Với mức trúng đấu giá cao nhất là 262 triệu đồng/m2, phiên đấu giá đất ở Hà Đông ghi nhận mức trúng cao hơn so với mặt bằng các phiên đấu giá ở Hà Nội gần đây.
Đấu giá xuyên đêm, mức trúng đấu giá cao ngất ngưởng, mức giá khởi điểm thấp… là thực trạng đang diễn ra ở nhiều phiên đấu giá đất ở Hà Nội thời gian qua.
Mới đây nhất, trải qua 14 vòng, phiên đấu giá 27 thửa đất ở quận Hà đông đã kết thúc vào 23h ngày 19.10. Lô trúng cao nhất thuộc khu Đống Đanh – Đồng Cộc (phường Phú Lương), mức trúng hơn 262 triệu đồng/m2 với diện tích 57,5m2, tổng là 15 tỉ đồng, gấp gần 8,2 lần so với khởi điểm. Lô trúng thấp nhất có giá gần 132,8 triệu đồng/m2. Các lô đất khác có mức giá trúng dao động từ 146,4 triệu đồng đến gần 183 triệu đồng/m2.
Mức này cao hơn nhiều so với mặt bằng giá đất ở các quận nội thành Hà Nội như Ba Đình, Hai Bà Trưng…
Lô đất ký hiệu 1A-03 thuộc khu Đống Đanh – Đồng Cộc (phường Phú Lương) có mức trúng đấu giá cao nhất với hơn 262 triệu đồng/m2. Ảnh: Linh Trang
Anh Nguyễn Văn Chiến (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết, hiện nay, mức giá khởi điểm vẫn ở mức thấp nên thu hút số lượng người tham gia lớn. Theo đó, nên tăng mức giá khởi điểm và nâng mức tiền đặt cọc, như vậy sẽ hạn chế được tình trạng đầu cơ đất đai.
Bà Phạm Thị Miền – Phó trưởng Ban Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, xúc tiến đầu tư của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam – nhận định, trong quý III/2024, câu chuyện đấu giá đất “nóng” hơn bao giờ hết với các phiên đấu giá được tổ chức “xuyên đêm”, ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận “ăn trực nằm chờ” để tranh suất. Mức giá trúng cũng cao kỷ lục, ngang ngửa đất dự án đã được đầu tư hạ tầng bài bản.
Bà Phạm Thị Miền cho rằng, khi luật mới quy định siết phân lô bán nền, các sản phẩm đất nền đang dần khan hiếm. Do vậy, dự báo thời gian tới, đất đấu giá tiếp tục nhận được sự quan tâm của người dân do pháp lý đảm bảo và mức giá khởi điểm thấp.
Trao đổi với Lao Động, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh – nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế, Học viện Tài chính – nhận định, có dấu hiệu đầu cơ trong phiên đấu giá ở Hà Đông. Theo đó, một số nhóm nhà đầu tư và nhà đầu cơ muốn thổi giá đất để tạo ra một mặt bằng giá mới, không chỉ ở Hà Nội mà có thể lan rộng ra cả nước. Những cuộc đấu giá với giá cao chót vót rồi bỏ cọc làm nhiễu loạn thông tin thị trường như tại Thanh Oai, Hoài Đức… không còn quá xa lạ.
Hệ lụy là giá đất ở khu vực đó sẽ tăng rất cao so với giá thực tế, thậm chí có thể nó vượt cả giá đất ở các quận nội thành. Điều này khiến người dân khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở. Đồng thời, doanh nghiệp và Nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc đền bù đất đai do giá bị đẩy lên cao so với giá trước đây.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh đề xuất một số giải pháp để hạn chế tình trạng đầu cơ như xác định giá khởi điểm dựa trên giá thị trường, hạn chế chuyển nhượng dự án trong thời gian 5 năm và yêu cầu chủ đầu tư phải xây dựng nhà ở trong vòng 2-3 năm.