Siêu xe biển Lào, Campuchia được nhiều đại gia Việt ưa chuộng nhờ một số lợi ích, song nó cho thấy công tác quản lý vẫn còn những kẽ hở.
Loạt xe biển nước ngoài ở Việt Nam xuất hiện thời gian dài
Hiện nay số lượng xe mang biển số nước ngoài đang lưu hành tại Việt Nam khá lớn, trong đó có những chiếc siêu xe, xe siêu sang đắt tiền.
Đầu tiên phải kể đến chiếc Lamborghini Aventador LP700-4 một thời gắn bó với các đại gia lan đột biến, sở hữu biển số tứ quý 9.
Chiếc siêu xe này về Việt Nam từ cuối năm 2019, nhưng chưa có thông tin và hình ảnh nào cho thấy xe đã từng tái xuất lại Lào.
Cùng với “siêu bò” trên, một chiếc Lamborghini Gallardo LP560-4 mang biển số đẹp “3979” có ý nghĩa “thần tài lớn, thần tài nhỏ” được tay buôn xe Phan Công Khanh đưa về từ Lào cũng không tái xuất sau 3 năm vào Việt Nam. Xe hiện đã qua tay nhiều đại gia ở cả miền Nam và Bắc, song chưa rõ chủ nhân hiện tại.
Năm 2019, chiếc Ferrari 458 Spider biển tứ quý 8 của Lào xuất hiện ở TP. Vinh (Nghệ An). Sau đó, siêu xe này về tay đại gia Sài Gòn và thường xuyên được nhìn thấy xuất hiện trên đường phố. Hồi đầu năm nay, “siêu ngựa” này gây chú ý khi được một nữ đại gia Bến Tre mua lại.
Chiêu né thuế của dân chơi siêu xe biển ngoại giao
Sự xuất hiện của các siêu xe biển Lào, Campuchia trên đường phố Việt thể hiện nhu cầu chơi xe trong nước của một số cá nhân giàu có thay vì là phương tiện phục vụ công việc của cơ quan ngoại giao. Theo quy định, các xe mang biển số nước ngoài muốn lăn bánh tại Việt Nam phải có giấy liên vận.
Theo thông tư số 47/2019/TT-BGTVT sửa đổi và bổ sung, các xe có giấy liên vận được hoạt động không quá 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Việc gia hạn giấy phép chỉ thực hiện 1 lần với thời gian gia hạn không quá 10 ngày. Sau đó, phương tiện buộc phải tái xuất để làm lại giấy phép.
Để được cấp giấy phép liên vận cần đơn đề nghị cấp giấy phép, giấy đăng ký phương tiện, hợp đồng thuê tài sản, giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường và một số loại lệ phí khác không đáng kể.
Nhiều người cho rằng, những tay chơi siêu xe mang biển số của Lào, Campuchia là “dân chơi nửa mùa”. Thay vì mua xe nhập khẩu và đăng ký lưu hành, nộp thuế đầy đủ ở Việt Nam thì chủ xe chọn mua và đăng ký ở nước bạn.
Nguyên nhân chủ chốt là giá bán siêu xe tại Lào và Campuchia rất rẻ. Theo tìm hiểu, cách áp dụng thuế cho xe nhập khẩu của 2 quốc gia này không tính theo dung tích động cơ như thị trường Việt.
Thuế nhập khẩu xe của Lào đã về mức 0% từ năm 2015. Còn tại Campuchia, người dân chỉ cần bỏ ra số tiền bằng khoảng 60% giá trị xe để nộp thuế.
Trong khi đó, một số mẫu xe có dung tích động cơ lớn (trên 6.0 lít) như Lamborghini Aventador, Rolls-Royce Phantom, Bugatti Veyron, Pagani Huayra,… bị đánh thuế TTĐB (tiêu thụ đặc biệt) khi về Việt Nam lên tới 150% giá trị xe sau khi đã áp dụng thuế nhập khẩu, khiến giá lăn bánh cao gấp 6-7 lần giá trị xe ở thị trường nước bạn.
Vì vậy khi đăng ký xe ở Lào hay Campuchia với thuế suất thấp hơn 6-7 lần so với Việt Nam, các đại gia sẽ tiết kiệm được khoản tiền khổng lồ từ vài tỷ cho tới cả trăm tỷ.
