Công viên hơn 11ha chậm tiến độ 7 năm, Chủ tịch Hà Nội nói phải xong trước Tết để dân xem pháo hoa

Ngày 20-11, ngay sau khi thành lập Ban Chỉ đạo về phòng chống lãng phí thành phố, Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã họp để ngay lập tức yêu cầu các đơn vị liên quan họp bàn giải pháp về công viên hồ Phùng Khoang bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí.

Công viên hồ Phùng Khoang bỏ hoang nhiều năm gây lãng phí – Ảnh: PHẠM TUẤN

Cụ thể tại cuộc làm việc, UBND TP Hà Nội đã chiếu phóng sự để lãnh đạo các sở ngành và chủ đầu tư công viên hồ Phùng Khoang thấy rõ sự lãng phí của dự án.

Ông Võ Nguyên Phong – giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội – cho rằng công viên hồ Phùng Khoang được TP phê duyệt chủ trương đầu tư từ năm 2008. Đến năm 2022, Hà Nội cho phép giãn tiến độ hoàn thành vào cuối năm.

Vị lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội nói dự án chậm tiến độ so với kế hoạch do sự phối hợp, chuẩn bị của chủ đầu tư và đơn vị liên quan trong khâu giải phóng mặt bằng chưa hiệu quả.

Ông Mai Trọng Thái – chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm – cho biết công viên hồ Phùng Khoang là một trong 65 dự án chậm triển khai trên địa bàn quận. Cơ bản các hạng mục trong công viên đã được đầu tư, tuy nhiên công viên vẫn chưa hoạt động, gây lãng phí khiến dân bức xúc.

Tại cuộc làm việc, đại diện chủ đầu tư (liên danh Tổng công ty Đầu tư & Phát triển nhà Hà Nội và Công ty cổ phần Đầu tư & Xây dựng đô thị) báo cáo một số vấn đề, nhưng chủ đầu tư lại không hẹn ngày đưa dự án về đích.

Đài phun nước tại công viên trên đã xong, nhưng không hoạt động – Ảnh: PHẠM TUẤN

Phải làm xong trước Tết

Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tại phiên họp xử lý dự án công viên hồ Phùng Khoang chậm tiến độ – Ảnh: UBND TP

Chỉ đạo xử lý việc công viên hồ Phùng Khoang chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết hiện dự án này đã hoàn thành nhiều hạng mục nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do một số lý do.

Trước thực tế trên, ông yêu cầu các đơn vị liên quan phải làm hết trách nhiệm của mình để sớm đưa công viên vào hoạt động.

Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang là dự án đổi đất lấy hạ tầng, tuy nhiên người đứng đầu UBND TP Hà Nội cho rằng phần lớn khu đô thị, dự án mang tính thương mại đã được chủ đầu tư hoàn thiện bán ra thị trường nhưng diện tích công cộng phục vụ người dân hiện vẫn còn dở dang.

Chủ tịch Hà Nội yêu cầu chủ đầu tư phải làm tốt hơn phần trách nhiệm của mình đối với dự án công trình công cộng.

“Không thể có chuyện dự án khu đô thị đã làm xong từ lâu mà dự án công trình xã hội cả chục năm vẫn chưa xong” – chủ tịch Hà Nội nói.

Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo Phó chủ tịch TP Dương Đức Tuấn phải giám sát chặt chẽ tiến độ giải phóng mặt bằng của quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, chậm nhất ngày 15-12 phải xong để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thi công phần còn lại của dự án.

Khẳng định tinh thần dứt khoát không lùi tiến độ dự án, chủ tịch Hà Nội yêu cầu các đơn vị tạo cơ chế thông thoáng để làm dự án công cộng cho người dân thụ hưởng.

Đồng thời phải song song việc giải phóng mặt bằng và hoàn thành các thủ tục, để đến trước Tết Nguyên đán 2025 đưa dự án vào sử dụng.

“Trong dịp Tết, bà con phải được vào chơi và xem pháo hoa tại đây” – chủ tịch Hà Nội nói và đề nghị các đơn vị nghiên cứu tổ chức bắn pháo hoa tại công viên hồ Phùng Khoang trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Trước đó, Tuổi Trẻ Online phản ánh việc công viên hồ điều hòa Phùng Khoang nằm ngay mặt đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) rộng hơn 11,8ha chậm tiến độ 7 năm. Nhiều hạng mục xuống cấp, cỏ mọc um tùm.

Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang khởi công từ năm 2016, dự kiến hoàn thành vào năm 2017, được kỳ vọng trở thành địa điểm lui tới vui chơi, thư giãn, tập thể dục hằng ngày của người dân.

Tuy nhiên sau hơn 7 năm kể từ ngày động thổ, hiện công viên này vẫn chưa thể bàn giao vì chậm tiến độ.

Dự án do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư nhiều diện tích trong dự án.

Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, bốn mặt ngoài công viên được quây kín tôn, cửa khóa bằng xích sắt. Bên trong cỏ dại mọc um tùm, nhiều hạng mục đã hoàn thiện chưa đưa vào sử dụng nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Cụ thể các hạng mục như hồ điều hòa, chòi nghỉ, đường đi quanh công viên, cây xanh, đèn chiếu sáng đã được chủ đầu tư hoàn thiện. Tuy nhiên, đường đi rêu phủ đen vì không có người đi lại; nhiều cây xanh bị chết khô, hệ thống đèn chiếu sáng bị rác bủa vây, cỏ dại mọc che kín.

Hồ điều hòa nằm giữa công viên nước đen kịt, rêu xanh phủ kín, bốc mùi hôi thối.