Theo quy định của pháp luật Kiểm sát viên là một trong các chủ thể có nhiệm vụ, quyền hạn hỏi cung bị can. Thế nhưng, Kiểm sát viên chỉ hỏi cung bị can trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
Kiểm sát viên VKSND thị xã Hương Thủy (Thừa Thiên – Huế) cùng Điều tra viên Cơ quan CSĐT cùng cấp tiến hành ghi hình có âm thanh khi hỏi cung bị can. Ảnh: VKSND Thừa Thiên – Huế
Quy định này được hướng dẫn cụ thể tại Điều 45 Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao. Theo đó: Trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can trong các trường hợp sau: bị can kêu oan; bị can khiếu nại hoạt động điều tra; có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật; khi có đề nghị của cơ quan có thẩm quyền điều tra; tài liệu, chứng cứ mâu thuẫn hoặc chưa rõ; lời khai của bị can trước sau không thống nhất, lúc nhận tội, lúc chối tội; có căn cứ để nghi ngờ về tính xác thực trong lời khai của bị can hoặc trường hợp bị can bị khởi tố về tội đặc biệt nghiêm trọng và các trường hợp khác khi xét thấy cần thiết.
Thực tiễn cho thấy, khi tiến hành hỏi cung bị can, Kiểm sát viên thường gặp các tình huống phổ biến sau: bị can thành khẩn khai báo, bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối, bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra. Để hoạt động hỏi cung bị can đem lại kết quả tốt, một trong những vấn đề quan trọng mà Kiểm sát viên cần quan tâm, đó là nắm vững, vận dụng một cách thuần thục các chiến thuật hỏi cung bị can trong các tình huống phổ biến:
Trường hợp bị can thành khẩn khai báo
Bị can có thái độ thành khẩn khai báo là tình huống hết sức thuận lợi cho việc hỏi cung, thường gặp ở những bị can phạm loại tội ít nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, bị bắt quả tang, có nhiều chứng cứ trực tiếp chứng minh hành vi phạm tội, là người giúp sức trong vụ án có đồng phạm nhưng vai trò không đáng kể. Khi hỏi cung bị can thành khẩn khai báo, Kiểm sát viên có thể cho bị can viết bản tự khai về hành vi phạm tội của mình hoặc để cho bị can tự khai bằng lời trước Kiểm sát viên, sau đó Kiểm sát viên lập biên bản hỏi cung bị can.
Khi cho bị can viết bản tự khai, Kiểm sát viên có thể để bị can lựa chọn cách thức khai báo. Nếu bị can không biết phải khai báo thế nào thì Kiểm sát viên có thể hướng dẫn bị can khai báo theo trình tự thời gian diễn ra vụ việc hoặc nêu vấn đề cho bị can tự khai báo. Sau khi bị can viết bản tự khai xong, Kiểm sát viên có thể hỏi thêm bị can để giải quyết những điểm còn mâu thuẫn, những điểm chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc để kiểm tra lời khai của bị can.
Khi bị can khai báo bằng lời, Kiểm sát viên lắng nghe bị can khai báo. Khi bị can khai xong, Kiểm sát viên đặt câu hỏi cho bị can trả lời để giải quyết những điểm còn mâu thuẫn, những điểm chưa rõ, chưa đầy đủ trong lời khai của bị can, rồi lập biên bản hỏi cung bị can.
