Toàn cảnh nhà máy xử lý nước thải lớn nhất miền Bắc, trị giá 16.000 tỷ, giúp hồi sinh hàng loạt con sông ở Hà Nội

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000 m³/ngày đêm, cao gấp 6 lần nhà máy Bắc Thăng Long – Vân Trì, gấp 9 lần nhà máy Cầu Ngà. Nó được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ.

Khởi công xây dựng năm 2016, dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, thành phố Hà Nội sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản (JICA), với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng. Dự án có tổng diện tích gần 14 ha, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp làm chủ đầu tư.


Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động vào quý 2/2022 nhưng bị chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đến tháng 12/2024, nhà máy mới bắt đầu vận hành thử nghiệm, công suất 100.000 m3/ngày đêm.

Toàn tuyến cống ngầm dẫn nước về nhà máy xử lý bao gồm: Tuyến chính dài trên 15km và các tuyến cống nhánh với tổng chiều dài 6,4km. Trên lộ trình chạy dọc sông Tô Lịch, tuyến cống sẽ thay đổi độ sâu ở từng vị trí khác nhau và có nhiều điểm đi luồn dưới đáy sông Tô Lịch.


Khi hoạt động chính thức, nhà máy sẽ có công suất 270.000 m³/ngày đêm vượt trội so với các nhà máy khác tại Hà Nội và miền Bắc. Cụ thể, nó gấp 6 lần nhà máy Bắc Thăng Long – Vân Trì (42.000 m³/ngày đêm) và gấp 9 lần nhà máy Cầu Ngà (30.000 m³/ngày đêm).

Nhà máy Yên Xá cũng là một trong số ít những nhà máy sử dụng công nghệ xử lý tiên tiến, đạt tiêu chuẩn châu Âu, đảm bảo nước thải sau xử lý đạt loại A theo tiêu chuẩn Việt Nam. Công trình bao gồm nhiều hạng mục nhỏ như: trạm bơm, máy lọc rác, bể điều hòa kỵ khí, bể lắc sinh học, bể nén bùn…

Hạng mục trạm bơm nước thải đầu vào tại nhà máy được xem là một trong những hạng mục quan trọng của dự án. Ngoài ra còn có hệ thống xử lý bùn, áp dụng công nghệ xử lý bùn hoạt tính truyền thống AO. Đây là công nghệ phổ biến trên thế giới, áp dụng cho các nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn.

Một trong những hạng mục đặc biệt của nhà máy xử lý nước thải Yên Xá là hệ thống bể lọc cao tải, giúp nhà máy có thể xử lý với công suất gấp đôi khi trời mưa. Nếu như ngày thường, nhà máy có thể xử lý từ 270.000m3/ ngày đêm, thì khi có mưa công suất có thể tăng lên tới 480.000m3. Lúc đó nước được dẫn trực tiếp qua bể lọc cao tải đạt chất lượng mới thải ra ngoài.

Hạng mục bể lắng thứ cấp gồm 24 bể có tác dụng tách bùn và nước. Một chu trình nước bắt đầu từ trạm bơm cho đến khi hoàn thành đổ ra sông kéo dài 16 tiếng.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội tổ chức vận hành thử Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong vòng 6 tháng. Dự kiến đến năm 2025, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch sẽ chuyển biến tích cực, phục vụ hiệu quả nhân dân Thủ đô.

Khi hoàn thành vào năm 2026, dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá được kỳ vọng sẽ làm hồi sinh các dòng sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ. Công trình khi đi vào hoạt động cũng góp phần xử lý một phần nước thải sinh hoạt cho các quận Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng và huyện Thanh Trì.