Một trong những “điển hình của sự lãng phí” mà Tổng Bí thư Tô Lâm nhắc tới là dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM.
Dự án chống ngập “đắp chiếu” 8 năm, trải qua 2 nhiệm kỳ
Trong phiên thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm đã dành thời gian nói đến tình trạng lãng phí. Tổng Bí thư cho biết rất bức xúc và có nhiều người bức xúc về tình trạng lãng phí.
“Dân hỏi đất vàng quý lắm, ra bao nhiêu tiền, nhưng sao để đứng yên như thế? Hàng chục năm vẫn thấy cỏ mọc, ai phải chịu trách nhiệm chứ, nhà nước, doanh nghiệp hay ai được cấp phải có trách nhiệm, tại sao không làm, không làm phải thu lại”, Tổng Bí thư nói.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế- xã hội (Ảnh: Như Ý/TPO).
Từ đó, theo Tổng Bí thư, phải có ai đứng ra chịu trách nhiệm. Nhà nước cấp như thế nào để lãng phí thế này? Doanh nghiệp hay ai được cấp, tại sao không làm? Nếu không làm thì Nhà nước thu lại theo quy định. Nếu bảo “tôi đang làm nhưng vướng”, thì vướng chỗ nào phải tháo gỡ chỗ đó”.
Tổng Bí thư “điểm danh” những dự án rất cụ thể, như dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng ở TP.HCM, trải qua hai nhiệm kỳ, tiền Nhà nước bỏ ra rồi nhưng nhân dân TP.HCM “vẫn phải chịu ngập lụt”. “Nếu để thế nữa là vi phạm, dù không tham ô, tham nhũng nhưng tội lãng phí”, Tổng Bí thư nêu.
Khởi công giữa năm 2016, dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng là một trong những dự án trọng điểm, có vai trò trọng yếu, đặt mục tiêu kiểm soát ngập do triều, ứng phó biến đổi khí hậu cho 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân ven sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Thế nhưng đã 8 năm trôi qua, dự án vẫn chưa hẹn ngày “về đích”. Việc chậm hoàn thành dự án, đồng nghĩa với việc vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân TP.HCM sẽ phải tiếp tục sống chung với triều cường.
Liên quan đến dự án này, năm 2023, Chính phủ đã phải thành lập tổ công tác, khi đó do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang làm tổ trưởng nhằm tìm cách gỡ vướng cho dự án sớm về đích.
Dự án có tầm quan trọng rất lớn với TP.HCM với mục đích ngăn nước triều từ phía biển đổ vào qua các cửa sông gây ngập nhiều nơi. Ảnh: Tứ Quý
Hiện tại, dự án này gặp 3 khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Cụ thể, dự án chưa được xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện khi có nhiều nội dung thay đổi, dẫn đến việc dự án thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.
Dự án đang không có nguồn vốn để hoàn thành. Nguyên nhân là Ngân hàng không đủ cơ sở để ký phụ lục hợp đồng tín dụng với nhà đầu tư để trình Ngân hàng Nhà nước gia hạn thời gian giải ngân tái cấp vốn.
UBND TPHCM cũng trình bày về việc chưa có cơ sở để huy động nguồn vốn ủy thác cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tiếp tục thi công, hoàn thành công trình.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, với tình hình hiện nay, việc thanh toán cho nhà đầu tư là yêu cầu cấp bách và là điều kiện tiên quyết để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, hoàn thành công trình. Nhà đầu tư cũng cam kết nếu được thanh toán doanh nghiệp cần một tháng rưỡi để chuẩn bị và 6 tháng để hoàn thành toàn bộ dự án.
Dự kiến tăng 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng, mỗi ngày phát sinh 1,7 tỷ tiền lãi vay
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam, tổng mức đầu tư dự kiến điều chỉnh tăng từ 9.976 tỷ đồng lên thành 14.398 tỷ đồng (theo tiến độ dự kiến hoàn thành Dự án cuối năm 2025).
Chỉ tính riêng chi phí lãi vay tính đến ngày 26/7/2024 đã lên đến 2.369 tỷ đồng, trung bình mỗi ngày lãi vay phát sinh hơn 1,7 tỷ đồng. Lãi vay mỗi ngày phát sinh như vậy nhưng công trình lại đang tạm dừng thi công từ ngày 15/11/2020 cho đến nay.
Mới đây nhất, TP.HCM đã có buổi họp tháo gỡ vướng mắc cho dự án chống ngập này. Ngay sau cuộc họp, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu các đơn vị xử lý hàng loạt vấn đề tồn đọng của dự án trong tháng 11.
Dự án ngăn triều có 7 hạng mục chính, gồm 6 cống ngăn triều và gần 10km đường đê kè ở khu vực các cống (Ảnh: Tứ Quý).
UBND TP.HCM chỉ đạo, trước ngày 5/11, Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng khẩn trương xem xét, cấp giấy phép cáp ngầm và trụ cần vươn tại Cống ngăn triều Bến Nghé cho nhà đầu tư. Cùng thời hạn trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chịu trách nhiệm hoàn thiện báo cáo thẩm định dự toán, ca máy và thiết bị thi công các hạng mục.
Lãnh đạo UBND TP.HCM cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xem xét đề nghị của Công ty TNHH Trung Nam về đề xuất nguồn cát đắp nền các hạng mục thuộc dự án. Sở cần sớm có văn bản hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện theo đúng quy định.
Trong đầu tháng 11, các đơn vị cần hoàn thành việc xem xét, xác nhận khối lượng hoàn thành, khối lượng thực hiện dự án. Đến trước ngày 15/11, các sở cùng Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị cần rà soát nhân sự, gửi Sở Nội vụ để trình ban hành quyết định kiện toàn nhân sự tổ công tác dự án chống ngập gần 10.000 tỷ.
Vừa qua, Chính phủ đã lấy ý kiến hỏa tốc đối với các bộ, ngành liên quan phương án tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM.
Với tổng dân số hơn 9,3 triệu người và tổng diện tích là 2.095 km2, TP.HCM là đô thị đông dân nhất cả nước và có mật độ dân số cao nhất hiện nay.