Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, 2 huyện thuộc tỉnh Bắc Ninh và một huyện thuộc tỉnh Hưng Yên đều phấn đấu lên thành phố. Cả 3 huyện này đều rất gần trung tâm thành phố Hà Nội, có huyện chỉ cách 20 km.
Theo Quy hoạch tỉnh Bắc Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với 2 thành phố hiện hữu là Bắc Ninh và Từ Sơn. Tỉnh Bắc Ninh sẽ phấn đấu có thêm 2 thành phố là Tiên Du và Yên Phong trước năm 2030.
Còn theo Quy hoạch tỉnh Hưng Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 6 vừa qua; đến năm 2030, Văn Giang được định sẽ trở thành thành phố và là đô thị loại II.
Cả 3 huyện này đều có đặc điểm chung là rất gần trung tâm thành phố Hà Nội. Trong đó, huyện Tiên Du (Bắc Ninh) cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 25 km; huyện Yên Phong (Bắc Ninh) cách khoảng 29 km; huyện Văn Giang (Hưng Yên) cách chỉ 20 km.
Huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh)
Nằm ở phía Tây tỉnh Bắc Ninh, huyện Yên Phong có diện tích khoảng 96 km2 với dân số khoảng 211.000 người. Huyện nằm trong khu vực đầu mối giao thông quan trọng của 2 tuyến cao tốc huyết mạch vùng thủ đô là Hà Nội – Hạ Long, Hà Nội – Thái Nguyên.
Huyện Yên Phong được coi là thủ phủ công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh với rất nhiều khu, cụm công nghiệp lớn như: KCN Yên Phong; KCN Yên Phong II; Cụm CN đa nghề Đông Thọ… Đặc biệt KCN Yên Phong có nhà máy Samsung với tổng mức đầu tư 9,3 tỷ USD, chiếm 49% tổng số vốn đầu tư của công ty này tại Việt Nam.
Sự xuất hiện của Samsung còn kéo theo nhiều doanh nghiệp vệ tinh đến đầu tư, đưa huyện Yên Phong nói riêng và tỉnh Bắc Ninh nói chung trở thành điểm sáng thu hút FDI và cứ điểm ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Tiêu biểu nhất trong thời gian gần đây là Nhà máy Amkor Technology Việt Nam có tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD, được khánh thành tháng 10/2023 tại Khu công nghiệp Yên Phong II.
Theo định hướng quy hoạch, thành phố Yên Phong tương lai sẽ là trung tâm công nghiệp trọng tâm của tỉnh, phát triển dịch vụ công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cấp vùng.
Huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh)
Cùng với Yên Phong, huyện Tiên Du cũng là địa phương phấn đấu lên thành phố trước năm 2030. Huyện nằm phía tây của tỉnh Bắc Ninh, có diện tích khoảng 96 km2 với dân số hơn 195.000 người. Tiên Du nằm trong chuỗi đô thị lõi và liên kết đô thị giữa tỉnh Bắc Ninh với Hà Nội nên có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế – xã hội.
Với lợi thế về giao thông liên kết vùng, huyện Tiên Du là địa bàn trọng điểm thu hút mạnh mẽ đầu tư công nghiệp của tỉnh Bắc Ninh với 3 khu công nghiệp: Tiên Sơn, Đại Đồng – Hoàn Sơn, một phần khu công nghiệp VSIP với tổng diện tích đất công nghiệp khoảng 10 km2, thu hút hàng chục nghìn lao động trong và ngoài tỉnh. Trong ảnh là KCN Đại Đồng – Hoàn Sơn.
Theo định hướng quy hoạch, thành phố Tiên Du tương lai sẽ là trung tâm công nghệ cao, công nghệ thông tin, dịch vụ công cộng, thương mại, vui chơi giải trí, du lịch văn hóa, trải nghiệm, giáo dục đào tạo và chuyển giao công nghệ.
Huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên)
Cuối cùng là huyện Văn Giang, một huyện nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Hưng Yên, bên bờ tả ngạn sông Hồng. Huyện Văn Giang có tổng diện tích khoảng 72 km2 với dân số hơn 123.000 người.
Theo quy hoạch, ước tính quy mô dân số đến năm 2030 của Văn Giang nhảy vọt lên 750.000 người (tăng gấp 6 lần hiện tại) và cao hơn gấp 5,8 lần thành phố Hưng Yên khi ước tính đến 2030 chỉ 128.000 người. Với 750.000 người, huyện Văn Giang sẽ có dân số xấp xỉ huyện Bình Chánh (Thành phố Hồ Chí Minh – huyện đông dân nhất cả nước bây giờ).
Tính đến hiện tại, huyện Văn Giang đang có 8 dự án đầu tư phát triển đô thị lớn với tổng diện tích quy hoạch khoảng 2.200 ha (22 km2), có thể kể đến như: Khu đô thị Ecopark, một trong những dự án khu đô thị lớn nhất miền Bắc với tổng mức đầu tư lên đến 10 tỷ USD; Vinhomes Ocean Park 2 có vốn đầu tư 1,6 tỷ USD; Vinhomes Ocean Park 3 có vốn đầu tư 1,4 tỷ USD… Trong ảnh là Khu đô thị Ecopark.
Về kinh tế, năm 2023 thu ngân sách của huyện Văn Giang đạt trên 16.200 tỷ đồng; con số này còn cao hơn mức thu ngân sách của quận Hoàn Kiếm (quận cao nhất thành phố Hà Nội). Theo định hướng, đô thị Văn Giang đến năm 2040 sẽ là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục – đào tạo của khu vực; đồng thời là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.