Mục tiêu này được Chính phủ đặt ra trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025.
Theo đó, Chính phủ đã đề ra 12 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.
Đáng chú ý, lĩnh vực hạ tầng được nhấn mạnh tại nhiệm vụ và giải pháp thứ 4 của Nghị quyết.
Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, ưu tiên các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, các dự án có tính liên kết vùng, hạ tầng đô thị lớn và hạ tầng chuyển đổi số.
Ảnh minh họa
Đồng thời, Chính phủ cũng nhấn mạnh việc kết nối hệ thống cao tốc với sân bay, cảng biển, triển khai hệ thống đường sắt đô thị và đường sắt tốc độ cao.
Về chi tiết, Chính phủ xác định tập trung nguồn lực nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc và trên 1.000km đường ven biển vào năm 2025.
Chính phủ cũng chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các dự án hạ tầng quy mô lớn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo nguồn cung và kiểm soát giá nguyên vật liệu, cùng chỉ tiêu sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng các dự án cao tốc.
Ngoài ra, các giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ được triển khai đồng bộ.
Chính phủ yêu cầu khẩn trương thực hiện việc thu phí đường cao tốc và bán quyền thu phí theo quy định để tạo nguồn lực tiếp tục đầu tư hạ tầng chiến lược.
Song song đó, Chính phủ chỉ đạo triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và huy động nguồn lực cho Tuyên bố chính trị thiết lập QH đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Nghị quyết cũng nhấn mạnh việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII để đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen và từng bước khởi động lại điện hạt nhân phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội.
Chính phủ yêu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đồng bộ, hiện đại, đẩy mạnh thương mại hóa 5G, nghiên cứu công nghệ 6G, phát triển vệ tinh viễn thông và nâng cấp hạ tầng trục viễn thông quốc gia. Mục tiêu là nâng tỷ lệ sử dụng địa chỉ thế hệ mới IPv6 trên mạng Internet Việt Nam lên 70% vào năm 2025.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, hạ tầng văn hóa, giáo dục, y tế và ứng phó với biến đổi khí hậu cũng được chú trọng.
Chính phủ đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, ưu tiên các công trình thủy lợi, đê kè, hồ đập và các cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, đảm bảo cấp đủ nước sạch cho người dân vùng nông thôn.
Ngoài ra, nhiệm vụ và giải pháp thứ 9 của Nghị quyết tập trung vào lĩnh vực quy hoạch đô thị.
Chính phủ nhấn mạnh tăng cường liên kết vùng, đẩy mạnh quy hoạch cấp quốc gia, vùng và tỉnh, nâng cao tốc độ và chất lượng đô thị hóa cũng như kinh tế đô thị.
Đồng thời, các cơ chế, chính sách đặc thù sẽ được xây dựng để thúc đẩy phát triển vùng, liên kết vùng. Chính phủ cũng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất Chương trình quốc gia về cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị giai đoạn 2026-2030, đồng thời phát triển các khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh, gắn với phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.