Các chuyên gia cho rằng chỉ nên đưa mô phỏng lái xe vào chương trình đào tạo, không đưa vào phần sát hạch lái xe bắt buộc.
Sát hạch lái xe tại Trung tâm Sát hạch lái xe huyện Củ Chi (TP.HCM) – Ảnh: CHÂU TUẤN
Phần mềm mô phỏng lái xe chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy
Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Ân, việc ứng dụng khoa học, công nghệ vào đào tạo là cần thiết. Trong cách dạy lái xe, thiết bị mô phỏng buồng lái để học viên làm quen trước khi cầm vô lăng. Phần mềm mô phỏng lái xe cũng có thể áp dụng vào chương trình giảng dạy, đào tạo cho học viên làm quen trước khi bước vào môi trường thật để sát hạch lấy bằng.
“Việc ứng dụng công nghệ như dùng phần mềm mô phỏng lái xe giúp quá trình đào tạo nhanh hơn, hiệu quả hơn, chứ không thể dùng nó làm thước đo để cấp bằng cho người lái. Vì thế, tôi cho rằng áp dụng mô phỏng lái xe trong sát hạch là bất hợp lý, cần thiết phải điều chỉnh. Chỉ nên xài mô hình này cho đào tạo”, ông Ân nói.
Ông Bùi Văn Quản – chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM – cũng cho rằng mô phỏng lái xe không cần thiết đưa vào bài thi. Thời gian qua, việc áp dụng thi mô phỏng khiến nhiều tài xế, thí sinh gặp khó khăn, dễ bị đánh rớt. Đánh rớt cũng phải để người ta tâm phục khẩu phục. Chứ rớt vì cái phần mềm nhiều bất cập, không đúng thực tế thì không khỏi gây bức xúc, tranh luận.
“Phần mềm mô phỏng thiếu tính thực tiễn. Hơn nữa, chúng ta không thể bắt buộc người lái phản ứng máy móc. Vì thế tôi cũng đồng tình với quan điểm không cần thiết áp dụng môn thi mô phỏng lái xe. Hơn nữa, trong chương trình học, người lái được đào tạo kỹ năng xử lý tình huống, chạy thực tế đường trường 800km… sẽ có những bài học phản xạ thực tế hơn”, ông Quản nói.
Ông Quản chia sẻ thêm hiện nay có không ít tài xế xe tải, xe du lịch kinh nghiệm hàng chục năm (trường hợp thi bằng lái quá hạn) nhưng lớn tuổi, không rành về công nghệ nên thi rớt phần mô phỏng. Nguyên nhân do kinh nghiệm đi đường họ có nhưng họ không biết dùng máy tính. Cần phân biệt rõ kỹ năng lái xe và kỹ năng dùng máy tính không giống nhau.
“Một khi tỉ lệ người rớt bằng lái cao sẽ ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế – xã hội. Hầu hết doanh nghiệp vận tải đang thiếu tài xế phục vụ chuỗi vận tải hàng hóa. Không chỉ vậy, khi thêm môn thi mô phỏng, chắc chắn cơ sở đào tạo phải tốn thêm chi phí, học phí học lái tăng. Như vậy, người lao động thu nhập thấp rất khó tiếp cận học và thi bằng lái ô tô”, ông Quản nói.
Trên thực tế, trong quá trình góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam, một số sở giao thông vận tải địa phương cho biết trong quá trình tổ chức thực hiện thi sát hạch ô tô bằng phần mềm mô phỏng, xuất hiện rất nhiều bất cập. Phần mềm đánh đố người thi, thiếu thực tế và cách tính điểm cũng chưa phù hợp.
Nhiều địa phương đề nghị đánh giá lại tính thực tế và hiệu quả phần thi mô phỏng mang lại. Có địa phương kiến nghị phần mềm mô phỏng lái xe chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên. Không đưa phần mềm vào phần sát hạch lái xe bắt buộc.
Không sát với thực tế
Ngay sau khi Tuổi Trẻ Online đăng tải bài “Nhiều địa phương đề xuất bỏ phần thi mô phỏng lái xe đánh đố thí sinh”, rất nhiều bạn đọc đã phản hồi phần mềm còn nhiều bất cập và những vô lý về cách tính điểm.
Chẳng hạn như trong thực tế người lái xe muốn lái an toàn thường xử lý sớm trước khi phát hiện tình huống nguy hiểm. Xử lý càng sớm thì càng an toàn. Nhưng với phần mềm mô phỏng lái xe, thí sinh chỉ cần xử lý trước 0,01% giây là bị 0 điểm. “Chạy xe như mô phỏng thì chỉ có tông xe. Không thực tế, lại còn kiểu đánh đố người thi”, bạn đọc Ngọc Hải bình luận.
Còn theo bạn đọc tên Trung: “Thay vì mất thời gian cho nội dung này, nên tăng thêm thời gian thực hành hoặc cho học viên xem các video tình huống rồi phân tích, đưa ra cách xử lý cho an toàn, đúng luật sẽ hiệu quả hơn”.
Nhiều bạn đọc cho rằng mô phỏng bằng mô hình kết hợp với phần mềm mô phỏng, chứ không phải mô phỏng phần mềm bằng kỹ năng dùng bàn phím. Mô phỏng thời nay mà còn không bằng game. Nếu Cục Đường bộ Việt Nam muốn tiếp tục sử dụng thì cần đề nghị đơn vị phần mềm viết lại để phù hợp hơn, tránh lỗi và thiếu thực tế.