Bỏ 700 triệu đồng mua CCMN 45m2 ở Hà Nội: Pháp lý “mù mờ”, rủi ro cao nhưng đành mua vì vừa túi tiền, giờ đêm nào cũng lo nơm nớp

Nhìn vào “tấm áo giáp sắt” của khu chung cư mini nơi mình sinh sống, nhiều người không thể hình dung bản thân sẽ thoát ra bằng cách nào nếu có hỏa hoạn.

Bỏ 700 triệu đồng mua chung cư mini 45m2 ở Hà Nội: Sống trong sợ hãi!
Biết có rủi ro nhưng vẫn mua vì… hợp túi tiền
Mấy ngày nay, chị Nguyễn Thị Th. liên tục nhận được những cuộc điện thoại của người thân, bạn bè. Chị Th. sống tại một chung cư mini ở ngõ Bùi Xương Trạch, Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội.

Nơi đây cách chung cư xảy ra vụ cháy thảm khốc cướp đi sinh mạng của 56 người đêm 12 rạng sáng 13/9 không xa.

“Tôi sống ở chung cư mini cao 9 tầng và cũng ở Khương Đình nên nhiều người hiểu nhầm rằng khu nhà tôi bị cháy, lo lắng hỏi thăm”, chị Th. nói.

Chị Th. lo lắng sau khi nghe thông tin về vụ cháy chung cư mini ở phố Khương Hạ.
Những cuộc điện thoại liên tiếp của người thân cùng tin tức dồn dập trên mạng về vụ cháy ở ngõ bên cạnh khiến chị Th. bần thần cả buổi sáng.

Trên nhóm mạng xã hội, các cư dân khác trong khu chung cư của chị cũng xôn xao bàn tán.

Mọi người lập tức lên phương án họp bàn về vấn đề an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của nơi mình ở.

“Nghe thông tin về vụ cháy, chúng tôi rất lo lắng và muốn chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó nếu không may xảy ra bất trắc. Con cái, tài sản của chúng tôi đều ở đây”, chị Th. nói.

Người phụ nữ này cũng cho biết, căn hộ mini nơi vợ chồng chị cùng 2 con đang sống có diện tích 45m2. Chị mua căn hộ này với giá 700 triệu đồng khoảng 3 năm trước.

Thời điểm mua, vợ chồng chị cũng đã cân nhắc đến các vấn đề về an ninh, an toàn và PCCC.

Biết rằng các khu nhà này không được “chuẩn chỉ”, rộng rãi như các khu chung cư nhưng vì đi lại thuận tiện, phù hợp với túi tiền nên hai vợ chồng chị vẫn quyết định mua.

Căn hộ ở chung cư mini được nhiều người lao động, sinh viên mua hoặc thuê vì có giá cả phải chăng, không gian bên trong gọn gàng, phù hợp nhu cầu sinh hoạt.

Năm ngoái, sau nhiều tính toán, chị Ngọc B. (35 tuổi, quê Nam Định) cùng chồng đã chốt mua căn chung cư mini có diện tích 43m2 cũng ở Khương Đình với giá 890 triệu đồng.

Bỏ ra gần 1 tỷ đồng nhưng họ đối diện với hàng loạt mối lo: Vấn đề về pháp lý chưa rõ ràng khi họ chỉ có hợp đồng mua bán với chủ. “Sổ hồng là sổ chung cho cả khu”, chị B. nói.

Sống ở chung cư mini, vợ chồng chị B. cũng thấy thấp thỏm trước các vấn đề về đảm bảo an ninh, chất lượng dịch vụ và đặc biệt là vấn đề cháy nổ.

“Khu nhà tôi ở có trang bị thang dây, có lối thoát hiểm ở sân thượng. Điều tôi lo lắng là khi sự cố xảy ra, không phải ai cũng có thể sử dụng những chiếc thang ấy, đặc biệt là trẻ nhỏ”, chị này nói.

Điều lệnh chữa cháy được dán ở tầng 1 của một chung cư mini.
Theo tìm hiểu của phóng viên, những năm gần đây, tại Hà Nội loại hình chung cư mini xuất hiện “nở rộ” tại các quận nội thành như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm…

Với đặc điểm diện tích vừa phải, giá bán phù hợp túi tiền của các hộ gia đình trẻ, người lao động và có vị trí tiện lợi cho sinh hoạt, làm việc, cho con học, có thời điểm, các căn hộ mini trở thành mặt hàng “nóng” được săn lùng. Tuy nhiên đây lại được xem là “vấn nạn” của các đô thị.

Nhiều chung cư mini ở Hà Nội được xây theo dạng nhà ống, một mặt tiền, một cửa ra vào và đây cũng được coi là lối thoát hiểm duy nhất.

