Diễn biến mới vụ khoan ngầm metro Hà Nội gặp sự cố: Bùn đất vẫn phun lên, nhiều hộ dân phải di tản

Sau khi khắc phục xong sự cố, bùn đất vẫn phun lên và tràn ra ngõ 7 phố Giang Văn Minh (Ba Đình, Hà Nội) do thi công đoạn ngầm dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội, hàng chục công nhân đang khắc phục sự cố.

Ghi nhận tại khu vực ngõ 7 phố Giang Văn Minh (phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP.Hà Nội) – nơi xảy ra sự cố khi đào ngầm dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội cho thấy, sáng 21/2, một số vị trí bùn đất vẫn tiếp tục đùn và phun lên từ dưới lòng đất qua lỗ nhỏ và cống thoát nước. Hàng chục công nhân và các xe hút bùn tiếp tục được huy động để xử lý sự cố.


Sáng 21/2, bùn đất vẫn tiếp tục đùn và phun lên từ dưới lòng đất theo một số lỗ nhỏ và cống thoát nước trong ngõ 7 phố Giang Văn Minh, phường Kim Mã, quận Ba Đình, TP.Hà Nội tràn khắp con ngõ. Ảnh: Thanh Thanh.

Trong ngõ 7 phố Giang Văn Minh có khoảng hơn 30 hộ dân sinh sống. Trước khi xảy ra sự cố, 15 hộ dân đã đi tạm cư, 3 hộ (khả năng ảnh hưởng trực tiếp khi thi công đào ngầm) đã bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Sự cố này khiến nhiều hộ dân trong ngõ 7, phố Giang Văn Minh bị ảnh hưởng nghiêm trọng, gây bất tiện đi lại và ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường.

Trước đó, khoảng 15h ngày 20/2, người dân trong ngõ 7, phố Giang Văn Minh phát hiện nhiều bùn đất trào lên từ các miệng cống thoát nước nên đã báo cơ quan chức năng.

Đây là khu vực trong phạm vi đoạn ngầm tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội đi qua. Đoạn ngầm này đang được thi công.


Việc bùn đất lênh láng khắp nơi khiến cuộc sống của nhiều hộ dân gặp khó khăn. Ảnh: Thanh Thanh.

Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), chủ đầu tư của dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội cho biết, ngay sau khi phát hiện sự việc, MRB đã chỉ đạo tư vấn và nhà thầu khẩn trương huy động thiết bị và nhân lực để khắc phục theo quy trình của dự án bao gồm việc hút sạch vữa khoan và làm sạch bề mặt khu vực bị phụt vữa, đảm bảo an toàn và vệ sinh môi trường nguyên trạng.

MRB khẳng định hiện tượng nói trên không gây ảnh hưởng đến kết cấu công trình cũng như không có thiệt hại về người hay vật chất.

“MRB rất xin lỗi vì những bất tiện có thể đã gây ra trong quá trình thi công, rất mong nhận được sự thông cảm và hợp tác của người dân trong khu vực”, MRB thông báo ngay sau đó.

Đến 21 giờ ngày 20/2, đơn vị này cùng liên danh nhà thầu, tư vấn giám sát đã khắc phục xong sự cố suối bùn phun vào khu dân cư ngõ số 7, phố Giang Văn Minh do máy đào hầm metro Nhổn – ga Hà Nội gây ra.

Trước diễn biến mới khi bùn đất vẫn tiếp tục đùn và phun lên, các đơn vị liên quan tiếp tục khắc phục sự cố; đánh giá chính xác nguyên nhân, triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm ngăn ngừa sự việc tương tự trong giai đoạn tiếp theo.

Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội dài 12,5km, có 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Trong đó, đoạn trên cao Nhổn – Cầu Giấy dài 8,5km (đã khai thác thương mại), đoạn đi ngầm Cầu Giấy – ga Hà Nội dài 4km. Dự án khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015 nhưng nhiều lần lùi tiến độ, dự kiến hoàn thành toàn tuyến năm 2027.

Trước đó, sáng 3/2, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cùng với tư vấn và các nhà thầu khởi công khoan hầm bằng máy đào TBM (Tunnel Boring Machine) thứ hai có tên gọi “Táo bạo” cho đoạn tuyến đi ngầm của dự án đường sắt đô thị, đoạn Nhổn – ga Hà Nội.

Khởi công khoan hầm từ 30/7/2024, đến nay, TBM đầu tiên của dự án đã khoan được hơn 985m hầm. Tương tự TBM “Thần tốc”, TBM “Táo bạo” sẽ bắt đầu khoan hầm thứ hai từ ga S9 – Kim Mã tại độ sâu 17,8m, máy khoan hầm sẽ tăng tốc đến tốc độ tiêu chuẩn khoảng 10m/ngày để tiếp cận các ga tiếp theo.

Theo kế hoạch, tổng thời gian từ khi bắt đầu khoan máy TBM đầu tiên cho đến khi kết thúc máy TBM số 2 là 16 tháng. Sau khi kết thúc khoan tại ga S12, các máy TBM sẽ được tháo dỡ tại ga này, hệ thống thiết bị phụ trợ sẽ được kéo về và tháo dỡ tại ga S9 – Kim Mã.

Bộ đôi máy TBM được thiết kế riêng cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Máy được sản xuất bởi hãng Herrenknecht (CHLB Đức), có chiều dài hơn 100m, nặng khoảng 850 tấn.

Tổng số nhân sự cho công tác thi công là hơn 150 người. Trong đó, những công tác chính như vận hành máy TBM, vận hành cánh tay robot lắp vỏ hầm, thay đầu cắt…