộng 37 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán của Phó Đức Nam, sau đó bị “cháy” tài khoản. Tổng số tiền L. bị lừa đảo chiếm đoạt là 8 tỷ đồng.

Trường hợp khác là L.D.L. (34 tuổi, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An).

Ngày 7/5, D.L. nhận cuộc điện thoại lạ của một người phụ nữ giới thiệu tên Phương Lan, nhân viên tư vấn của công ty chứng khoán quốc tế Alpha, tư vấn cho D.L. tham gia đầu tư, chỉ cần tạo tài khoản, nạp tiền sẽ có người hướng dẫn cách chơi. Đối tượng hứa hẹn đây là hình thức kinh doanh đơn giản, có thể kiếm thêm thu nhập…

Lúc đó, D.L. chưa biết gì về đầu tư chứng khoán nên chưa tham gia. Sau đó, Phương Lan gọi điện liên tục để thuyết phục, dụ dỗ khiến D.L. đồng ý.

Phương Lan dùng Zalo “Phương Lan” gửi lời mời kết bạn với D.L. và gửi cho D.L. nhiều thông tin về những người tham gia đầu tư trước đã sinh lời. Sau đó, D.L. cung cấp e-mail, số tài khoản ngân hàng để “nhân viên tư vấn” tạo tài khoản MT5 và tài khoản trên sàn gtmx.com.

Sau khi D.L. nạp tiền vào sàn, đến ngày 6/6, Phương Lan giới thiệu Hoàng Long, “chuyên gia” có kinh nghiệm đầu tư chứng khoán, sẽ hỗ trợ D.L.

Theo cơ quan điều tra, bản thân Hoàng Long là nhân viên kỹ thuật, có vai trò tư vấn, chăm sóc trực tiếp cho D.L.

Hoàng Long sau đó giới thiệu và hướng dẫn D.L. mua các mã cổ phiếu như XAUUSD, WTI, ITA20, EURUSD, BRENT…. D.L. đã thực hiện tổng cộng 6 giao dịch, chuyển tổng 5,6 tỷ đồng từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán.

Lực lượng chức năng thông tin, thông qua dữ liệu điện tử thu thập được từ các đối tượng, cơ quan điều tra hiện xác định được 2.661 bị hại.

Những bị hại này được “tìm thấy” qua hồ sơ của những nhân viên sale, có đầy đủ họ tên, thông tin cá nhân. Trong đó, dữ liệu về số tiền nạp ban đầu của hơn 2.600 cá nhân này thể hiện họ đã nạp tổng khoảng 50 triệu USD.

Ngày 25/10, Công an quận Cầu Giấy phối hợp với các phòng nghiệp vụ của Công an TP Hà Nội bắt giữ các đối tượng cầm đầu, điều hành đường dây tội phạm.

Đến nay, nhà chức trách đã khởi tố 26 bị can về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 3 bị can về tội Rửa tiền, một đối tượng về tội Không tố giác tội phạm, một đối tượng về tội Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Khi bắt giữ ổ nhóm, đối tượng Lê Khắc Ngọ (tức Mr Hunter, một trong 3 đối tượng cầm đầu) đang ở nước ngoài. Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã quốc tế đối với Lê Khắc Ngọ về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, báo VTV ngày 10/12 cũng có bài đăng với thông tin: “Vụ lừa đảo của TikToker “Mr Pips”: Thu giữ 5.200 tỷ đồng, 31 siêu xe, 125 bất động sản”. Nội dung được báo đưa như sau:

Để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng đã cung cấp thông tin sai sự thật liên quan đến các sàn đầu tư chứng khoán. Ban đầu, nhóm đối tượng dùng các thủ đoạn để dụ dỗ khách hàng giao dịch nhiều lần với số lượng tiền thấp, có lãi và rút tiền được, sau đó thúc đẩy nâng vốn giao dịch, đến khi khách hàng không còn khả năng về tài chính thì các đối tượng can thiệp vào hệ thống để chiếm đoạt toàn bộ số tiền mà khách đã chuyển.

“Khi đưa khách hàng vào group tôi có nói các nhân viên của mình thêm những chân gỗ vào để tạo niềm tin cho khách hàng, thứ nhất đó là có khách giao dịch thật và kiếm tiền thật từ thị trường này”, bị can Phạm Minh Khôi khai.

Đến nay, Công an Thành phố Hà Nội đã xác định được gần 2.700 bị hại trên toàn quốc, đã thu giữ, phong tỏa nhiều tài sản của các đối tượng, ước tính hơn 5.200 tỷ đồng, theo đó có:

-385 tỷ đồng, bao gồm tiền trong tài khoản và tiền mặt.

-2,3 triệu USD.

-Trái phiếu trị giá 09 tỷ đồng.

– Sổ tiết kiệm trị giá hơn 200 tỷ đồng.

-890 miếng vàng SJC.

-246 kg vàng nguyên khối.

-31 siêu xe, 7 xe mô tô hạng sang, đắt tiền.

-59 đồng hồ nhãn hiệu nổi tiếng, trị giá khoảng 300 tỷ đồng.

-84 trang sức các loại bằng vàng, khảm kim cương… bên cạnh đó, đã phong tỏa giao dịch đối với 125 bất động sản.

Hiện, Cơ quan công an Hà Nội đã tiếp nhận đơn trình báo của 18 bị hại, với tổng số tiền bị chiếm đoạt hơn 28 tỷ đồng. Trong đó có 1 sinh viên bị lừa 8 tỷ đồng. Trong quá trình xác minh, cơ quan điều tra gặp nhiều khó khăn, do bị hại nghĩ: đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống; việc bị mất tiền là do may rủi nên Không trình báo, và khi được cơ quan Công an liên hệ thì Không hợp tác, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng lừa đảo.

Tiktoker Mr Pips tên thật là Phó Đức Nam, nổi tiếng với các hình ảnh khoe tiền, siêu xe, dạy đầu tư tài chính. Ảnh: CAHN