Chung cư mini nằm trong các ngõ phố nhỏ, hẹp xen lẫn với nhà dân. Điều này gây bất lợi khi có hỏa hoạn.
Trong các khu nhà, vị trí tầng 1 luôn là nơi cất giữ xe máy, xe đạp điện, xe máy điện. Trong nhà, ngoài thang máy sẽ còn một cầu thang bộ được thiết kế vừa phải chỉ đủ cho 2-3 người tránh nhau. Đây cũng được xem là cầu thang thoát hiểm của tòa nhà.

Một số chung cư mini mà phóng viên khảo sát đều có trang bị bình chữa cháy, bảng nội quy PCCC. Tuy nhiên, khi được hỏi, không phải ai cũng biết cách vận hành các thiết bị này.

“Các thiết bị phòng cháy chữa cháy được đặt ở đây từ lâu. Tuy nhiên, mọi người không được tập huấn cách sử dụng. Chủ nhà cũng chỉ nhắc nhở chúng tôi đảm bảo an toàn”, Thùy D. – nữ nhân viên văn phòng ở ngõ Bùi Xương Trạch nói.


Tầng 1 để xe và cũng là nơi đặt công tơ điện với nhiều hệ thống dây rợ.

Căn hộ mini rộng 25m2 mà Thùy D. thuê thực chất được cải tạo từ nhà dân. Chủ nhà thiết kế các phòng ở thành những “căn hộ nhỏ” có đầy đủ giường ngủ, bếp nấu, nhà vệ sinh. Bên ngoài, để phòng tránh trộm cắp, họ hàn kín các khung sắt từ tầng 1 lên tầng 4.

Nhìn vào “tấm áo giáp sắt” ấy, nhiều người thuê trọ trong chung cư mini này không thể biết mình sẽ thoát ra bằng cách nào nếu có hỏa hoạn.

Nhiều khu nhà được bịt kín bởi hệ thống lan sắt.
Mua thang dây, cắt ô cửa tự bảo vệ mình
Làm bảo vệ cho khu chung cư mini đã 10 năm, ông Đặng Văn Quát luôn tự đề ra cho mình một số nguyên tắc, nhất là vấn đề liên quan đến điện, cháy nổ.

“Tôi sắp xếp xe sạc điện ở khu vực bên ngoài gần lối ra vào, ngay trong tầm ngắm. Đặc biệt, tôi không bao giờ để xe sạc qua đêm. Người dân có thể cắm sạc ban ngày nhưng đến khoảng 23h, tôi sẽ rút toàn bộ nguồn sạc. Tại tầng hầm, chúng tôi dán biển “Nghiêm cấm hút thuốc lá” kèm mức xử phạt nặng nếu vi phạm”, ông Quát nói.

Ông Quát cho biết luôn rút sạc điện các loại xe trước khi đi ngủ.
Ông Quát cho biết, khu tầng 1 luôn là nơi để xe máy, xe sạc điện của các hộ dân. Vì vậy, ông thường xuyên nhắc nhở mọi người sắp xếp xe gọn gàng, phân khu vực từng loại xe.

Khu chung cư mini ông Quát làm bảo vệ có mặt sàn khoảng 185m2. Tổng cộng có 36 phòng chia đều ở 9 tầng.

“Cầu thang bộ chính là lối thoát hiểm thứ nhất. Lối thứ hai là ở sân thượng, nơi đây được trang bị thang dây có thể móc nối và trèo xuống tứ phía. Ngoài ra ở mỗi gia đình, các hộ đều cắt các lan can, tự tạo ô thoát hiểm cho mình”, ông Quát nói.


Người dân tạo cửa thoát hiểm từ phòng ngủ và chuẩn bị thang dây đề phòng hỏa hoạn. Trường hợp có cháy, họ sẽ thả thang dây từ phòng ngủ hoặc trên sân thượng để đáp xuống đất hoặc xuống mái của các tòa nhà xung quanh.

“Sở hữu” căn chung cư mini có diện tích hơn 40m2, anh Nguyễn Văn Duy tính toán chi tiết từng ngóc ngách trong nhà. Anh dựng vách nhựa ngăn được 2 phòng ngủ mỗi phòng rộng chừng 10m2. Phần còn lại là khu vực bếp và phòng khách với bộ sofa chỉ đủ 3 người ngồi.

“Tôi biết điều kiện thoát hiểm ở các khu chung cư mini còn hạn chế. Nơi đây cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ khi ngay dưới tầng 1 luôn là khu vực để xe, nơi hành lang thì nhỏ hẹp thường bị chiếm dụng để đồ, các vật dụng dễ cháy… vậy nên tôi luôn cố gắng tìm ra những cách bảo vệ mình”, anh Duy nói.

Cách bảo vệ mà anh Duy nói là khoan một ô cửa ở khu vực lan can. Để phòng tránh trẻ con tự ý mở ô cửa này, anh tạo then cài có khóa, chìa khóa cất ở vị trí dễ quan sát để có thể mở cửa khi cần.