Địa phương duy nhất ở Việt Nam lên thành phố rồi trở thành quận, hiện tại là quận lớn thứ hai của Hà Nội

Sau khi từ thị xã lên thành phố trong hơn 2 năm, địa phương này lại trở thành một quận của Hà Nội.
Quận Hà Đông được biết đến là vùng đất chiến lược của kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Đây đồng thời là một trong những khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, góp phần đáng kể vào sự phát triển của đô thị Hà Nội.

Quận Hà Đông là một quận nội thành của thủ đô Hà Nội, nằm cách trung tâm thành phố khoảng 12 km về phía Tây Nam. Khu vực này trước đây được biết đến là thành phố Hà Đông, tỉnh lỵ của tỉnh Hà Tây. Đến ngày 8-5-2009, quận Hà Đông mới chính thức được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của thành phố Hà Đông. Dù được thành lập khá muộn so với các quận huyện khác của Hà Nội, quận Hà Đông lại nhanh chóng trở thành khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa vượt bậc của thành phố.

Hà Đông hiện đang nắm giữ vị trí chiến lược ở phía Tây Nam thành phố Hà Nội, có vị trí địa lý tiếp giáp với các khu vực:

• Phía Đông giáp huyện Thanh Trì.

• Phía Tây giáp các huyện Quốc Oai, huyện Hoài Đức và huyện Chương Mỹ.

• Phía Nam giáp huyện Thanh Oai.

• Phía Bắc giáp các quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân.

Thời kỳ Bắc thuộc, đất Hà Đông thuộc Giao Chỉ. Sau khi nước ta giành nền độc lập tự chủ, qua các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, đất Hà Đông thuộc lộ Đại La Thành. Thời hậu Lê, vùng đất Hà Đông thuộc Sơn Nam thừa tuyên và Sơn Tây thừa tuyên. Từ năm 1831 đến 1896, vùng đất Hà Đông thuộc tỉnh Hà Nội.

Trong quá trình cai trị Việt Nam, chính quyền thực dân tiến hành phân chia lại địa giới hành chính các đơn vị trên lãnh thổ Việt Nam. Theo đó, ngày 26-12-1896, toàn quyền Pháp ở Đông Dương ra Nghị định chuyển lỵ sở tỉnh Hà Nội về xây dựng trên đất làng Cầu Đơ, tổng Thượng Thanh Oai, huyện Thanh Oai. Ngày 3-5-1902, tỉnh lỵ Hà Nội đổi tên gọi là tỉnh Cầu Đơ, đến ngày 6-12-1904 chuyển tên gọi là tỉnh Hà Đông.

Gắn liền với quá trình thành lập và thay đổi tên gọi của các tỉnh Cầu Đơ, Hà Đông, năm 1923 thị xã Hà Đông trực thuộc tỉnh được thành lập. Địa giới hành chính của thị xã gồm hai khu phố: Hà Văn và Hà Cầu với diện tích khoảng 0,5 km2; dân số thời điểm năm 1940 có khoảng 1.500 người.

Quận Hà Đông là khu vực có tốc độ phát triển kinh tế và đô thị hóa vượt bậc của thành phố Hà Nội.

Trải qua những biến động lịch sử của dân tộc, gắn liền với quá trình đổi tên, chia tách, sáp nhập địa giới hành chính, Hà Đông luôn giữ vị trí là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của các tỉnh Hà Nội (1896-1902), Cầu Đơ (1902-1904), Hà Đông (1904-1965), Hà Tây (1965-1975), Hà Sơn Bình (1976-1991), Hà Tây (1991-2008). Ngày 1-8-2008, tỉnh Hà Tây và thành phố Hà Nội hợp nhất theo quyết định mở rộng Thủ đô Hà Nội của Chính phủ.

Gắn liền với sự biến đổi này, ngày 8-5-2009, Chính phủ ra Nghị quyết số 19-NQ/CP thành lập quận Hà Đông thuộc thành phố Hà Nội, gồm có 17 phường (Biên Giang, Đồng Mai, Yên Nghĩa, Dương Nội, Hà Cầu, La Khê, Mộ Lao, Nguyễn Trãi, Phú La, Phú Lãm, Phú Lương, Kiến Hưng, Phúc La, Quang Trung, Vạn Phúc, Văn Quán, Yết Kiêu). Với diện tích 48,34km2, Hà Đông là quận lớn thứ hai trong số các quận của Thủ đô Hà Nội.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Hà Đông luôn ở vào vị trí đặc biệt quan trọng. Trong thời kỳ phong kiến, đây là địa bàn “cửa ngõ” kết nối kinh thành Thăng Long với các tỉnh và khu vực xung quanh. Vùng đất này giữ vai trò là tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của tỉnh. Đặc biệt, trong thế kỷ XX phần đất các phường Nguyễn Trãi, Quang Trung, Văn Quán, Mộ Lao là “áo giáp” của thủ đô Hà Nội.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Hà Đông luôn ở vào vị trí đặc biệt quan trọng.

