Ở tuổi 27, Phạm Hằng (Hải Dương) đã có thể tự mua cho mình 1 chiếc xe ô tô có giá gần 650 triệu đồng.
Chuyện tậu nhà hay mua ô tô đều là những mục tiêu hay cột mốc khá quan trọng với cuộc đời của mỗi người, bởi những tài sản này chính là bước ngoặt đánh dấu khả năng độc lập tài chính. Tuy vậy, khi còn đang ở độ tuổi dưới 30, để có thể tự sở hữu những tài sản như nhà hay xe đều được cho là mơ ước của hầu hết người trẻ – không loại trừ cô nàng độc thân Phạm Hằng (27 tuổi, quê ở Hải Dương) hiện làm freelancer designer (thiết kế tự do) cũng thế.
Song, có 1 điều khác biệt hơn, khi Phạm Hằng đã có thể tự mua cho mình 1 chiếc xe ô tô có giá hơn nửa tỷ đồng.
Phạm Hằng chọn Honda City RS vì phù hợp với nhu cầu và ngân sách, độ bền cao.
Chia sẻ về lý do mua xe khi vẫn đang ở nhà thuê, Phạm Hằng cho biết: “Ngay từ khi mới ra trường, mình đã đặt mục tiêu sau 3 năm thì sẽ mua xe ô tô. Do vậy, việc mình mua xe 1 phần là vì lý do này. Bên cạnh đó cũng là bởi có thể chủ động trong việc đi lại.
Bình thường, khi chưa có xe, mình hay đi xe đưa đón, nhưng xe đó họ thường cố định khung giờ, chuyến muộn nhất để lên Hà Nội là 12h trưa nên về quê được chốc lát đã phải đi rồi. Với lại đi kiểu này sẽ bị phụ thuộc, không chủ động được thời gian và các công việc cá nhân. Trong khi đó, công việc của mình cũng cần đi gặp khách thường xuyên nên mình quyết định mua xe chứ chưa mua nhà riêng trong thời điểm này.”
Mua xe ở độ tuổi còn khá trẻ, nhưng Phạm Hằng cho biết, áp lực cô nàng gặp phải khi quyết định mua xe không phải vì tiền bạc, mà bởi khó khăn tâm lý bị xao động giữa việc tậu nhà hay sở hữu xe riêng.
“Mình hầu như không gặp vấn đề về tài chính vì đã lên kế hoạch mua xe từ khi ra trường. Mọi thứ của mình đều đi theo 1 kế hoạch rõ ràng chứ không phải tự nhiên dư giả rồi mới nghĩ tới việc mua xe ô tô.
Năm 2021, mình bắt đầu tính toán kĩ hơn để quyết tâm cuối năm mua xe. Tuy nhiên, khó khăn nhất thời điểm ấy mình gặp phải là về mặt tâm lý – khi mọi người toàn đưa ra lời khuyên mình nên mua nhà trước thay vì mua xe ô tô.”
Phải vay thêm người thân khoảng 20% để mua đứt xe ô tô vì ở thời điểm đó có 1 vài khoản tiền không về theo đúng kế hoạch.
Phạm Hằng cũng chia sẻ thêm, cô bạn phải vay thêm người thân khoảng 20% để có thể mua đứt chiếc xe này. Song, cô bạn cũng đã trả hết ngay vài tháng sau đó.
Mặc dù chưa phải là quá dư giả nhưng sau khi sở hữu xe riêng, Phạm Hằng cho biết bản thân vẫn cảm thấy đây là 1 trong những quyết định đúng đắn nhất.
“Mua xe khi mình cân đối được chi phí nuôi xe hàng tháng và chiếc xe có thể tối ưu được nhu cầu của bản thân thì đây là 1 lựa chọn đúng đắn. Mình nghĩ vậy! Chưa kể, với công việc của mình cần gặp gỡ và tìm kiếm khách hàng thường xuyên thì chiếc xe cũng giúp nâng tầm bản thân hơn, từ đó tạo ra nhiều cơ hội công việc.
Ngoài ra, chiếc xe của mình là xe hạng B nên quá trình “nuôi xe” cũng khá dễ chịu. Tiền bảo hiểm bảo dưỡng cùng các khoản bắt buộc khác chia ra mỗi tháng chỉ hết khoảng hơn 1 triệu. Nhờ thế mà mình không phải lo lắng gì về việc này.” – Phạm Hằng nói thêm.
Vì mua nhà sẽ cần số tiền gốc cao hơn, đồng nghĩa với việc mục tiêu sẽ khó thực hiện hơn nên Phạm Hằng quyết định thực hiện điều này sau.Bật mí thêm về kế hoạc chi tiêu để có thể mua đứt xe ô tô ở tuổi 27, Phạm Hằng cho biết cô bạn tập trung vào việc kiếm thêm thu nhập thay vì hạn chế chi tiêu để tiết kiệm.
“Từ trước đến giờ, mình luôn tìm cách làm thế nào để thu nhập tăng lên chứ cũng không nghĩ quá nhiều về việc tiết kiệm, khoản gì cần thiết đương nhiên mình vẫn phải chi. Theo đó, thường thì mình sẽ chia kế hoạch chi tiêu của mình cho các khoản chi cố định và những khoản phát sinh.
Cụ thể, các khoản cố định của mình sẽ bao gồm: tiền thuê nhà, tiền điện nước, mỹ phẩm, quần áo và chi phí đi lại trong 1 tháng. Và mình chỉ hạn chế mua những thứ không cần thiết. Đơn cử như con gái hay có thói quen “đốt tiền” cho quần áo, nhưng mình thì không như vậy. Bản thân mình chỉ mua quần áo vào các dịp cố định – đã được mình xem xét và tính toán trước chứ không mua liên tục hàng tháng. Mình chủ yếu sử dụng đồ basic và thời trang bền vững chứ không chạy theo mẫu mã mới. Với mỹ phẩm cũng vậy. Nói chung, mình mua mọi thứ theo nhu cầu sử dụng.
Song song với đó, mình cũng luôn đặt mục tiêu là nâng cao khoản tiền tích luỹ bằng cách kiếm thêm thu nhập chứ không chi tiêu quá hạn chế để tiết kiệm.”
Tự mua xe ở độ tuổi còn trẻ, lại là con gái và không có nhiều kiến thức về xe cộ, Phạm Hằng chọn cách tìm hiểu thông tin rồi nhờ người tư vấn dựa trên nhu cầu và sở thích cá nhân để đưa ra quyết định mua xe nào.
“Vì bản thân mình cũng xác định được nhu cầu khi mua xe là phù hợp với ngân sách hiện có, dòng xe có thể thay thế/bảo dưỡng dễ dàng để không gặp quá nhiều khó khăn trong quá trình sử dụng nên việc lựa chọn xe của mình diễn ra khá suôn sẻ và nhanh chóng.” – Phạm Hằng nói.
Nhìn chung, trong thời đại hiện này, có rất nhiều bạn trẻ đã lựa chọn “xế hộp” là cách để tự thưởng cho bản thân, thể hiện năng lực và thành công của mình nhằm “ghi điểm” trong mắt đối tác, với gia đình cũng như mọi người xung quanh. Song, dù thế nào, chúng ta cũng cần thừa nhận 1 điều, những người trẻ này đã phải nỗ lực rất nhiều, làm việc rất chăm chỉ mới có thể thực hiện được ước mơ này.