Cụ thể, chiếc Koenigsegg Regera của đại gia Hoàng Kim Khánh nếu đóng đầy đủ thuế ở Việt Nam, giá lăn bánh sẽ không dưới 600 tỷ đồng. Khi mang biển số Campuchia, vị đại gia này chỉ còn phải chi số tiền gần 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chiếc siêu xe này còn được đeo biển số theo sở thích, theo chính sách cho mua biển số của Campuchia.
Ngoài mức thuế thấp, cả Lào và Campuchia đều cho phép nhập khẩu xe đã qua sử dụng không giới hạn tuổi đời. Ngược lại tại Việt Nam, những chiếc xe đã qua sử dụng trên 5 năm sẽ không được phép nhập khẩu.
Quy định trên khiến những đại gia muốn sở hữu hay sưu tầm siêu xe cũ ở Việt Nam khó hoạt động hơn. Đơn cử, chiếc Lamborghini Murcielago LP640-4 của một doanh nhân Sài thành đang mang biển số Campuchia là xe sản xuất trong những năm 2006-2010. Đại gia Hoàng Kim Khánh cũng sở hữu một chiếc xế cổ Bentlley S2 đời 1962. Cả 2 xe đều khó nhập khẩu trực tiếp về Việt Nam do quy định trên.
Mới đây nhất, việc siết chặt đăng kiểm xe cơ giới khiến những mẫu xe độ không thể lưu hành vì vi phạm sai thiết kế so với nguyên bản. Vấn đề này sẽ tác động đến những tay chơi siêu xe muốn độ bodykit trong nước, trong khi thị trường Campuchia/Lào không cấm độ xe và xe độ được cấp phép vận hành như xe nguyên bản.
Ngay trong năm 2021 và 2022, không khó để thấy một số siêu xe nâng cấp bodykit từ Campuchia được đại gia Việt tậu về như Lamborghini Aventador độ Duke Dynamics, Lamborghini Aventador LP700-4 độ bản SVJ, Porsche 930 Turbo độ RUF, Lamborghini Gallardo độ bản Squadra Corse,.v.v…
Một nguyên nhân nhỏ khác giúp siêu xe từ Campuchia đang được ưa chuộng nhiều hơn, đó là chủ xe có thể bỏ tiền để chọn biển số theo ý muốn. Mở đầu cho trào lưu này tại Việt Nam là chiếc McLaren Senna của đại gia Hoàng Kim Khánh, với biển số đặt tên người vợ. Tiếp đến, chiếc Koenigsegg Regera trị giá gần 200 tỷ được đặt theo tên đại gia này.
Ngoài ra là hàng loạt siêu xe, hypercar khác từ Campuchia vào Việt Nam cũng mang biển số “cá nhân hóa” như chiếc Porsche 918 của doanh nhân Sài thành (biển số DQ918), chiếc Lamborghini Aventador của đại gia Kiên Giang (biển số 68S.6868), Lamborghini Aventador SV (SV.6688), McLaren 650S Coupe của đại gia Sài thành (MC.650S),.v.v…
Những siêu xe mang biển số Lào/Campuchia có tính thanh khoản cao hơn xe trong nước vì giá bán rẻ. Đại gia Việt có thể dễ dàng bán lại xe.
Bên cạnh đó, giá siêu xe rẻ cũng giúp các dân chơi bớt “đau đầu” về khấu hao xe trong quá trình sử dụng. Tham khảo trên thị trường xe cũ trong nước hiện nay, một chiếc McLaren 720S Spider mua mới có giá 27 tỷ đồng, sau 3 năm sử dụng chỉ còn bán được với giá 18-19 tỷ đồng.
Nếu mang biển số 2 quốc gia láng giềng, giá sau thuế khoảng 14 tỷ đồng và sau 3 năm sử dụng, mức khấu hao ước tính chỉ là 3 tỷ đồng. Số tiền này thấp hơn đáng kể so với xe mang biển trắng của Việt Nam.
Cùng với lợi ích về vật chất, đại gia Việt có thể tìm cách sử dụng những mẫu xe cổ, xe hàng hiếm, xe độ hay thậm chí là xe bọc thép thông qua việc đăng ký ở Lào và Campuchia. Từ đó, xe có thể vận hành ở Việt Nam mà không lo về vấn đề đăng kiểm.
Hoàng Long