Thừa nhận bản thân không phải “mọt sách”, không quá đam mê đọc sách nhưng chàng trai Hưng Yên vẫn khát khao lan tỏa văn hóa đọc đến đông đảo mọi người.
Vay nợ để mở thư viện miễn phí
Gần 14h, Hoàng Quang Khải (SN 1996, trú tại xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) đến thư viện nhỏ của mình mở cửa, bật điều hòa, xếp ngay ngắn bàn ghế và các đầu sách để sẵn sàng tiếp đón các bạn nhỏ trong làng. 6 năm qua, đó là công việc quen thuộc của chàng trai 9X vào mỗi cuối tuần.
Quang Khải bỏ tiền túi xây thư viện miễn phí
Thư viện rộng khoảng 18m2 của Quang Khải được bài trí tỉ mỉ với các cuốn sách đủ sắc màu và nhiều phụ kiện xinh xắn. Đến đây, người đọc dễ dàng tìm thấy một không gian yên tĩnh để tập trung vào từng trang sách – điều Quang Khải hướng đến ngay từ khi ấp ủ dự án ý nghĩa này.
Chàng trai Hưng Yên thừa nhận, anh không phải là “mọt sách” nhưng luôn có khao khát được lan tỏa văn hóa đọc đến người dân địa phương.
Học hết lớp 12, Khải làm công nhân cho một công ty ở khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên. Sau 4 năm làm việc, ngoài khoản tiền gửi cho bố mẹ hàng tháng, Khải tiết kiệm được một số tiền riêng.
Thư viện được sắp xếp gọn gàng, sạch đẹp
Không thể chờ đợi thêm, anh quyết định thực hiện ước mơ của mình, xây một thư viện miễn phí cho thôn.
“Bố mẹ mình phản đối dữ dội, cho rằng mình lo việc bao đồng. Đổi lại, mình được bà nội ủng hộ, cho mượn căn gác xép của ngôi nhà nhỏ ở thôn Đoan Khê làm chỗ xây thư viện. Đó là tất cả những gì mình cần lúc ấy”, Khải kể.
Dẫu vậy, số tiền Khải tích cóp được chưa đủ. Anh phải vay mượn thêm rồi dùng tiền lương công nhân hàng tháng để trả dần. Có tháng, Khải dùng hết tiền lương trả nợ, phải vay chỗ nọ, vá chỗ kia mới đủ tiền sinh hoạt.
Giống như chim làm tổ, thư viện nhỏ được Khải xây dựng từng chút một. Anh cẩu cát, xi măng… từ tầng 1 lên tầng 2 để xây dựng, sau đó tự mua từng mảnh gỗ về ghép thành kệ đựng sách.
Khải nhớ về những ngày đầu xây thư viện đầy gian nan
Anh không quên mua thêm những phụ kiện xinh xắn như lọ hoa, đèn trần, thảm trải phòng,… để tạo cảm giác thư thái, bình yên cho thư viện.
Phòng đọc gần hoàn thiện, Khải đi tìm mua các đầu sách. Anh ưu tiên những cuốn sách văn học, sách kỹ năng, sách tâm lý,… và mua vào dịp khuyến mãi.
Tháng 6/2019, thư viện sách của Khải chính thức hoàn thiện. Ước mơ lan tỏa tri thức qua những trang sách của chàng trai Hưng Yên đã thành sự thật.
6 năm vẫn bị gọi là… kẻ điên
Cách đây 2 năm, phòng đọc trên gác xép của Khải có dấu hiệu thấm nước. Xót sách và kệ gỗ, anh quyết định chuyển phòng đọc từ tầng 2 xuống tầng 1 dẫu cho việc di dời gặp nhiều khó khăn, vất vả.
Mỗi cuối tuần, Khải dành toàn thời gian cho thư viện
Khải thiết kế phòng đọc mới, sơn tường, lát nền rồi vận chuyển sách và kệ gỗ từ tầng 2 xuống. Lần này, thư viện của anh mang hơi hướng hiện đại và các đầu sách cũng phong phú hơn nhờ có sự hỗ trợ từ một số đơn vị.
6 năm qua, Khải xem thư viện là ngôi nhà thứ hai của mình. Ban ngày, Khải đi làm, chiều về tranh thủ mở cửa thư viện để mọi người ghé qua đọc, mượn sách. Cuối tuần, Khải mở cửa cả ngày, sẵn sàng phục vụ bạn đọc mọi lúc.
“Hồi thư viện mới mở, mọi người đến rất đông, đặc biệt là học sinh. Gần đây, mình thấy người đến đọc và mượn sách ít hơn nhưng không vì thế mà nản lòng”, Khải nói.
Thư viện thu hút nhiều em nhỏ trong thôn đến đọc và mượn sách
Cách đây vài năm, Khải gom góp tiền mua một chiếc điều hòa lắp ở thư viện để đảm bảo không gian mát mẻ, thoáng đãng cho mọi người ghé thăm vào mùa hè.
Vì quá tâm huyết với thư viện miễn phí, 6 năm qua Khải vẫn loáng thoáng nghe một vài người gọi mình là “kẻ điên lo việc bao đồng”. Dẫu vậy, Khải không bận tâm. Chỉ cần làm được điều gì đó có ích cho cộng đồng, anh đã mãn nguyện.
Hiện tại, Khải đã nghỉ việc ở khu công nghiệp, chuyển sang làm giáo viên dạy yoga và tham gia công tác đoàn ở địa phương. Dù bận đến mấy, Khải vẫn cố gắng duy trì, vận hành thư viện sách, vì tin nơi đây sẽ đem đến nhiều điều bổ ích cho mọi người.