“Đám giỗ bên cồn” là từ khóa được nhắc đến nhiều nhất những ngày gần đây khi nói đến Lê Tuấn Khang. Thế nhưng, có một số cư dân mạng thắc mắc không biết cồn là gì, nằm ở đâu mà nam TikToker suốt ngày đòi qua ăn giỗ.
Lê Tuấn Khang (sinh năm 2002, ở Sóc Trăng) từ một anh chàng chăn vịt nay đã trở thành TikToker đình đám nhất Việt Nam với hơn 7,5 triệu người theo dõi, tính đến thời điểm 16h ngày 30-11. Đáng chú ý, con số này liên tục thay đổi theo chiều hướng tăng lên sau khi diễn ra đêm trao giải TikTok Awards 2024.
Kể từ khi được biết đến nhiều hơn, kênh TikTok của Lê Tuấn Khang xuất hiện nhiều thành viên mới. Lúc này, họ mới được tận mắt chứng kiến “vũ trụ Lê Tuấn Khang” tạo dựng tại quê nhà, qua những thước phim mãn nhãn cùng kịch bản cười muốn… sái quai hàm!
Kéo theo đó, làn sóng tò mò về cái “đám giỗ bên cồn” ngày một to lớn hơn, cũng vốn là một trong những bí ẩn xuyên suốt trong những video “cộp mác” Lê Tuấn Khang.
Được biết đám giỗ bên cồn là hoạt động được Lê Tuấn Khang sử dụng trong rất nhiều video. Bất kể nội dung video là gì thì đều có thể bắt đầu bằng việc bà Sáu nhờ chở đi đám giỗ bên cồn hoặc câu “ngày mai đi qua bên cồn ăn đám giỗ”. Trong quá trình sang bên cồn ăn đám giỗ thì luôn có những tình huống, câu chuyện hài hước xảy ra và cuối cùng vẫn chưa ai biết đám giỗ bên cồn ngang dọc thế nào.
Một người đùa: “Top địa điểm bí ẩn nhất thế giới: Cái Cồn”. Người khác thì thêm vào: “Bên cồn đó bộ xưa có bệnh dịch hay vụ án gì dữ lắm hay sao mà đi đám giỗ hoài từ clip này qua clip khác thấy vẫn chưa hết”.
Thực tế đến nay vẫn chưa ai biết chính xác cái “đám giỗ bên cồn” mà Lê Tuấn Khang và những nhân vật trong video nhắc đến là ở đâu, của ai hay diễn ra khi nào. Mọi người chỉ biết rằng đây chính là sự kiện anh chàng lấy làm chủ đề chính để dẫn dắt các tình tiết trong từng sản phẩm của mình.
Về phần Lê Tuấn Khang, anh chàng cũng không ngại tiết lộ về đám giỗ bên cồn. Mới đây, tại lễ trao giải ngày 23/11, khi được TikToker Ly Sẩm hỏi: “Đám giỗ bên cồn khi nào kết thúc?”, Tuấn Khang đáp cực dễ thương: “Đám giỗ thì năm nào cũng có nha mấy anh chị ơi nên sẽ hoài tới luôn. Hoài hoài luôn”.
Thực tế, Cồn, hay cù lao, không hề xa lạ với người miền Tây và du khách tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tại vùng đất này, chưa ai thống kê có bao nhiêu cồn, bãi nổi lên từ những con sông lớn nhiều phù sa.
Cồn có nhiều ở các tỉnh Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiề.n Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng… Những cồn đất này có điểm chung là đất đai màu mỡ và tươi tốt, là nơi người Nam Bộ trồng rất nhiều loại nông sản ngon.
Gần đây đất cồn được người dân nuôi trồng thuỷ sản, phát triển du lịch. Du khách không nên bỏ lỡ cơ hội khám phá cuộc sống miệt vườn của người miền Tây trên những cồn đất nổi tiếng nhất trên bản đồ du lịch.
Trên dòng sông Tiề.n, có 4 cồn được mệnh danh là tứ linh: cồn Long, cồn Lân, cồn Qui, cồn Phụng. Từ TPHCM, đi 70km theo hướng Quốc lộ 1A, du khách sẽ đặt chân đến cầu Rạch Miễu. Từ đây có thể thấy được tứ linh của vùng đất này.
Cồn Long thuộc thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiề.n Giang. Đây là một gò đất nổi lên giữa dòng sông Tiề.n, nhờ được phù sa bồi đắp nên đã hình thành nên gò đất đồi; cồn Long nổi tiếng nhất trong bốn cồn về các loại nông sản, hoa trái.
Cồn Lân còn gọi là cồn Thới Sơn, tọa lạc tại vùng hạ lưu sông Tiề.n, Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiề.n Giang. Với diện tích 50ha, cù lao này có 6.000 cư dân đang sinh sống. Nơi đây là điểm du lịch miền Tây hấp dẫn để khám phá các miệt vườn nhờ được thiên nhiên ưu ái về khí hậu và sông ngòi.
Cồn đất này hàng năm cung cấp cho thị trường một lượng trái cây ngon và giá trị cao rất lớn, xứng đáng là một trong những vựa trái cây lớn của Tiề.n Giang. Nhiều loại trái cây nổi tiếng có thể kể đến vú sữa, chôm chôm, nhãn… Du khách khám phá Cồn Thới Sơn còn có cơ hội trải nghiệm đi xuồng ba lá lênh đênh trên những kênh rạch để khám phá vườn cây trĩu quả hấp dẫn trên cồn ở hai bên.
Cồn Qui chỉ là cồn đất nhỏ giữa xã Tân Thạch và Quới Sơn, còn Cồn Phụng địa phận xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Cồn đất này có tổng diện tích khoảng 30.000 m2 với mô hình du lịch sinh thái rất phát triển. Người dân địa phương đã tận dụng phù sa bồi đắp miệt vườn để chăm sóc những loài cây cối mát lành.
Cồn Mỹ Phước là một ấp thuộc xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Toàn ấp có gần 300 hecta diện tích trồng cây ăn trái, trong đó có gần 90% diện tích trồng nhãn. Vì vậy nơi đây còn được gọi một cái tên thân thương là Cồn Nhãn.
Nằm giữa dòng sông Hậu thuộc địa phận huyện Kế Sách, cồn Phong Nẫm có vị trí rất đặc biệt vì là nơi tiếp giáp của 3 tỉnh: Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Mặc dù bốn bề là nước, nhưng cồn Phong Nẫm không bị trở ngại nhiều trong việc đi lại vì có hệ thống phà vận chuyển tương đối hoàn chỉnh. Hiện tại, có 3 tuyến phà kết nối với đất liền của huyện Kế Sách, trong đó tuyến phà Phong Nẫm – An Lạc Thôn có khả năng chở cả xe ô tô và xe tải.
Cồn Phong Nẫm còn có các phà kết nối với xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và cồn Tân Qui, thuộc xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách từ nhiều tỉnh trong vùng đến tham quan.
Nằm cách trung tâm thành phố khoảng 6km, Cồn Sơn (thuộc phường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) là vùng đất rộng chưa đến 75 hecta, nằm giữa sông Hậu, bao quanh bốn bề là nước.
Trước kia, người dân sinh sống ở cồn này chủ yếu trồng cây ăn quả, nuôi cá… vì ở tách biệt nên gặp nhiều khó khăn. Nhưng vài năm trở lại, Cồn Sơn nổi tiếng về du lịch miệt vườn với nhiều sản phẩm độc đáo, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.