Giao thông Hà Nội ngày cận Tết: “Giờ nào cũng là cao điểm”

(Dân trí) – CSGT cho biết, dịp cận Tết, người dân không chỉ đi làm mà còn tranh thủ cả buổi trưa, buổi tối để lo công việc, sắm Tết. Thời gian này, ngày nào cũng là ngày làm việc, giờ nào cũng là giờ cao điểm.
Sáng 12/1, Phòng CSGT Hà Nội thông tin, những ngày cận Tết Nguyên đán 2025, nhu cầu đi lại tăng cao khiến giao thông trên địa bàn Hà Nội đặc biệt sôi động. Lực lượng CSGT các đội địa bàn được bố trí nhiều trên các tuyến đường để phân luồng phương tiện, bảo đảm người dân di chuyển thuận lợi.

Ghi nhận sáng cùng ngày, trên tuyến Vành đai 2, dù là ngày chủ nhật nhưng lượng phương tiện tham gia giao thông đã rất đông, Đội CSGT đường bộ số 3, Phòng CSGT Hà Nội bố trí túc trực để điều tiết giao thông từ sáng sớm.

Giao thông Hà Nội những ngày cuối năm trở nên ùn ứ trong giờ cao điểm sáng, chiều và cả buổi trưa (Ảnh minh họa: Trần Thanh).

Tại Ngã Tư Sở, lưu lượng giao thông đổ về mỗi lúc một đông, CSGT liên tục chỉ huy, hướng dẫn phương tiện di chuyển, giảm áp lực tại các điểm giao cắt.

Tại đường Láng – Yên Lãng và Láng – Láng Hạ, dòng phương tiện cũng tăng cao, dễ xảy ra ùn ứ, lực lượng CSGT cũng được tăng cường, phân luồng, điều tiết, bảo đảm việc di chuyển của người dân diễn ra thuận lợi và an toàn.

Đại úy Nguyễn Văn Long, cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 3, chia sẻ: “Những ngày cuối năm cũng là thời gian vất vả nhất với chúng tôi. Người dân không chỉ đi làm mà còn tranh thủ cả buổi trưa, buổi tối để lo công việc, sắm Tết.

Khu vực ngã tư đường Láng – Láng Hạ, dòng phương tiện ùn ứ nhưng vẫn xếp hàng đứng đợi đèn đỏ nghiêm túc (Ảnh: Công an cung cấp).
Thời gian này, cán bộ chiến sĩ xác định ngày nào cũng là ngày làm việc, giờ nào cũng là giờ cao điểm”.

Theo Phòng CSGT Hà Nội, trong thời gian cận Tết, lực lượng CSGT không chỉ điều tiết giao thông vào các giờ cao điểm sáng và chiều mà trong những ngày này, mật độ giao thông cao điểm còn diễn ra ngay cả trong khung giờ trưa.

Anh Trần Văn Dũng, thường xuyên di chuyển qua khu vực Ngã Tư Sở, nhận xét: “Đường đông nhưng có CSGT phân luồng, việc đi lại cũng dễ chịu hơn. Nếu không có họ, chắc chắn sẽ tắc dài”.

Còn chị Lê Thị Hằng, làm việc tại doanh nghiệp ở khu vực đường Láng Hạ (Hà Nội), cho biết: “Sự đông đúc vào dịp Tết là điều hiển nhiên, nhưng theo tôi, ùn ứ chỉ xảy ra ở một số tuyến chính do lượng xe quá đông, còn lại việc di chuyển vẫn tương đối thuận lợi”.

Trung tá Đặng Hồng Giang, Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 3, cho biết, đường Vành đai 2 là tuyến giao thông nội đô khép kín của Hà Nội dài 43,6km, chạy qua các điểm Vĩnh Tuy – Minh Khai – Đại La – Ngã Tư Vọng – đường Trường Chinh – Ngã Tư Sở – đường Láng – Cầu Giấy – Bưởi – cầu Nhật Tân…

 

Lực lượng CSGT phân luồng, điều tiết giao thông tránh ùn tắc (Ảnh: Trần Thanh).
Theo Trung tá Giang, vào những ngày thường, tuyến đường này đã có mật độ phương tiện cao, thậm chí có những lúc quá tải về sự lưu thoát của các phương tiện.

“Tuy nhiên, vào những ngày cận Tết, khi nhu cầu di chuyển, đi lại, và mua sắm của người dân tăng cao, mật độ phương tiện tham gia giao thông trên tuyến này lại càng lớn, gấp nhiều lần so với bình thường.

Do đó, đơn vị đã xây dựng các phương án từ sớm, phối hợp với các lực lượng khác để điều tiết tại những điểm nóng, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết”, Trung tá Giang thông tin.