Bộ phim “Đất rừng phương Nam” cán mốc 123 tỉ đồng sau nhiều sóng gió, tranh cãi. Từ “Đất rừng phương Nam”, “nghịch lý” gây tranh cãi suốt thời gian dài của điện ảnh Việt tiếp tục được bàn lại.
Đó là chuyện doanh thu khác biệt giữa phim có yếu tố lịch sử do tư nhân và nhà nước sản xuất.
“Đất rừng phương Nam” đạt doanh thu 123 tỉ đồng và nghịch lý ở phim lịch sửCảnh trong phim “Đất rừng phương Nam”. Ảnh: Nhà sản xuất
Nghịch lý doanh thu
Cùng ra mắt tháng 10, ngoài “Đất rừng phương Nam” còn có “Đào, phở và piano” và “Hồng Hà nữ sĩ”.
“Đào, phở và piano” do Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đặt hàng, lấy bối cảnh từ cuộc chiến 60 ngày đêm cuối năm 1946 của quân dân Hà Nội.
“Hồng Hà nữ sĩ” cũng do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đặt hàng, hãng Hồng Ngát film sản xuất lấy cảm hứng từ cuộc đời nhiều thăng trầm của nhà thơ Đoàn Thị Điểm – nữ sĩ thơ Nôm nổi tiếng thời Lê Trung hưng (thế kỷ 18), tác giả tập thơ “Chinh phụ ngâm”.
Sau khi ra mắt, “Đào, phở và piano” hay “Hồng Hà nữ sĩ” chưa thấy xếp lịch chiếu ngoài rạp, cả 2 phim đều được xếp vào diện kén khán giả, khó bán vé.
“Đào, phở và piano”, “Hồng Hà nữ sĩ” có lẽ sẽ mang số phận giống như nhiều bộ phim lịch sử do nhà nước đặt hàng khác, như “Sống cùng lịch sử”, “Ký ức Điện Biên”, “Nhà tiên tri”… – những phim chỉ sản xuất cho ngày chào mừng kỷ niệm, chiếu vài ngày cho có.
“Đào, phở và piano” được tiết lộ, có kinh phí sản xuất là 20 tỉ đồng.
Trong khi đó, “Đất rừng phương Nam” của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, dù gây tranh cãi dữ dội, đã cán mốc doanh thu 124 tỉ đồng tính đến ngày 30.10. Đây là một trong những tác phẩm hiếm hoi cán mốc doanh thu trăm tỉ trong năm 2023.
Một cảnh trong phim “Đào, phở và piano” do Cục Điện ảnh đặt hàng, kinh phí 20 tỉ đồng. Ảnh: Nhà sản xuấtMột cảnh trong phim “Đào, phở và piano” do Cục Điện ảnh đặt hàng, kinh phí 20 tỉ đồng. Ảnh: Nhà sản xuất
“Đất rừng phương Nam” gây tranh cãi xoay quanh những yếu tố liên quan đến lịch sử những năm 1920-1930 trong phong trào kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ.
Một câu chuyện khác đang được đặt ra, đó là sự đối nghịch về doanh thu giữa phim có yếu tố lịch sử do tư nhân và nhà nước sản xuất. Nếu phim tư nhân bán được vé rầm rộ, bất chấp tranh cãi, phim nhà nước lại ế ẩm, thậm chí không bán nổi 1 vé (trong một suất chiếu) dù đầu tư triệu USD, như trường hợp “Sống cùng lịch sử”.
Phim “tiêu tiền” nhà nước nhưng không bán được vé là lãng phí, thất thoát
Ngày 30.10, trao đổi với phóng viên Lao Động về việc, phim lịch sử nhà nước đặt hàng luôn nặng tính tuyên truyền, khô cứng, kén khán giả, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội – cho rằng, đây là một sự lãng phí.
“Chắc chắn đây là một sự lãng phí! Đó cũng là lý do tại sao chúng ta phải phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng môi trường thuận lợi, phù hợp cho phát triển điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung của nước nhà” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Đã từ lâu, bài toán kinh tế được đặt ra với những dự án phim lịch sử do nhà nước đặt hàng mỗi dịp lễ tết. Hầu hết đều là những phim không bán được vé khi ra rạp. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh từng gọi đây là “sự thất thoát” tiền của nhà nước.
Đã đến lúc các phim nhà nước đặt hàng cũng phải tính đến doanh thu, lời lãi, không thể lãng phí tiền đầu tư. Ảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“.Đã đến lúc các phim nhà nước đặt hàng phải tính đến doanh thu, lời lãi, không thể lãng phí tiền đầu tư. Ảnh trong phim “Đất rừng phương Nam“.
Khi bị chất vấn về chất lượng phim, tư duy xử lý đề tài khô cứng, cũ kỹ, nhiều đạo diễn nhận phim nhà nước đã cho rằng, họ không đủ tiền để phô diễn, trưng trổ hết tài năng. Lý do đưa ra, phim chiến tranh, lịch sử muốn hay phải tốn rất nhiều tiền. Mỹ, Hàn muốn có bom tấn phải đầu tư hàng trăm triệu USD, chứ không chỉ 1 triệu USD như phim lịch sử Việt.
Trao đổi với phóng viên Lao Động về việc này tại hội thảo về công nghiệp văn hoá tháng 2.2023, TS Ngô Phương Lan – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh – cho rằng, “Tôi nghĩ, nếu không có bài toán kinh tế, không có tư duy hoạch định tài chính cho những dự án lớn, có khi, có cả 150 triệu USD các nhà làm phim Việt Nam cũng chưa chắc đã biết cách tiêu cho hết số tiền đó. Vấn đề không phải bao nhiêu tiền, mà là tiêu tiền như thế nào cho phim.
Chúng ta phải học bài toán kinh tế ở các dự án phim của Mỹ, Hàn. Cách chi tiêu của người Việt rất khác. Chúng ta không làm phim bom tấn như Mỹ, sẽ không thể có được tư duy tiêu tiền như phim Mỹ. Đừng nghĩ cứ có hàng trăm triệu USD là sẽ có phim hay ngay”.
Bên cạnh đó, TS Ngô Phương Lan và PGS.TS Bùi Hoài Sơn đều đưa ra những ví dụ điển hình, nhiều tác phẩm điện ảnh thế giới không tốn tiền nhưng vẫn xuất sắc, đoạt giải Oscar.
Tài năng, tư duy làm phim hiện đại, và chiến lược thương mại cho một dự án phim đang cần hơn bao giờ hết đối với các nhà làm phim Việt, khi chúng ta bàn đến công nghiệp hóa điện ảnh.