Bị tàu húc nát vì đỗ sát đường ray, chủ xe Creta có được bảo hiểm?

Chiếc xe Hyundai Creta vì bất cẩn đỗ sát đường sắt ở Cổ Nhuế (Hà Nội) nên đã bị tàu hỏa chạy qua hất văng, nát bươm cả phần đầu. Chiếc xe này chỉ mới mua và lăn bánh được 1 năm với giá trị khoảng 700 triệu đồng.
Vụ tai nạn tàu hỏa hất văng ô tô ở ngõ 104 đường Cổ Nhuế, phường Cổ Nhuế 2, Hà Nội xảy ra chiều qua 5/6 gây xôn xao trong cộng đồng người dùng xe.

Một góc camera khác do Công an phường Cổ Nhuế 2 cung cấp:

Nhiều người bất cẩn đỗ sát đường ray xe lửa

Có mặt tại hiện trường sáng nay 6/6, ghi nhận của VietNamNet cho thấy, con ngõ này khá hẹp, đồng thời là nơi đi qua của tuyến đường sắt Bắc Hồng – Văn Điển, với các đoàn tàu hỏa chở hàng thường xuyên chạy qua.

Tuy nhiên, chiều rộng của hành lang bên đường ray trong ngõ chỉ vừa đủ 2 ô tô tránh nhau. Vị trí đối diện ngách 104/7 Cổ Nhuế vẫn còn dấu tích vệt đất bị xới tung khi tàu hỏa húc văng chiếc xe Hyundai Creta chiều qua, khiến chiếc xe này xoay ngang 180 độ với phần đầu nát bươm.


Vị trí xảy ra vụ tai nạn được phóng viên ghi nhận sáng 6/6. Ảnh: Đình Quý

Hình ảnh chiếc Hyundai Creta sau khi va chạm với tàu hỏa. Ảnh: Dương Hiệp
Ông H.A.T (60 tuổi), người có mặt tại tại hiện trường vào chiều 5/6 cho biết, nam thanh niên trên (D.T.N – PV) lái xe Hyundai Creta đến khu vực ngõ 104 và đỗ ngay sát gần đường sắt để vào khu chợ gần đó mua đồ.

“Người này đỗ xe không hỏi ai cả và xuống xe rất nhanh nên tôi không kịp nhắc nhở. Khi ấy phía sát nhà dân còn một ô tô 7 chỗ khác đỗ, nên khi chiếc xe này đến đỗ tạo cảnh so le nhau. Phải nói rằng, do ý thức của chủ xe Hyundai khá tệ vì đỗ kiểu so le như thế khiến người dân đi lại bị vướng”, ông T. kể lại.

Cũng theo ông T, vì sống ở đây đã lâu nên ông đã chứng kiến rất nhiều vụ tai nạn đường sắt liên quan đến ý thức bất cẩn của người điều khiển phương tiện ô tô, xe máy. Ông T. cho biết trung bình mỗi năm có trên chục vụ va chạm ô tô với tàu hỏa hoặc ô tô bị kẹt bánh xe trên đường sắt. Vụ chiếc Hyundai trên là trường hợp đầu tiên trong năm nay được ghi nhận.

Một người dân cũng sống gần ngách 104/7 nói vì đoạn ngõ này khá thoáng nên rất hay có ô tô đến đỗ, người dân cũng thường phải nhắc nhở tài xế về mối nguy hiểm nếu đỗ sát đường ray xe lửa.


Ngõ 104 đường Cổ Nhuế khá nhỏ, chỉ vừa đủ 2 ô tô tránh nhau nên việc dừng cạnh một chiếc xe đang đỗ cũng hết sức nguy hiểm vì gần đường sắt. Ảnh: Đình Quý.

Vị trí chiếc Hyundai Creta bị tàu hỏa đâm cho thấy xe đã đỗ quá sát đường sắt, vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Ảnh: Đình Quý

Khu vực đường sắt liền kề với đường dân sinh nên tài xế lạ đường nếu không chú ý rất dễ chủ quan khi dừng đỗ xe. Ảnh: Đình Quý.
Chi phí sửa chữa tốn kém và có thể được bảo hiểm

Trao đổi với PV VietNamNet, anh Hoàng Xuân Phường, CSKV Công an phường Cổ Nhuế 2 cho biết, ngay sau khi tai nạn xảy ra, công an phường đã có mặt để ổn định trật tự và bàn giao hiện trường cho CSGT Công an quận Bắc Từ Liêm thụ lý vụ việc.