Trường hợp bị can từ chối khai báo hoặc khai báo gian dối
Thực tiễn cho thấy, một số bị can có nhiều tiền án, tiền sự, có hiểu biết pháp luật thường rất ngoan cố, không chịu khai báo hoặc khai báo gian dối về hành vi phạm tội của mình và các tình tiết khác của vụ án. Tình huống này gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Trong trường hợp này, Kiểm sát viên cần tìm hiểu chính xác nguyên nhân vì đâu mà bị can từ chối khai báo, khai báo gian dối: sợ bị xử phạt nặng, sợ bị đồng phạm trả thù hoặc chờ đợi sự giúp đỡ từ đồng phạm, họ tự tin về sự che giấu hành vi phạm tội của mình…? Để bị can khai báo thành khẩn, Kiểm sát viên cần linh hoạt vận dụng các chiến thuật hỏi cung sau đây:
(i) Giáo dục, thuyết phục bị can:
Kiểm sát viên nghiên cứu kỹ về đặc điểm nhân thân của bị can, các tài liệu, chứng cứ về hành vi phạm tội của bị can, động cơ kìm hãm bị can khai báo hoặc khai báo gian dối, từ đó tìm ra nội dung giáo dục, thuyết phục hiệu quả đối với từng bị can. Nội dung giáo dục, thuyết phục thường là: lấy đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước giải thích cho bị can hiểu về hành vi phạm tội của mình, về chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội, chỉ rõ cho họ thấy con đường đúng đắn nhất là phải thành khẩn khai báo; lấy tình cảm gia đình để khơi dậy trách nhiệm của họ…
Kiểm sát viên hỏi cung bị can trong vụ án Hiếp dâm người dưới 16 tuổi.
Ảnh: P.V
Khi sử dụng chiến thuật này, Kiểm sát viên cần lưu ý là phải tùy vào trình độ, nhận thức của bị can mà có cách giáo dục, thuyết phục phù hợp, bảo đảm họ hiểu chính xác nội dung mà Kiểm sát viên muốn nói, nhất là những bị can là người dân tộc thiểu số.
(ii) Sử dụng tài liệu, chứng cứ để đấu tranh với bị can:
Để việc sử dụng tài liệu, chứng cứ đạt kết quả tốt, thì tài liệu, chứng cứ phải được Kiểm sát viên kiểm tra, đánh giá, bảo đảm mang đầy đủ các thuộc tính của chứng cứ. Các chứng cứ này phải khách quan, có liên quan tới vụ án, phù hợp với các nguồn chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo đúng trình tự BLTTHS quy định.
Sử dụng chứng cứ khi hỏi cung bị can có thể tiến hành theo hai cách sau: Thứ nhất, sử dụng chứng cứ theo trình tự phụ thuộc vào giá trị chứng minh của chứng cứ, từ chứng cứ có giá trị chứng minh thấp đến những chứng cứ có giá trị chứng minh cao. Thứ hai, ngay từ đầu sử dụng bất ngờ một chứng cứ có giá trị chứng minh cao nhất. Trường hợp Kiểm sát viên nhận thấy thái độ khai báo của bị can chưa có chuyển biến hoặc chuyển biến chậm thì việc sử dụng tài liệu, chứng cứ theo cách thứ nhất sẽ đạt hiệu quả hơn, bởi nếu như ngay từ đầu sử dụng bất ngờ một chứng cứ có giá trị chứng minh cao nhất mà thái độ khai báo của bị can chưa có sự chuyển biến thì các tài liệu, chứng cứ còn lại không còn tác dụng, gây khó khăn cho việc đấu tranh với bị can.
Kiểm sát viên cũng phải lưu ý lựa chọn đúng thời điểm đưa ra tài liệu, chứng cứ để đấu tranh với bị can. Thực tiễn hỏi cung bị can cho thấy, việc đưa ra tài liệu, chứng cứ lúc bị can đang hoang mang, dao động, đang đấu tranh tư tưởng giữa khai và không khai, sẽ đem lại kết quả tốt.
(iii) Sử dụng mâu thuẫn để đấu tranh với bị can:
Trong vụ án có đồng phạm, nếu nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên có thể phát hiện ra mâu thuẫn giữa các bị can về lợi ích, vị trí, đời sống, để từ đó khoét sâu mâu thuẫn giữa các bị can, làm cho bị can này tích cực khai báo về hành vi phạm tội của bị can khác.
