Đào thông hầm xuyên núi phức tạp thứ 2 Việt Nam trên cao tốc 10.700 tỷ đồng, 806 con người báo tin vui

Việc đào thông hầm xuyên núi trong điều kiện địa chất không thuận lợi, thể hiện sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của 806 con người tham gia dự án.

Theo báo cáo của Ban Điều hành Gói thầu XL01, Liên danh nhà thầu đã huy động 806 nhân sự, 505 máy móc thiết bị và triển khai 40 mũi thi công trên toàn tuyến. Tổng sản lượng thực hiện toàn gói thầu đạt 72%.

Để hoàn thành việc đào thông hai nhánh hầm, đội ngũ kỹ sư và công nhân đã vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt về về địa chất, đạt tốc độ thi công trung bình 2 mét dài/ngày.

Cửa hầm Tuy An nhìn từ trên cao. Ảnh: Đèo Cả Group

Gấp rút hoàn thành đường dẫn tới hầm Tuy An. Ảnh: Đèo Cả Group

Được biết, ngay sau khi hai nhánh hầm được thông, đội ngũ kỹ sư và công nhân sẽ triển khai các công đoạn tiếp theo như đào hạ nền, gia cố, lắp đặt ván khuôn để đổ bê tông vỏ hầm, lắp đặt hệ thống thiết bị ITS. Bên cạnh đó, hầm Tuy An sẽ được tận dụng làm đường công vụ, rút ngắn thời gian vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.

Gói thầu XL01 dự án thành phần đoạn Chí Thạnh – Vân Phong thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2. Gói thầu có chiều dài 24km (tổng chiều dài dự án là 48km).

Trên tuyến, ngoài phần đường, hầm Tuy An dài hơn 1km còn có 16 cầu (11 trên tuyến chính và 5 cầu trên tuyến ngang và nút giao). Gói XL01 được thực hiện bởi liên danh nhà thầu do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu.

Cao tốc Bắc – Nam đoạn Chí Thạnh – Vân Phong có tổng chiều dài hơn 48km đi qua địa bàn tỉnh Phú Yên. Điểm đầu trùng với điểm cuối dự án đoạn Quy Nhơn – Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên). Điểm cuối kết nối với quốc lộ 1 và dự án hầm Đèo Cả ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên.

Giai đoạn phân kỳ, tuyến cao tốc được đầu tư quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m. Tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng.

Thi công hầm xuyên núi Tuy An từng khựng lại nhiều lần
Ông Trương Công Đạt – Giám đốc Ban Điều hành Gói thầu XL01 cho biết, quá trình thi công hầm Tuy An đã đối mặt với nhiều thách thức lớn do điều kiện địa chất phức tạp. Theo thiết kế ban đầu, hầm được dự kiến sẽ xuyên qua lớp đá cứng, nhưng thực tế khi thi công địa chất tại khu vực này chủ yếu là đất sét, đá phong hóa, cát và nước ngầm.

Sự khác biệt này không chỉ làm gia tăng độ khó trong thi công mà còn khiến tốc độ đào hầm từ trung bình 6-8 mét mỗi ngày giảm xuống chỉ còn 0,5-1 mét mỗi ngày.

Trước những khó khăn này, Ban Điều hành cùng các đơn vị liên quan đã nhanh chóng điều chỉnh phương án thi công, xử lý các vấn đề phát sinh và hoàn thiện hồ sơ phê duyệt. Việc phối hợp chặt chẽ giữa nhà thầu, đơn vị tư vấn giám sát và Ban Quản lý dự án đã đảm bảo nguồn kinh phí và tiến độ thực hiện.

Nhờ sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ kỹ sư và công nhân, tiến độ thi công toàn dự án hiện vượt 8% so với kế hoạch đề ra.

“Việc hoàn thành đào thông hầm Tuy An, đặc biệt trong điều kiện địa chất không thuận lợi, thể hiện sự quyết tâm và tinh thần trách nhiệm của toàn bộ đội ngũ tham gia dự án. Đây là bước tiến quan trọng, góp phần đẩy nhanh tiến độ của toàn bộ tuyến cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong”, ông Đạt khẳng định.

Theo lời kể của ông Đạt, trong dữ liệu thiết kế gốc của công trình, hầm Tuy An được xác định có địa hình chủ yếu là đá cứng, kỹ thuật thi công được đề xuất là dùng phương pháp nổ mìn, cùng với việc củng cố bằng lưới thép E6 và xịt lớp bê tông cốt thép dày 10cm để cứng hóa lớp vỏ hầm.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực địa chỉ ra rằng địa chất tại đây chủ yếu bao gồm đất sét, sỏi, cát và nguồn nước dưới lòng đất, buộc đội ngũ thi công phải điều chỉnh phương án củng cố lại hầm.

Khi gặp phải vùng có hiện tượng sụt lở do cát, đơn vị thi công đã thực hiện việc khoan cấy neo, phun bê tông và bơm vữa để khôi phục lại tình trạng ổn định ban đầu của các khối đất và cát. Bên cạnh đó, nhà thầu cũng chủ động thăm dò bằng cách khoan thử nghiệm từ trước để dự đoán sự thay đổi của địa chất tiếp theo, từ đó chuẩn bị các kế hoạch ứng phó sẵn sàng và đảm bảo nguồn cung cấp vật liệu cần thiết cho mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.

Trong cuộc phỏng vấn với Tạp chí Giao thông vận tải, ông Lê Quốc Dũng – Q.Giám đốc Ban QLDA7 (đơn vị chủ đầu tư) đã thông tin, việc xây dựng hầm diễn ra trong lòng đất nên trong giai đoạn khảo sát, các nhà tư vấn đã sử dụng phần mềm máy tính cùng phương pháp sóng âm để nghiên cứu đặc trưng địa chất.

Ông Dũng giải thích rằng việc phát hiện ra sự khác biệt trong địa chất khi nhà thầu đang khoan là một hiện tượng không hiếm gặp. Địa chất tại Phú Yên được biết đến là rất phức tạp, nhiều hầm đường sắt khác cũng từng phải đối mặt với vấn đề trượt lở trong quá trình tu sửa, nâng cấp. Đơn vị chủ đầu tư đã mời những chuyên gia hàng đầu về hầm để tham vấn cho dự án.

Các chuyên gia sau khi kiểm tra đã đánh giá hầm Tuy An là một trong những hầm có địa chất phức tạp và thách thức thứ hai tại Việt Nam, chỉ sau một hầm khác ở Sơn La, ông Dũng kể lại.