Sáp nhập vào Thủ đô Hà Nội, Hà Đông càng phát huy hơn nữa vị trí trọng yếu, chiến lược của mình. Nằm ở phía Tây Nam của Thủ đô, quận Hà Đông giáp với quận Thanh Xuân (về phía Bắc), giáp với huyện Thanh Trì (ở phía Đông), phía nam giáp huyện Thanh Oai, phía tây nam giáp huyện Chương Mỹ, phía tây giáp huyện Hoài Đức và Quốc Oai. Địa thế này khiến Hà Đông trở thành “cửa ngõ” phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội, gắn kết khu vực các quận nội thành với các huyện ngoại thành. Trong quan hệ, liên kết vùng, Hà Đông cũng giữ vị trí quan trọng trong hành lang kết nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh và các khu vực Tây Bắc.

Vị trí “cửa ngõ” của Hà Đông thể hiện đậm nét qua hệ thống giao thông đa dạng, với nhiều tuyến đường trọng yếu, trong đó có những tuyến đường được xây dựng từ rất sớm. Tiêu biểu như tuyến đường sắt từ Văn Điển vào Ba La lên các tỉnh phía Bắc.
Về đường bộ, có quốc lộ số 6, quốc lộ 22 (nay là đường 21B), đường 70 (nay là đường 430), đường Lê Trọng Tấn, đường Lê Văn Lương và nhiều đường phố khác trên địa bàn các phường. Quốc lộ 6 kết nối khu vực nội thành Hà Nội qua quận Hà Đông và huyện Chương Mỹ đi lên vùng rừng núi Tây Bắc. Tuyến đường 22 (nay là 21B) khởi đầu từ đường 6 ở khu vực Ba La thuộc phường Phú La chạy qua các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa xuống chợ Dầu huyện Kim Bảng (tỉnh Hà Nam), từ đó có thể tới Quốc lộ 1A; một nhánh đường 22 qua Tế Tiêu huyện Mỹ Đức vào chợ Bến gặp Quốc lộ 21A (nay là đường Hồ Chí Minh). Đường 70 (nay là đường 430) từ đường 6 đầu cầu Hà Đông ra Văn Điển gặp Quốc lộ số 1 và một nhánh khác, từ ngã tư Bưu điện (Hà Đông) qua Vạn Phúc, Đại Mỗ lên ngã tư Canh gặp Quốc lộ 11A (nay là Quốc lộ 32). Ba tuyến đường số 6, 22, 70 là những con đường có bề dày lịch sử, được mở mang, xây dựng từ cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX.

Đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Hà Đông cũng là nơi các tuyến đường sắt đô thị Hà Nội đi qua như Cát Linh – Hà Đông, Nội Bài – Ngọc Hồi, Mê Linh – Ngọc Hồi. Quận hiện đang tiếp tục xây dựng nhiều tuyến đường mới, điển hình là dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội…

Hiện Hà Đông là địa bàn đặt trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương, các sở ban ngành TP. Hà Nội như Trụ sở Tiếp công dân Trung ương, Viện Nghiên cứu Thống kê, Văn phòng Thành ủy Hà Nội, Sở Tư pháp Hà Nội, Trung tâm Văn hóa TP. Hà Nội…

Với tốc độ đô thị hóa nhanh, Hà Đông là nơi tọa lạc của nhiều khu đô thị hiện đại như Mỗ Lao, Văn Quán, Văn Phú, Dương Nội, An Hưng… Cùng với đó là sự xuất hiện của các trung tâm thương mại lớn như AEON Mall Hà Đông, Melinh Plaza, Metro Hà Đông… đáp ứng nhu cầu mua sắm, giải trí của cư dân trong quận và khu vực lân cận.

Bệnh viện Quân Y 103.

Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Hà Đông còn là nơi tập trung nhiều cơ sở đào tạo nổi tiếng như Đại học Kiến trúc Hà Nội, Học viện Quân Y, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Y dược Cổ truyền Việt Nam… Về y tế, quận có các bệnh viện lớn như Bệnh viện Quân Y 103, Viện Bỏng Quốc gia, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, Bệnh viện Công an Hà Nội… cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho người dân.

Vị trí “cửa ngõ” phía Tây Nam của Thủ đô Hà Nội là lợi thế quan trọng trong sự phát triển của Hà Đông, giúp quận có nhiều điều kiện để tiếp tục vươn lên. Đã có hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trên địa bàn quận được xây dựng. Đón bắt xu thế phát triển các khu đô thi vệ tinh, nhiều dự án của các Tập đoàn kinh tế được triển khai và sẽ triển khai. Điều này khiến bức tranh đô thị ở Hà Đông có nhiều khởi sắc, lan tỏa tới những phát triển trên nhiều lĩnh vực khác của Quận.