(Dân trí) – Theo chuyên gia, vụ TikToker Mr Pips lừa hàng nghìn tỷ đồng từ người dùng, trên thực tế tội phạm này sử dụng công nghệ không có gì mới.
Nhiều vàng bạc bị công an thu giữ khi bắt Mr Pips (Ảnh: Công an cung cấp).
Quảng cáo của DTads
Liên quan đến vụ việc TikToker Mr Pips (Phó Đức Nam) lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng, theo cơ quan điều tra, bộ máy của Nam có hơn 1.900 nhân viên, phân cấp, với các nhiệm vụ như marketing, quản lý telesale, kế toán, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật, hỗ trợ nạp rút tiền, duy trì máy chủ và các sàn.
Chia sẻ với phóng viên báo Dân trí, ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS, cho biết: “Vụ việc cho thấy các đối tượng lừa đảo áp dụng công nghệ không mới, nhưng chiến lược tiếp cận và quảng bá lại rất công khai, khác biệt.
Trái ngược với các vụ việc lừa đảo trước đó – thường ẩn danh hoặc giả mạo cơ quan, tổ chức để chiếm lòng tin – nhóm của đối tượng này sử dụng chính hình ảnh của người cầm đầu để thu hút nạn nhân.
Các nội dung được đăng tải trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác thường mô tả sự giàu có, cuộc sống xa hoa và cách kiếm tiền dễ dàng, kích thích lòng tham của người xem và dẫn dụ họ vào các kịch bản lừa đảo”.
Theo ông Sơn, về công nghệ, các đối tượng dựng lên những sàn giao dịch tài chính và chứng khoán giả mạo dưới dạng các website hoặc ứng dụng.
Các nền tảng này không kết nối với bất kỳ hệ thống tài chính chính thống nào mà hoàn toàn hoạt động độc lập, dựa trên dữ liệu được lập trình sẵn.
Mọi thông tin về lãi hoặc lỗ đều do các đối tượng dàn dựng, tạo cảm giác đầu tư thành công ban đầu để thu hút nạn nhân chuyển thêm tiền. Khi nạn nhân rơi vào “mê cung” của các giao dịch giả, họ sẽ tiếp tục bị dụ dỗ đầu tư thêm với hy vọng gỡ vốn hoặc kiếm lời.
“Đặc biệt, nhóm này còn xây dựng một mô hình giả lập như một công ty chuyên nghiệp, với nhiều phòng ban như marketing, chăm sóc khách hàng, kỹ thuật, và bộ phận hỗ trợ nạp/rút tiền.
Nhân viên được chỉ định liên lạc trực tiếp với nạn nhân để giải đáp thắc mắc, hướng dẫn đầu tư, và xử lý các giao dịch. Điều này tạo cảm giác đây là một tổ chức kinh doanh hợp pháp, từ đó củng cố niềm tin của nạn nhân và khiến họ khó nhận ra dấu hiệu lừa đảo”, ông Sơn cho biết thêm.
Ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc công nghệ, Công ty Công nghệ An ninh mạng quốc gia NCS (Ảnh: NCS).
Chiến lược khác biệt này không chỉ lợi dụng lòng tham mà còn khai thác tâm lý tin tưởng khi cho nạn nhân nhìn “thấy người thật, việc thật” và sự “chuyên nghiệp” giả mạo của tổ chức.
Tóm lại, lý do chính khiến nhiều nạn nhân dễ dàng rơi vào bẫy của nhóm lừa đảo này là việc bị thao túng tâm lý, còn các công nghệ được áp dụng hoàn toàn không có gì mới.
Dấu hiệu nhận biết website, ứng dụng lừa đảo
Đáng chú ý, trong vụ lừa đảo của TikToker Mr Pips, một trong những bị hại đã trình báo công an là B.N.L. (22 tuổi, ở Quảng Ninh, sinh viên đại học FPT). L. đã thực hiện tổng cộng 37 giao dịch chuyển tiền từ tài khoản cá nhân vào sàn chứng khoán của Phó Đức Nam, sau đó bị “cháy” tài khoản. Tổng số tiền mà L. bị lừa đảo chiếm đoạt là 8 tỷ đồng.
Ông Sơn chia sẻ một số nhận biết giúp người dùng biết đang tham gia vào các website, ứng dụng lừa đảo.
Trong bối cảnh các vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, người dùng cần cảnh giác và chủ động nhận diện các dấu hiệu bất thường của các website và ứng dụng lừa đảo. Một số đặc điểm phổ biến giúp nhận biết các nền tảng này bao gồm:
Lời hứa hẹn lợi nhuận phi thực tế: Các website hoặc ứng dụng lừa đảo thường thu hút người dùng bằng cách hứa hẹn mức lợi nhuận cao bất thường hoặc không có rủi ro. Các đối tượng thường sử dụng các cụm từ như “lãi suất khủng”, “đảm bảo an toàn vốn”, hoặc “kiếm tiền dễ dàng trong thời gian ngắn” để lôi kéo người dùng.
Tên miền đáng ngờ: Website lừa đảo có thể sử dụng tên miền nước ngoài (không có “.vn”) hoặc các tên miền cố tình nhầm lẫn với các tổ chức uy tín.
Hệ thống thanh toán bất thường: Yêu cầu chuyển khoản thông qua các trung gian không rõ ràng như tài khoản cá nhân, ví điện tử, tiền điện tử. Ngoài ra, việc rút tiền thường rất khó khăn, chỉ được thực hiện khi đạt hạn mức cao hoặc bị kéo dài thời gian xử lý.
Hành vi tạo áp lực: Nhân viên hoặc đội ngũ liên lạc của các nền tảng này thường thúc ép người dùng đầu tư ngay lập tức, tạo cảm giác đây là “cơ hội hiếm có”. Họ sử dụng các chiến thuật tâm lý như hứa hẹn “sắp hết thời gian ưu đãi” hoặc “chỉ dành cho một số ít người tham gia”.
Thiếu giấy phép từ cơ quan quản lý nhà nước: Một hệ thống đầu tư tài chính hợp pháp luôn được cấp phép bởi cơ quan quản lý nhà nước. Nếu nền tảng không công khai các giấy phép này, đó là một dấu hiệu cần thận trọng.
Cần áp dụng nhiều biện pháp quản lý
Để bảo vệ người dùng trước các hình thức lừa đảo trực tuyến, các cơ quan chức năng và tổ chức công nghệ tại Việt Nam cần nghiên cứu áp dụng đồng thời nhiều biện pháp nhằm phát hiện và ngăn chặn các hoạt động bất hợp pháp này.
Tại sân trụ sở Công an quận Cầu Giấy, rất nhiều chiếc xe thể thao đắt tiền của Nam bị niêm phong, chờ đưa về bãi tạm giữ tang vật (Ảnh: Hải Nam).
Giám đốc Vũ Ngọc Sơn cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường theo dõi, rà soát và cập nhật danh sách các website, ứng dụng lừa đảo. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI để thu thập, phân tích các hành vi bất thường trên không gian mạng, từ đó phát hiện sớm các nền tảng có dấu hiệu lừa đảo.
Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, TikTok và YouTube cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để sàng lọc, loại bỏ các quảng cáo không tuân thủ pháp luật.
“Các nền tảng lừa đảo thường đặt máy chủ ở nước ngoài, chính vì thế Việt Nam cần tích cực hợp tác, chia sẻ thông tin với các tổ chức quốc tế để truy vết và xử lý các đối tượng liên quan. Đi cùng với việc các cơ quan, tổ chức liên quan thường xuyên tổ chức các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân”, ông Sơn cho biết thêm.