Chính phủ giải trình về suất đầu tư 43,7 triệu USD/km đường sắt tốc độ cao

(Dân trí) – Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, suất đầu tư là 43,7 triệu USD/km. Theo Chính phủ, so với các nước trên thế giới, đây là mức trung bình.
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ được Quốc hội quyết định chiều 30/11.

Trước đó, Chính phủ đã có báo cáo giải trình, tiếp thu gửi đại biểu Quốc hội về các ý kiến xung quanh chủ trương đầu tư dự án này.

Suất đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam ở mức trung bình

Với ý kiến đề nghị rà soát kỹ lưỡng suất đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Chính phủ cho biết dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 67,34 tỷ USD, suất đầu tư là 43,7 triệu USD/km.

So với các nước trên thế giới, đây là mức trung bình khi quy đổi về thời điểm năm 2024, theo đánh giá của Chính phủ.

Dẫn chứng, Chính phủ cho biết tuyến Nuremberg – Ingolstadt của Đức có tốc độ khai thác 300 km/h, suất đầu tư 60,5 triệu USD/km; tuyến LGV Sud Europe – Atlantique của Pháp tốc độ khai thác 300 km/h, suất đầu tư 45,2 triệu USD/km; tuyến Osong – Mokpo của Hàn Quốc tốc độ khai thác 305 km/h, suất đầu tư 53,6 triệu USD/km; tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải của Trung Quốc, tốc độ khai thác 350 km/h, suất đầu tư 33,1 triệu USD/km; tuyến Jakarta – Bandung của Indonesia tốc độ khai thác 350 km/h, suất đầu tư 52 triệu USD/km.

Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dự kiến chỉ chuyên chở hành khách (Ảnh: AI).
Theo Chính phủ, suất đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc thấp bằng khoảng 2/3 chi phí ở các quốc gia khác, chủ yếu do chi phí lao động thấp, tiêu chuẩn hóa các thiết kế và quy trình; kế hoạch đầu tư đường sắt cao tốc lớn, không thay đổi nên đã khuyến khích phát triển và cạnh tranh trong sản xuất, xây dựng thiết bị cũng như khấu hao chi phí vốn của thiết bị xây dựng.

“Việc so sánh suất đầu tư giữa các dự án cũng chỉ mang tính tương đối do phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: công nghệ, điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn, quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, khả năng nội địa hóa…”, Chính phủ nêu quan điểm.

Đối với tuyến đường sắt tốc độ cao của Việt Nam hiện nay, Chính phủ cho biết chưa lựa chọn chi tiết công nghệ nên suất đầu tư dự kiến trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi có thể chấp nhận được.

Chính phủ sẽ tiếp tục được rà soát, tính toán cụ thể trong quá trình lập dự án đầu tư và các bước tiếp theo.

Về phạm vi, quy mô đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ, có ý kiến cho rằng đoạn từ ga Phủ Lý đến Ninh Bình còn nhiều đoạn cong, điểm cong tạo cho tuyến dài ra, như vậy chưa phù hợp với quan điểm nghiên cứu về lựa chọn là tuyến ngắn nhất có thể (liên quan đến việc bố trí ga Nam Định).

Chính phủ khẳng định hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua thành phố Nam Định được nghiên cứu đảm bảo phù hợp quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch các vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình nghiên cứu đã đưa ra 3 phương án để phân tích so sánh lựa chọn.

Theo Chính phủ, với vai trò là trung tâm phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, thành phố Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 dân, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn, vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên… lên đến khoảng 4 triệu dân.

Theo dự báo đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm. Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm đoạn tuyến qua Nam Định (12km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD trong khi các lợi ích thu được ước khoảng 2,06 tỷ USD.

“Kinh nghiệm thế giới đã cho thấy có nhiều trường hợp tuyến đường sắt tốc độ cao đi vòng qua các trung tâm lớn để thu hút hành khách thay vì đi thẳng như tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…”, Chính phủ nêu rõ.

Ưu tiên vận tải hành khách

Giải trình thêm về công năng, Chính phủ khẳng định đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ tập trung ưu tiên vận tải hành khách; tuy nhiên phải đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, phục vụ tình huống khẩn cấp.

Vị trí ga Nam Định trong tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam (Đồ họa: Khương Hiền).
Có ý kiến cho rằng với 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, tính mỗi ga dừng 5 phút thì việc di chuyển từ Hà Nội vào TPHCM mất hơn 7 giờ, không thể là 5,5 giờ như báo cáo.

Chính phủ lý giải nếu tàu chỉ dừng ở 5 ga chính (Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thủ Thiêm), thời gian hành trình Bắc – Nam khoảng 5,3 giờ.

Còn nếu tàu dừng đan xen ở 23 ga, thời gian hành trình Bắc – Nam khoảng 6,6 giờ.

“Thời gian này đã bao gồm thời gian dừng tàu tại mỗi ga khoảng 2 phút tương tự như các nước đang khai thác đường sắt tốc độ cao trên thế giới”, Chính phủ cho biết.

Theo dự thảo nghị quyết, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam có tổng vốn 67,3 tỷ USD, tổng chiều dài 1.541km, với 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa. Toàn tuyến đi qua 20 tỉnh, thành phố; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TPHCM).