Một trong những nội dung giao thông đáng chú ý tại Hà Nội thời gian qua là đề xuất kịch bản đến năm 2035 chuyển đổi 50% xe buýt với các tuyến mở mới và các tuyến thay thế sử dụng xe buýt điện, và 50% xe buýt CNG, với tổng kinh phí hơn 51.000 tỷ đồng.
Một số ý kiến băn khoăn, nếu sau năm 2035 sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang xe buýt điện sẽ lãng phí nguồn kinh phí đầu tư cho xe buýt CNG, nên có thể xem xét sử dụng nhiên liệu sinh học Biodiesel là B5, B10, B20 trước khi chuyển hoàn toàn sang xe buýt điện.
Phương án kéo dài thời gian sử dụng phương tiện chạy nhiên liệu sinh học Biodiesel – B5, B10; Sử dụng hết vòng đời xe LNG, CNG cũng cần được tính đến.
Theo Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2024-2035, Hà Nội đưa ra 3 kịch bản, đó là 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG; 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.
Tương ứng với các kịch bản này, số phương tiện dự kiến chuyển đổi lần lượt là 2.433 xe; 2.212 xe và 2.076 xe. Tổng chi phí cho 3 phương án lần lượt là hơn 60.000 tỷ, gần 55.000 tỷ và hơn 51.000 tỷ đồng.
Trong đó Sở GTVT Hà Nội đề xuất kịch bản số 3, từ nay đến năm 2035, Hà Nội sẽ chuyển đổi 2.076 xe buýt sang sử dụng nhiên liệu xanh với tổng chi phí hơn 51 nghìn tỷ đồng, với mục tiêu từ năm 2024, thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại thủ đô Hà Nội; góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
‘Sao đổi ngôi’ rực rỡ nhất nửa đầu 2024: Tân binh mới ra mắt 4 tháng đã đánh bại anh tài Toyota
‘Sao đổi ngôi’ rực rỡ nhất nửa đầu 2024: Tân binh mới ra mắt 4 tháng đã đánh bại anh tài Toyota
Chị Nguyễn Thu Thúy là nhân viên văn phòng đi làm hàng ngày bằng xe buýt từ Ecopark vào khu vực trung tâm Hà Nội. Nói về việc chuyển đổi sang xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch, chị Thúy ủng hộ lộ trình thay thế 100% xe buýt chạy dầu diezel bằng xe buýt điện.
Tuy nhiên, theo chị Hà, có một số lượng xe buýt chưa hết vòng đời khấu hao, vẫn có thể tận dụng để tiết kiệm nguồn lực: “Theo mình, để tiết kiệm ngân sách, những xe đấy có thể cho chạy những tuyến dài ngoài nội đô. Vì hiện nội đô mật độ ô tô, xe máy rất cao. Nếu mình chuyển bớt những xe buýt đó ra ngoài ngoại thành, ở trong này dùng xe điện thì sẽ bớt phát thải đi, bớt ô nhiễm hơn.
Tính toán về mặt chi phí, nếu mới đầu tư xe xăng, chưa khấu hao hết thì chạy ở các tuyến dài, như Thanh Trì, Tứ Hiệp thì sẽ hiệu quả hơn”.
Còn tài xế Hoàng Đình Chiến, chạy xe buýt nhiên liệu sạch CNG số 143 từ Đông Anh đến ga Cát Linh. Anh cho rằng, với những xe chạy Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) hay sử dụng khí thiên nhiên nén (CNG) vẫn còn sử dụng tốt, đã có hạ tầng trạm sạc, thì cần tiếp tục chạy hết vòng đời. Sau đó, mới thay thế bằng xe điện: “Cái xe chạy CNG này cũng nên cho chạy hết vòng đời của nó. Nó đỡ lãng phí, xe này cũng tốt mà, khí thải ít. Mình cứ để chạy hết, rồi thay một thể cũng được”.