Khi hỏi cung bị can khai báo gian dối, Kiểm sát viên có thể sử dụng mâu thuẫn trong lời khai của bị can để đấu tranh với bị can. Thực tiễn cho thấy, các bị can khai báo gian dối tất yếu sẽ xuất hiện mâu thuẫn với lời khai của bị can khác trong vụ án, mâu thuẫn với lời khai của người bị hại, người làm chứng, kết luận giám định hoặc mâu thuẫn với chính lời khai trước đó của họ. Vì vậy, Kiểm sát viên cần phải phát hiện được các mâu thuẫn này, sử dụng để đấu tranh với bị can, buộc bị can phải khai báo thành khẩn. Để có thể phát hiện được các mâu thuẫn trong lời khai của bị can, Kiểm sát viên nghiên cứu thật kỹ hồ sơ vụ án, so sánh các tài liệu, chứng cứ thu thập được với lời khai của bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác để kiểm tra lời khai của bị can.
(iv) Sử dụng hợp lý các chiến thuật hỏi cung: hỏi đứt quãng, hỏi bất ngờ vào điểm yếu, hỏi củng cố từng bước, hỏi gián tiếp, làm cho bị can không thể chuẩn bị được nội dung khai báo, từ đó sẽ xuất hiện mâu thuẫn trong lời khai và buộc bị can phải khai đúng sự thật.
Trường hợp bị can nhận tội
Kiểm sát viên không được vội tin lời khai của bị can mà cần thận trọng so sánh, xem xét lời khai của bị can với các tài liệu, chứng cứ khác, tiến hành các biện pháp điều tra khác để kiểm tra lời khai của bị can. Nếu ngoài lời khai của bị can, không còn chứng cứ nào khác hoặc lời khai của bị can chưa phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được thì không được sử dụng làm chứng cứ kết tội bị can. Việc Kiểm sát viên cần làm trong trường hợp này là phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao bị can lại nhận tội, để bảo vệ người khác, che giấu một tội phạm khác hay để hưởng một lợi ích cho mình, cho gia đình mình…?
Trường hợp bị can không nhận tội
Trường hợp bị can không nhận tội thường do các nguyên nhân: bị can cho rằng hành vi của mình không phạm tội hoặc vì sợ nếu nhận tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự hoặc tin tưởng hành vi của mình chưa bị phát hiện…
Tùy thuộc vào nguyên nhân bị can không nhận tội mà Kiểm sát viên áp dụng chiến thuật hỏi cung phù hợp nhất. Nếu bị can nghĩ hành vi của mình không phải là tội phạm, thì cần giải thích quy định của pháp luật, kết hợp đưa ra tài liệu, chứng cứ cho bị can thấy rõ hành vi của mình là hành vi phạm tội, sau đó giải thích chính sách khoan hồng của Nhà nước đối với người phạm tội thành khẩn khai báo. Nếu bị can đang chờ đợi sự giúp đỡ từ những người khác thì phải làm cho bị can hiểu không ai giúp được bị can, chỉ bị can mới tự giúp được chính mình bằng cách khai báo thành khẩn để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Khi hỏi cung mà bị can không nhận tội, Kiểm sát viên có thể sử dụng các chiến thuật hỏi cung sau đây: hỏi cung gián tiếp, hỏi bất ngờ vào điểm yếu, khai thác và sử dụng mâu thuẫn giữa các bị can trong vụ án…
Bị can khiếu nại hoạt động điều tra
Nếu trong quá trình hỏi cung, bị can có khiếu nại hoạt động điều tra thì Kiểm sát viên phải lắng nghe, yêu cầu bị can trình bày về hoạt động điều tra cụ thể mà bị can khiếu nại, các căn cứ mà bị can đưa ra, các yêu cầu của bị can, rồi thận trọng xem xét với các chứng cứ khác của vụ án để kết luận việc khiếu nại có căn cứ hay không, từ đó có biện pháp giải quyết theo quy định.
Nguồn – https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/thuc-tien-kinh-nghiem/chien-thuat-hoi-cung-bi-can-trong-mot-so-tinh-huong-thuong-gap-93744.html