Đô thị đặc biệt của Việt Nam sẽ giải tỏa hơn 2.300 hộ dân để triển khai 2 tuyến đường lớn

Sẽ có khoảng hơn 2.300 hộ dân tại TP. Thủ Đức bị giải tỏa một phần hoặc toàn phần nhằm triển khai 2 dự án lớn trên địa bàn.

UBND TP. Thủ Đức (TP. HCM) sẽ tiến hành thu hồi đất của gần 2.300 hộ dân để làm Dự án Vành đai 2 và Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13.

Dự án Vành đai 2

Thông tin trên báo Lao Động cho biết, TP. Thủ Đức sẽ tiến hành thu hồi đất của 1.166 hộ dân để làm Vành đai 2.

Theo dự kiến, trong tháng 12/2024, UBND TP. Thủ Đức sẽ ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân, tổ chức bị ảnh hưởng khi thực hiện 2 đoạn Vành đai 2 qua địa bàn.

Đoạn 1 của dự án dài 3,5km có chiều dài từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp (trước là Xa lộ Hà Nội). Đoạn 2 dài gần 3km, từ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng.

Vị trí tuyến đường Vành đai 2 sắp được triển khai. Ảnh: Báo Lao Động

Tổng diện tích thu hồi đất là hơn 61ha, ảnh hưởng đến khoảng 1.166 hộ dân, mức kinh phí bồi thường và hỗ trợ dự kiến khoảng 7.600 tỷ đồng.

Theo như dự thảo phương án bồi thường, giá đất ở cao nhất là 111,5 triệu đồng/m2 tại mặt tiền đường Phạm Văn Đồng.

Mức bồi thường thấp nhất là hơn 26 triệu đồng/m2, được áp dụng cho đất trong các tuyến đường nhỏ.

Đất nông nghiệp có giá bồi thường từ 7,78-9,4 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào loại đất và vị trí.

Các hộ dân sẽ được bố trí tái định cư tại: KĐT Đông Tăng Long (P. Long Trường và Trường Thạnh); khu nhà ở Đại Nhân (trong KĐT Vạn Phúc, phường Hiệp Bình Phước; khu tái định cư Long Bình – Long Thạnh Mỹ; chung cư C8 (phường Tăng Nhơn Phú A); Chung cư lô CD Khu 17,3ha (phường An Khánh); Lô R7 Chung cư Đức Khải (phường An Khánh).

UBND TP. Thủ Đức sẽ tiến hành chi trả bồi thường trong tháng 12 đối với các hộ dân đồng thuận. Người dân giao mặt bằng sớm sẽ được hỗ trợ các thủ tục cấp Giấy chứng nhận tại các khu tái định cư, cung cấp mẫu nhà, giấy phép xây dựng cũng như hướng dẫn chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phần diện tích còn lại.

Cả 2 đoạn Vành đai 2 đặt mục tiêu khởi công vào tháng 6/2025 và sẽ hoàn thành vào năm 2027.

Nâng cấp và mở rộng tuyến Quốc lộ 13

TTXVN đưa tin cho biết, Quốc lộ 13 đoạn qua TP. Thủ Đức (TP. HCM) dự kiến sẽ được mở rộng lên 60m.

Đây được xem là một trong năm dự án trọng điểm được nâng cấp và mở rộng theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) nhờ cơ chế đặc thù từ Nghị quyết 98.

Tuyến Quốc lộ 13 sẽ được nâng cấp và mở rộng trong thời gian tới. Ảnh: Báo Tin Tức

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho thấy, đoạn Quốc lộ 13 dài 5,95km (từ cầu Bình Triệu đến ranh giới tỉnh Bình Dương), hiện rộng từ 19m đến 26m, sẽ được mở rộng lên 60m.

Dự án này gồm xây đường trên cao 4 làn xe, dài 3,7km từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, đường song hành phía dưới rộng 3 làn xe mỗi bên và xây hầm chui 2 chiều tại 2 nút giao.

Dự án cần thu hồi khoảng 18,6ha đất của 1.149 hộ dân tại phường Hiệp Bình Chánh và Hiệp Bình Phước.

Theo kế hoạch, dự án mở rộng Quốc lộ 13 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn năm 2027-2028 nhằm đồng bộ và hoàn chỉnh trục giao thông ở cửa ngõ phía Đông của TP. HCM và các vùng phụ cận.

Theo Nghị quyết số 1210/2016, đô thị đặc biệt được xác định có vị trí, chức năng và vai trò quan trọng, bao gồm Thủ đô hoặc trung tâm tổng hợp cấp quốc gia, quốc tế về các lĩnh vực như kinh tế, tài chính, văn hóa, giáo dục, đào tạo, du lịch, y tế, khoa học và công nghệ.

Ngoài ra, đô thị đặc biệt còn là đầu mối giao thông và giao lưu quốc tế, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của cả nước.

Theo quy định, một đô thị đặc biệt phải có quy mô dân số từ 5 triệu người trở lên, trong đó khu vực nội thành phải đạt từ 3 triệu người trở lên.

Hiện tại, Hà Nội và TP. HCM là hai thành phố được xếp loại đô thị đặc biệt. Thủ đô Hà Nội có diện tích hơn 3.358km2 với dân số hơn 8,2 triệu người, trong khi TP. HCM rộng 2.095km2 với dân số gần 10 triệu người.