Nhật Bản từng tự hào về những chuyến tàu cao tốc, thế nhưng 9/10 lượng hàng hóa của nước này lại được vận chuyển bằng đường xe tải.
Tờ Nikkei cho hay việc Nhật Bản áp dụng luật cấm làm việc quá giờ với giới tài xế lái xe chở hàng vào tháng 4/2024 đang đe dọa đến toàn bộ nền kinh tế.
Câu chuyện ở đây là nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới vốn đang thiếu tài xế vì dân số lão hóa và quy định mới sẽ càng làm tình hình trở nên trầm trọng hơn.
Xin được nhắc rằng nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc 9/10 vào mảng vận tải đường bộ trong giao thông hàng hóa thay vì đường sắt hay đường hàng không. Chính điều này đang tạo nên một thách thức không hề nhỏ với chính quyền Tokyo.
Báo cáo của Viện nghiên cứu Nomura cho thấy sự bùng nổ thương mại điện tử đã kích thích nhu cầu vận tải cũng như logistic, thế nhưng quy định cắt giảm thời gian lái xe sẽ làm giảm 1/3 công suất vận chuyển hàng hóa vào năm 2030, đồng thời xóa bỏ 35% số tài xế so với năm 2015.
“Tôi nghĩ rằng mình có thể sẽ chuyển nghề tốt hơn nếu thu nhập không còn được như trước”, tài xế lái xe tải Toshiua Kajiyama nói với Nikkei.
Đây được coi là một thông tin thảm họa cho các nhà máy, bệnh viện hay cả những siêu thị tiện lợi vốn thường xuyên hoạt động 24/7 tại Nhật Bản.
Khó khăn
Theo Nikkei, Nhật Bản đang cố gắng giải quyết tình trạng thiếu tài xế trong khi vẫn đảm bảo được tiêu chuẩn lao động nhằm tránh các trường hợp người điều khiển gây tai nạn do vấn đề sức khỏe.
Hiện những biện pháp như tăng giới hạn tốc độ xe tải hay xây đường dành riêng cho xe tải tự hành đã được tính đến. Thậm chí việc áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) cho mảng logistic hay triển khai các tàu cao tốc, đường biển, đường hàng không dành riêng cho vận tải hàng hóa cũng đã được thảo luận.
Vào tháng 4 năm sau, Nhật Bản sẽ chính thức giới hạn số giờ làm việc của tài xế xuống 960 giờ mỗi năm hay 80 tiếng mỗi tháng và quy định mới này sẽ được chính phủ theo dõi chặt chẽ.
Trên thực tế, không riêng gì Nhật Bản mà nhiều nước trên thế giới cũng đang thiếu tài xế và chỉ khác là vì nhiều nguyên nhân khác nhau.
Báo cáo tháng 11/2023 của Liên minh vận tải đường bộ quốc tế (IRU) cho thấy thế giới đang thiếu 3 triệu tài xế xe tải ở 36 thị trường trên toàn cầu. Riêng Trung Quốc thiếu đến 2,2 triệu tài xế.
Phía IRU dự báo từ nay đến năm 2028, toàn thế giới sẽ thiếu 7 triệu tài xế, riêng Trung Quốc sẽ thiếu 4,9 triệu tài xế, chiếm 20% tổng số toàn bộ lao động trong ngành này.
Quay trở lại Nhật Bản, hãng Mordor Intelligence phân tích ngành vận tải đường bộ của nước này có tổng giá trị hơn 300 tỷ USD và các tập đoàn lớn đang phải tìm cách thích nghi với quy định mới.
Ví dụ hãng Yamato Transport mới đây đã hợp tác cùng Japan Airlines để xây dựng đội bay chở hàng chuyên biệt của mình.
Tuy nhiên không phải công ty nào cũng đủ nguồn lực để thay đổi như Yamato. Theo báo cáo của công đoàn Unyu Roren, khoảng 99% trong số 63.000 công ty vận tải ở Nhật Bản là dạng vừa và nhỏ nên rất dễ bị tổn thương bởi quy định mới.
“Trong thập niên 1980, cánh tài xế chúng tôi tràn ngập những người trẻ tuổi, năng động. Giờ đây chỉ có 5/16 tài xế công ty là ở độ tuổi dưới 40, còn lại đều trên 50-60”, Chủ tịch Yasunori Fujikura của hãng vận tải Fujikura Transport nói.
Trò chơi sinh tồn
Chủ tịch Yasunori Fujikura của hãng vận tải Fujikura Transport cho hay ngành vận tải Nhật Bản hiện nay đang bước vào một trò chơi sinh tồn khi đang nằm ở cuối chuỗi cung ứng.
Việc đồng Yên mất giá khiến chi phí năng lượng tăng cao do Nhật Bản phải nhập khẩu xăng dầu. Giờ đây lệnh cấm làm thêm giờ càng khiến mọi chuyện trở nên khó khăn hơn.
“Đây như một trò chơi sinh tồn vậy. Các hãng vận tải sẽ chết dần vì sự khắc nghiệt của thị trường”, Chủ tịch Fujikura than thở.
Theo quy định mới, nếu các tài xế không tuân thủ giới hạn làm việc thì sẽ bị đình chỉ phương tiện trong 10 ngày, tiếp đó là những khung hình phạt cao hơn nữa.
Tờ Nikkei nhận định người tiêu dùng Nhật Bản vốn đã quen với dịch vụ giao hàng hiệu quả chi phí thấp sẽ bị sốc khi nhận ra hóa đơn mua sắm bất ngờ tăng cao vì điều này.
Người phát ngôn của một tập đoàn logistic lớn ở Nhật Bản xin được giấu tên cho hay chẳng có cái gì gọi là “giao hàng miễn phí” trong thương mại điện tử cả bởi chính doanh nghiệp đang chịu khoản chi phí này.
Bởi vậy nếu tình hình tiếp tục khó khăn thì chính người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu khoản chi phí thêm do các quy định mới gây ra.
Theo Nikkei, hiện chỉ còn 4 tháng để các tài xế thực hiện quy định mới nhưng phần lớn lao động trong ngành vẫn chưa nhận ra ảnh hưởng tiêu cực mà chúng có thể gây ra.
Thậm chí các cửa hàng tiện lợi ở Tokyo cũng cho biết họ chẳng rõ về vấn đề này và tin rằng cuối cùng mọi chuyện cũng sẽ ổn.