PGS.TS Đàm Hoàng Phúc, Giám đốc Chương trình đào tạo kỹ thuật ô tô, Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, xe chạy CNG vẫn phát thải ra môi trường và tạo ra ít hơn chỉ khoảng 20% lượng khí thải so với xe xăng. Bởi vậy, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ để lựa chọn loại phương tiện xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch cho phù hợp: “Chúng ta đã hội nhập và chúng ta đã cam kết tại COP 26 cần giảm phát thải và lượng phát thải từ phương tiện giao thông công cộng chiếm một tỷ trọng lớn. Do vậy, chúng ta cần lựa chọn những xe buýt để chúng ta cắt giảm phát thải xe buýt là một phương thức hợp lý và là một giải pháp khả thi nhằm giảm phát thải giao thông”.
Bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cũng cho hay, về chi phí đầu tư, hiện giá xe buýt CNG cao hơn khoảng 20% giá xe buýt diesel. Giá xe buýt điện cao hơn 3 lần giá xe buýt diesel. Tuy nhiên, với tiến bộ công nghệ hiện nay, giá thành xe điện giảm rất sâu và dự báo trong vài năm tới khoảng cách giá xe điện và xe buýt diesel sẽ thu hẹp đáng kể. Cả CNG và buýt điện đều cần đầu tư trạm bơm khí và trạm sạc, với chi phí tương đương.
Với phương án 3, chuyển đổi 50% xe buýt điện, 50% xe buýt chạy bằng khí LNG/CNG, với tổng kinh phí 51 nghìn tỷ đồng như Sở GTVT hà Nội đề xuất, bà Nguyễn Thị Phương Hiền cho rằng, do đến năm 2035 lại phải bỏ xe buýt CNG để chuyển sang xe buýt điện, Hà Nội cần nghiên cứu phương án kéo dài thời gian sử dụng nhiên liệu sinh học Biodiesel là B5, B10.
Cùng với đó, cần tiến hành đánh giá mức độ phát thải của các loại nhiên liệu sinh học này để có lộ trình thay thế xe chạy điện phù hợp với cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
TS Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng cho rằng, trong số các kịch bản mà Thành phố Hà Nội dự kiến, kịch bản sử dụng 100% xe buýt điện là thể hiện sự quyết tâm tốt nhất cho môi trường. Bởi việc chuyển đổi phương tiện xăng sang dùng khí LNG/CNG, tuy sạch hơn, nhưng thực chất vẫn là nhiên liệu hóa thạch này sang nhiên liệu hóa thạch khác.
Thậm chí, một số nước trên thế giới từng sử dụng xe buýt chạy CNG nhưng đã chuyển đổi sang xe buýt điện và phương tiện xanh khác.
“Trong các loại năng lượng thì người ta sử dụng rất nhiều năng lượng sạch khác, sạch hơn. Tôi nghĩ chúng ta dùng những cái như điện thì rất đảm bảo và đấy là một xu thế của tất cả các nước trên thế giới. Bây giờ một số quốc gia cũng đã cấm hẳn các xe chạy nhiên liệu hóa thạch rồi, các nơi khác nữa thì người ta cũng rất phổ cập xe điện. Với trình độ phát triển công nghệ hiện nay với pin, rồi hạ tầng như thế thì tôi nghĩ rằng đấy là một xu hướng tất yếu”, TS Hoàng Dương Tùng cho biết.
Một số ý kiến cũng cho rằng, để chuyển đổi sang xe buýt sử dụng khí LNG/CNG, hạ tầng cung ứng nhiên liệu cần bến bãi rộng, xa khu dân cư, có hành lang an toàn, có quy hoạch cụ thể về vị trí, đảm bảo khoảng cách giữa các trạm, có phương án phòng, chống cháy nổ…
Những yêu cầu này, ngoài giá trị đầu tư các trạm nạp rất tốn kém, còn khó đáp ứng trong điều kiện đất đô thị ngày càng chật hẹp. Còn nếu xây dựng ở ngoại ô, lại khó đáp ứng yêu cầu tiếp nhiên liệu thuận tiện cho hệ thống xe buýt ngày càng mở rộng của Thủ đô.