Đỗ xe ôtô dưới gầm cầu vượt, bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Bạn đọc có emaill vanhoangxxx@gmail.com gửi email đến Văn phòng Tư vấn pháp luật Báo Lao Động hỏi: Xin hỏi, có được phép đỗ xe ôtô dưới gầm cầu vượt thì bị xử phạt bao nhiêu tiền?

Người điều khiển xe ô tô đỗ xe dưới gầm cầu vượt có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ảnh: Anh Vũ
Luật gia Nguyễn Thu Thủy, Công ty Luật TNHH YouMe trả lời:

Khoản 4, Điều 18 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về dừng xe, đỗ xe trên đường bộ như sau:

4. Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây:

a) Bên trái đường một chiều;

b) Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất;

c) Trên cầu, gầm cầu vượt;

d) Song song với một xe khác đang dừng, đỗ;

đ) Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường;

e) Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau;

g) Nơi dừng của xe buýt;

h) Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức;

i) Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe;

k) Trong phạm vi an toàn của đường sắt;

l) Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Điểm d, Khoản 4 và điểm d, Khoản 7, Điều 5 Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh, vực giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi, bổ sung bởi Điểm d, Khoản 3 và Điểm b, Điểm d, Khoản 34, Điều 2 Nghị định số 123/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ như sau:

4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Dừng xe, đỗ xe tại vị trí: Bên trái đường một chiều hoặc bên trái (theo hướng lưu thông) của đường đôi; trên đoạn đường cong hoặc gần đầu dốc nơi tầm nhìn bị che khuất; trên cầu, gầm cầu vượt, song song với một xe khác đang dừng, đỗ, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm d, khoản 7 Điều này;

7. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

d) Dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; không có báo hiệu để người lái xe khác biết khi buộc phải dừng xe, đỗ xe trên đường cao tốc không đúng nơi quy định; quay đầu xe trên đường cao tốc;

Như vậy, người điều khiển xe ôtô không được phép đỗ xe dưới gầm cầu vượt và nếu đỗ xe dưới gầm cầu vượt có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng theo các quy định nêu trên.

Tư vấn pháp luật

Hãy gọi đường dây nóng tư vấn pháp luật: 0979310518; 0961360559 để nhận được câu trả lời nhanh chóng, kịp thời hoặc gửi email cho chúng tôi:

tuvanphapluat@laodong.com.vn để được trả lời.

Chuyên mục được thực hiện với sự hỗ trợ từ Công ty Luật TNHH YouMe.

Dự thảo luật tính lấy gầm cầu cạn làm bãi giữ xe, nên hay không?

Trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông vận tải đề xuất quy định cho phép sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe.

Một bãi trông xe ở gầm cầu cạn tại Hà Nội – Ảnh: NHẬT TÂN

Phiên họp thứ 24 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháng 07/2023 đã cho ý kiến về dự án Luật Đường bộ. Đây là dự án luật được tách ra từ Luật Giao thông đường bộ 2008, do Bộ Giao thông vận tải xây dựng.

Giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn

So với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, dự thảo luật có nhiều điểm mới, trong đó quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe.

Việc này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Theo đó, dự thảo cho phép gầm cầu cạn được tạm thời sử dụng để trông giữ xe, trừ các xe chở nhiên liệu, chất dễ gây cháy, nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, các chất nguy hiểm khác và các xe quá niên hạn sử dụng.

Việc sử dụng gầm cầu cạn làm điểm trông, giữ xe tạm thời chỉ được thực hiện trong trường hợp cầu đáp ứng yêu cầu, điều kiện kỹ thuật đảm bảo độ an toàn, không quá thời hạn tuổi thọ khai thác; cầu cạn không trong thời gian thực hiện sửa chữa, kiểm định, quan trắc công trình, không thuộc đường phố chính chủ yếu và phải đáp ứng các quy định.

Khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ xe phải bảo đảm các quy định. Cụ thể, phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông, có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy, bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

Điểm cao nhất của xe đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn 1,5m; phạm vi trông giữ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5m. Đồng thời phải được rào chắn, trừ các vị trí cho xe ra vào.

Phải có kiểm tra, chấp thuận
Dự thảo nêu rõ đơn vị có nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe có văn bản đề nghị, gửi cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kiểm tra, chấp thuận khi đáp ứng các quy định trên.

Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ xe.

Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ xe phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền… mà không được yêu cầu bồi thường.

Trường hợp sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông xe có thu phí, giá phải thực hiện theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ xe.

Cần quy định rõ điều kiện cụ thể, cân nhắc thấu đáo
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Quyền – chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam – bày tỏ đồng tình với dự thảo luật về việc có thể sử dụng gầm cầu cạn để trông, giữ xe.

Song, ông nói quan trọng nhất cần quy định điều kiện cụ thể đi kèm nhằm bảo đảm không ảnh hưởng đến việc lưu thông và bảo đảm an toàn cháy nổ.

Còn ông Bùi Danh Liên – phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội – lại nêu quan điểm việc sử dụng tạm thời cầu cạn để trông, giữ xe cần nghiên cứu kinh nghiệm thế giới và cân nhắc thấu đáo.

Ông phân tích thực tế ở nhiều nước không cho phép việc này bởi trông xe ở gầm cầu cạn có thể gây ùn tắc, không đảm bảo an toàn, dễ dẫn đến cháy nổ… “Việc sử dụng gầm cầu cạn để giữ xe là không hợp lý”, ông Liên nêu.

Ông cho rằng tại các quận nội thành của Hà Nội và TP.HCM đang có không ít dự án, khu đất treo nhiều năm nay, trong đó một số khu đất cho thuê đi thuê lại và sử dụng không đúng quy hoạch.

Do vậy, có thể thu hồi hoặc cấp phép để làm bãi xe tạm. Việc này vừa giải quyết được nhu cầu của người dân trong vùng, vừa tránh tình trạng dự án bị treo, bị cho thuê, sử dụng vô tội vạ, gây cháy nổ…