Cùng với chiến lược cạnh tranh giá khốc liệt, cuộc khủng hoảng thừa xe điện Trung Quốc đang trở thành mối đe dọa đến ngành công nghiệp ô tô non trẻ của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành một trong những cường quốc về xe điện với tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tuy nhiên, sự bùng nổ quá nhanh của ngành công nghiệp này đang đẩy Trung Quốc vào tình trạng sản xuất dư thừa trầm trọng, gây ra những tác động tiêu cực không chỉ cho thị trường nội địa mà còn lan rộng ra toàn cầu.
Sự kết hợp giữa chính sách công nghiệp mạnh mẽ của chính phủ trung ương và sự hỗ trợ nhiệt tình của chính quyền địa phương đã thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp xe điện Trung Quốc. Nhiều thành phố như Hợp Phì, Vũ Hán đã trở thành những trung tâm sản xuất xe điện lớn với sự góp mặt của cả những “ông lớn” như BYD, SAIC, Geely và những “tân binh” đến từ các lĩnh vực công nghệ như Huawei, Xiaomi.
Khủng hoảng thừa xe điện Trung Quốc
Tuy nhiên, khi mô hình trợ giá của các chính quyền địa phương như Hợp Phì được sao chép và lan rộng sang quá nhiều nơi khác, tình trạng dư thừa nghiêm trọng đối với xe điện Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện. Hơn 200 nhà sản xuất xe điện khác nhau đã đẩy sản lượng tăng vọt trong khi nhu cầu người dùng lại giảm sút.
Chưa kể một phần lớn nhu cầu của người dùng lại đến từ các chính sách ưu đãi, giảm giá. Ví dụ người mua xe điện có thể được miễn phí cấp phép (ở một số thành phố như Thượng Hải, phí cấp phép này có thể lên đến 13.000 USD). Bên cạnh đó là khoản miễn thuế lên đến 4.000 USD cho mỗi xe cùng các biện pháp khác nhằm khuyến khích mua xe điện.
Nhưng giờ đây ngay cả các khoản ưu đãi cũng không thể kích thích nhu cầu gia tăng hơn nữa, kéo theo đó là sự dư thừa nguồn cung xe điện trong thị trường nội địa. Sự dư thừa này đã tạo nên cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá, thay vì tập trung vào đổi mới chuỗi cung ứng và công nghệ.
Thị trường nội địa đã quá bão hòa, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc quay sang xuất khẩu để tìm lối thoát. Tuy nhiên, họ đang vấp phải sự phản ứng gay gắt từ các thị trường trọng điểm. Mỹ và EU áp thuế suất cực cao với xe điện Trung Quốc, gần như “đóng sập cửa” hai thị trường tiêu thụ lớn nhất. Trước tình thế này, xe điện Trung Quốc ồ ạt đổ bộ vào các thị trường mới nổi, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á.
Các thị trường mới nổi: lối thoát hay bãi đổ cho xe điện giá rẻ của Trung Quốc
Thế nhưng, chính các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc lại đang tỏ ra kém cỏi khi làm ăn ở nước ngoài. BYD – hãng xe điện số một Trung Quốc – bị bêu tên khi không chịu đầu tư xây dựng trạm sạc tại Việt Nam. Tại Thái Lan, BYD bị điều tra vì liên tục giảm giá xe tới 30% chỉ trong vòng một năm, gây bức xúc cho khách hàng. Thay vì xây dựng một hình ảnh tốt để phát triển bền vững, các hãng xe điện Trung Quốc đang biến nhiều quốc gia trở thành “bãi đổ” cho cơn lũ xe điện giá rẻ thừa thãi của mình.
Hơn thế nữa, biện pháp cạnh tranh bằng cách hạ giá để đẩy hàng tồn kho của nhiều nhãn hiệu Trung Quốc cũng đang gây hại cho chính các ngành công nghiệp ô tô ở những quốc gia mà họ đổ bộ vào.
Điển hình là Thái Lan. Kể từ khi các nhãn hiệu xe điện Trung Quốc đổ bộ vào quốc gia này, doanh số các xe xăng truyền thống sụt giảm trầm trọng buộc các hãng Suzuki và Subaru thông báo đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại Thái Lan.
Điều này tác động dây chuyền đến cả chuỗi cung ứng cũng như ngành sản xuất của quốc gia này, vốn đóng góp khoảng 25% GDP. Trong năm 2023, Thái Lan ghi nhận có đến hơn 2.000 nhà máy đã phải đóng cửa, kéo theo hàng loạt công nhân rơi vào tình trạng thất nghiệp.
Thậm chí, đáng lo ngại hơn là khả năng chỉ một làn sóng nhỏ các xe điện chất lượng thấp từ Trung Quốc sẽ làm tổn hại đến toàn bộ ngành. Cũng tương tự như việc các sự cố của những nhà máy điện hạt nhân đã làm người dùng hiểu nhầm về mức độ an toàn của lĩnh vực này – các xe điện chất lượng thấp có thể làm người dùng quay lưng với những phương tiện thân thiện môi trường trong ngắn hạn.
Trong dài hạn có thể điều này sẽ không mấy ảnh hưởng. Các vụ tai nạn máy bay cuối cùng vẫn không làm người dùng từ bỏ loại phương tiện nhanh chóng này. Nhiều nhà sản xuất ô tô khác vẫn tồn tại bất chấp các bê bối về an toàn trong quá khứ. Nhưng với ngành công nghiệp non trẻ như xe điện, điều này vẫn sẽ có những tác động nhất định đến nhận thức của người dùng với loại phương tiện này.
Cùng lúc đó, bóng ma về một nghĩa địa xe điện – điều từng xảy ra với các xe đạp Trung Quốc trong quá khứ – lại đang hiện về. Khi các startup chia sẻ xe đạp phá sản hàng loạt, cả núi xe đạp bị vứt bỏ la liệt trên đường phố đã trở thành hình ảnh ám ảnh tại Trung Quốc. Điều tương tự hoàn toàn có thể xảy ra với xe điện nếu tình trạng sản xuất quá mức vẫn tiếp diễn.