Theo thông tin từ cơ quan công an, chiếc xe bị tai nạn mang nhãn hiệu Hyundai Creta đứng tên anh D.T.N (sinh năm 1985, Đoan Hùng, Phú Thọ). Xe sản xuất năm 2023 có khả năng thuộc phiên bản giữa hoặc phiên bản đặc biệt. Xe đăng ký lần đầu vào tháng 2/2023. Như vậy, đến thời điểm gặp nạn, chiếc xe Hyundai mới chạy được hơn 1 năm và vẫn đang nằm trong thời gian bảo hành chính hãng. Trên thị trường, ước tính giá trị chiếc xe trên khoảng 700 triệu đồng, giảm 100 triệu đồng so với giá lăn bánh tại thời điểm mua mới 2023. Theo thông tin từ giấy đăng ký xe, chủ xe hiện sinh sống trên địa bàn phường Cổ Nhuế 2.

PV VietNamNet đã liên hệ với CSGT Công an quận Bắc Từ Liêm để tìm hiểu thêm vụ việc. Tại đây, đại diện CSGT cho biết đơn vị đang trong quá trình điều tra nên không thể cung cấp thêm thông tin cụ thể. Tuy nhiên, người này cho biết chiếc xe bị đâm mạnh với phần khung chịu lực phía trước và cụm máy hư hỏng khá nặng.

Quan sát hình ảnh chụp tại hiện trường, kỹ sư ô tô Huỳnh Trọng Nhân (chủ một gara) nhận định, để khắc phục phần khung vỏ xe sẽ tốn ít nhất 1 tuần nếu đủ nhân lực, nếu không sẽ phải kéo dài 2 tuần. Riêng phần máy sẽ phải có đánh giá thực tế, nếu bị vỡ thành động cơ sẽ cần phải thay mới, chi phí rất tốn kém. Một cơ sở bảo hành của Hyundai tại Hà Nội cũng cho hay, chi phí sửa xe khi hư hỏng đến cụm động cơ là rất đắt, có thể lên tới 200-300 triệu đồng.

Riêng về vấn đề bảo hiểm xe, anh Nguyễn Khắc Xuân, Công ty TNHH dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair cho biết, nếu chủ xe mua bảo hiểm vật chất thì sẽ vẫn được đền bù. “Mặc dù nhiều người cho rằng xe vi phạm luật giao thông sẽ không được đền bù, nhưng hợp đồng bảo hiểm là thỏa thuận dân sự nên các sự việc sẽ phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm để xem xét trách nhiệm bảo hiểm. Một số công ty bảo hiểm có ghi rõ một điểm loại trừ gần với trường hợp này, đó là xe ô tô bị tổn thất trong trường hợp xe ô tô dừng, đỗ tại nơi có biển cấm dừng cấm đỗ. Trong trường hợp nếu như khu vực này có biển cấm dừng đỗ thì phải xem lại hợp đồng bảo hiểm đã ký giữa công ty bảo hiểm và chủ xe. Nếu hợp đồng không có loại trừ trường hợp này thì chủ xe vẫn được đền bù bình thường. Nếu công ty bảo hiểm muốn từ chối bồi thường, phải từ chối bằng văn bản”.

“Tuy nhiên, theo đoạn video ghi nhận hiện trường thì con đường này không hề có biển cấm dừng đỗ’, anh Xuân nói.

Dù vậy, chủ xe vẫn có thể bị xử lý vì vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Theo Quy định tại Khoản 2 Điều 3 Nghị định 56/2018/NĐ-CP, khoảng cách an toàn của đường sắt đô thị đi trên mặt đất và đường sắt còn lại là 3m.

Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ- CP, Điểm h khoản 2 và điều 6 Nghị định quy định, phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm các lỗi: dừng xe, đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.

Còn tại điểm d Khoản 3, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng với người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự ô tô vi phạm: dừng xe , đỗ xe trong phạm vi an toàn của đường sắt.