Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) đang tiến hành bổ sung, điều chỉnh biển báo phân làn đường trên tuyến buýt nhanh BRT phù hợp theo quy chuẩn và cải tạo, sửa chữa nhiều hạng mục khác.
Hà Nội chi hơn 8 tỉ đồng thay biển báo, sửa nhiều hạng mục tuyến buýt BRTChi hơn 8 tỉ thay biển báo, sửa nhiều hạng mục trên tuyến buýt nhanh BRT. Ảnh: Tô Thế
Chiều 22.12, trao đổi với PV Báo Lao Động, một lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở GTVT Hà Nội) cho hay, đơn vị sắp hoàn thành dự án bổ sung, điều chỉnh biển báo phân làn đường trên tuyến buýt nhanh BRT; thay thế đinh phản quang hư hỏng trên tuyến đường; bố trí biển báo, cột cần vươn, thay thế biển báo không phù hợp theo quy chuẩn QCVN41:2019/BGTVT và một số hạng mục khác… nhằm đảm bảo an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc.
“Tổng mức đầu tư dự án là hơn 8 tỉ đồng. Dự kiến hạng mục biển báo sẽ hoàn thành trước ngày 25.12, còn các hạng mục khác hoàn thành trước ngày 31.12.” – Lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông cho hay.
Biển báo được thay mới trên làn buýt nhanh BRT theo quy chuẩn mới nhất. Ảnh: Tô ThếBiển báo được thay mới trên làn buýt nhanh BRT theo quy chuẩn mới nhất. Ảnh: Tô Thế
Như trước đó Báo Lao Động đã thông tin, những ngày qua dư luận xôn xao trước hình ảnh các biển báo chỉ dẫn trên làn buýt nhanh BRT được dỡ bỏ, nhiều người cho rằng tuyến buýt này sẽ bị “khai tử”.
Tuy nhiên, ngay sau đó Sở GTVT Hà Nội đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên và cho biết tuyến buýt nhanh BRT 01 vẫn hoạt động bình thường. Việc làm trên nằm trong kế hoạch duy tu, sửa chữa các hạng mục về vạch kẻ, biển báo… trên tuyến buýt nhanh.
Theo ghi nhận của PV, so với biển báo chỉ dẫn cũ, biển mới có thêm dòng chữ “BRT” trên biển chính, còn biển phụ thay đổi dòng chữ thuyết minh từ “LÀN DÀNH RIÊNG BRT” thành “LÀN XE BUÝT NHANH” kèm dòng phiên dịch tiếng anh “Bus Rapid Transit (BRT)” phía dưới.
Tuyến xe buýt nhanh BRT số 01 Kim Mã – Hà Đông được thành phố Hà Nội đưa vào sử dụng tháng 12.2016 với tổng mức đầu tư trên 55 triệu USD (khoảng 1.100 tỉ đồng). Dự án xây dựng làn đường dành riêng rộng 2,5 mét ở bên trái sát dải phân cách giữa cho xe buýt hoạt động (buýt thường dừng đón, trả khách ở làn phải sát vỉa hè). Tuyến có chiều dài 14km, sử dụng 55 xe buýt loại 80 chỗ với giá 5,03 tỉ đồng/xe.
Dự án được thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với mục tiêu cải thiện tình trạng ùn tắc, ô nhiễm; làm nền tảng phát triển hạ tầng giao thông công cộng; thúc đẩy người dân chuyển từ xe cá nhân sang phương tiện công cộng…