Mr Pips và Mr Hunter có thể đối mặt với mức án nào?

Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) được xác định là các đối tượng cầm đầu đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên 5.200 tỉ đồng.


Phó Đức Nam (Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter). Ảnh chụp màn hình
Mức án các đối tượng phải đối mặt?

Như Báo Lao Động đã thông tin, Công an TP Hà Nội đã triệt phá thành công đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao do Phó Đức Nam (Mr Pips), Lê Khắc Ngọ (Mr Hunter) cầm đầu. Thu giữ, phong tỏa khối tài sản hơn 5.200 tỉ đồng.

Dưới góc độ pháp lý, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty Luật TNHH Luật sư X đánh giá, đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng khi số lượng tài sản bị thu giữ, phong tỏa rất lớn, cùng với đó là hơn 2.600 bị hại.

Theo Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa, trong vụ án trên, cơ quan chức năng bước đầu đã khởi tố vụ án, khởi tố 31 bị can với các tội danh, gồm: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Rửa tiền; Không tố giác tội phạm; Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có.

Tại Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) nêu rõ, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác. Theo đó, người sử dụng thủ đoạn gian dối để lừa dối và chiếm đoạt tài sản của người khác với con số trên 2.000.000 đồng là đủ để truy tố theo điều luật trên.

“Với mức độ nghiêm trọng của vụ việc và vai trò trong vụ án, tôi cho rằng Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ có thể bị truy tố tại khung hình phạt cao nhất theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 – phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân”, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa phân tích.

Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: NVCC
Trong trường hợp Phó Đức Nam và Lê Khắc Ngọ bị truy tố thêm tội danh rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015, với mức độ vi phạm và giá trị tài sản, tiền trên 500 triệu đồng thì sẽ bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là 15 năm tù.

Nếu hai đối tượng trên bị truy tố ở 2 tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền thì tổng mức phạt tù có thể lên tới 20 năm hoặc chung thân.

Cũng theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, ngoài đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì các đối tượng khác trong đường dây này mà biết đây là các phương thức thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn thực hiện hành vi, cùng ý chí đối với đối tượng cầm đầu cũng được xác định là đồng phạm với vai trò giúp sức hoặc người thực hành, trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội nên sẽ bị xử lý cùng tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bị hại có lấy lại được tài sản?

Liên quan đến vụ án trên, đến nay, Công an thành phố Hà Nội đã xác định được 2.661 bị hại trên toàn quốc. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số thống kê dựa trên khai thác từ một phần các máy tính mà nhóm đối tượng sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cơ quan chức năng xác định, hiện còn rất nhiều bị hại khác chưa trình báo, cơ quan điều tra chưa xác định được thông tin, số tiền bị hại bị chiếm đoạt. Nhiều bị hại vẫn nghĩ đây là những trang sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không trình báo.

Phó Đức Nam (Mr Pips) và loạt xe sang bị thu giữ. Đồ họa: Thế Kỷ
“Trong các vụ án lừa đảo thường có các trường hợp bị hại bị lừa số tiền ít nên không khai báo, hoặc ngại tiết lộ thông tin nên cũng không trình báo, điều này có thể gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình xử lý.

Tất cả bị hại nên đến các cơ quan điều tra để trình báo hoặc liên hệ các đơn vị tư vấn pháp lý để được trợ giúp”, Luật sư, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa chia sẻ.

Sau khi tiếp nhận trình báo, cơ quan chức năng sẽ tiến hành điều tra, xác minh. Nếu kết quả chứng minh đó là tài sản bị lừa đảo, chiếm đoạt thì tài sản sẽ được trả lại cho bị hại theo quy định.